Một độc giả, cựu chiến binh đi qua cuộc chiến vệ quốc, gửi thư tới trang Gia đình, Báo Pháp luật Việt Nam với mong muốn báo sẽ đăng tải chuyện đời ông, éo le nhưng đầy cảm động. Những nhân vật trong chuyện đều là người tử tế và chính sự tử tế đó đã giúp họ vượt qua sự khắc nghiệt của thời chiến và thử thách của lòng người…
|
Hình minh họa |
* Năm 1972, tiểu đoàn chúng tôi đóng quân tại Nông trường cao su Việt Trung (Quảng Bình) thì nhận được lệnh từ Quân khu điều 4 đồng chí đại đội trưởng bổ sung vào chiến trường B5. Cô dân quân quê Nam Hà tên Minh Huệ đã lặn lội hơn nửa tháng vào thăm người chồng mới cưới được một tháng thì đã muộn vì hai ngày trước, chồng cô – đồng chí C trưởng Minh Quốc đã lên đường vào B5.
Tại nhà khách dã chiến của trung đoàn, Tiểu đoàn trưởng Trần Khuê là đồng hương đã thay Minh Quốc đón tiếp cô Minh Huệ, động viên an ủi. Nhân chuyến công tác ra Quân khu họp, Tiểu đoàn trưởng Trần Khuê cho cô Minh Huệ trở về quê cùng chuyến xe U- oát của đơn vị, nhân tiện cùng ghé qua nhà thăm vợ và con gái đầu lòng.
Vào chiến trường B5 được một tháng thì Minh Quốc nhận thư vợ là đã có thai, cũng là lúc đơn vị anh phụ trách bị máy bay địch rải chất độc da cam. Anh bị thương và vào viện, được chuyển ra Bắc. Lúc này vợ anh – cô Minh Huệ đã chuyển ra Hà Nội công tác, anh chuyển ngành về cơ quan vợ với thẻ thương binh 2/4. Nhiều lần khám bệnh, Minh Quốc biết rằng mình nhiễm chất độc da cam, không thể có con được và anh đinh ninh rằng vợ chồng có một đứa con trai là tốt lắm rồi.
* Chiến tranh đi qua nhiều năm, Tiểu đoàn trưởng Trần Khuê cũng chuyển công tác về Bộ Tư lệnh công binh rồi nghỉ hưu, vợ chồng anh có ba mặt con nhưng lại toàn con gái. Tuy đã có ba con nhưng mỗi lần cơn đau đầu từ vết thương tái phát hành hạ anh lại nghĩ về một đứa con trai máu mủ đang ở đâu đó. Để khẳng định cho dự cảm của mình, anh cũng vài ba lần trở lại những nơi đóng quân, những mối tình xưa cũ, nhưng không mảy may tìm thấy tia hi vọng.
Sau lần đi điều trị biến chứng não ở Trung Quốc về, Trần Khuê nhớ ra rằng cái dịp ở nông trường Việt Trung năm ấy nhưng anh chưa tin chắc rằng có thật không. Và anh lò dò chống gậy ra Hà Nội tìm đến nhà Minh Quốc thăm đồng đội cũ. Anh gõ cửa, bà Minh Huệ bước ra hỏi :
- Ông hỏi ai?
- Tôi là Trần Khuê vào thăm Minh Quốc cùng đơn vị.
Nghe đến đó bà Minh Huệ sững người lại, cái bát đang cầm trên tay rơi vỡ toang. Lúc này, Trần Khuê mới tin rằng cái đêm mưa bão ấy đã thành hiện thực. Bà Huệ vào giường nằm, thằng con trai đang học đại học ra rót nước mời khách.
- Bố cháu có ở nhà không?
- Thưa bác, bố cháu đang ở bệnh viện vì hôm trước bệnh chất độc da cam lại tái phát.
- Cháu tên là gì?. Năm nay bao nhiêu tuổi?.
- Dạ, cháu là Lê Minh Thành ạ. Cháu năm nay hai mươi tuổi.
Vừa hỏi, Trần Khuê vừa ngắm nghía Minh Thành, thầm nghĩ: “Nó giống mình quá!”. Và rồi Trần Khuê vội vã chào bà Huệ và cháu Minh Thành ra về. Ông lên xe buýt đi mà đến trạm xe dừng chưa thấy ông xuống, người lái xe hỏi ông mới giật mình là đã quá ba trạm.
Còn bà Huệ sau ngày gặp đột ngột ông Trần Khuê đã phát ốm, ông Minh Quốc ra viện về chăm bà. Bà cứ khóc, ông hỏi chuyện gì, bà cứ bảo: “Chẳng có chuyện gì cả, ốm đau bệnh người già mà”.
* Nghe tin Minh Quốc ra viện về nhà, Trần Khuê ra Hà Nội lại chống gậy đến thăm Minh Quốc. Bà Huệ đi chợ, Minh Quốc tiếp Trần Khuê, hai ông ngồi hàn huyên hết gần chai rượu, khi men say ngà ngà, Trần Khuê mới hỏi :
- Quốc này, tớ hỏi cậu, nếu thằng Thành không phải con cậu, cậu nghĩ sao?
- Anh nói kiểu gì vậy, cái thân tôi là cán bộ cấp dưới của anh, ngày tôi cưới vợ chưa vào Nam, chưa bị chất độc da cam thì con tôi là cái chắc.
Câu chuyện chỉ dừng lại ở đấy như mọi câu chuyện vu vơ khác, nhưng về phần mình trước khi chào ra về, ông Khuê vào phòng riêng của con trai ông Quốc gỡ mấy sợi tóc vướng trên chiếc lược và bác sỹ là bạn cũ xét nghiệm AND. Một tháng sau, người bạn đưa cho ông bản giám định ADN đúng gien cha con. Ông tìm đến nhà nói chuyện với bà Huệ, nào ngờ nghe chưa hết câu chuyện, bà Huệ đã mắng ông như tát nước:
- Ông còn muốn gì hơn nữa, ông định phá nát hạnh phúc cuối đời của gia đình tôi sao? Ông có ba đứa con, bốn đứa cháu dù nội hay ngoại thì cũng an bài. Nếu ông đòi thằng Thành thì ông Quốc sống sao nổi, ông ác thế. Đời sắp hết, ông nên làm phúc lấy một lần.
- Bà Huệ ạ, tôi cũng gần đất xa trời, tôi phải có thằng chống gậy, nó đích thực là con tôi mà…
- Ơn của ông, ông trời cũng biết nhưng tội của ông hai mươi năm nay thì tôi vẫn giấu. Thôi ông về đi, đừng để ông Quốc biết chuyện, ông đưa bản giám định đây để tôi bàn với ông Quốc từ từ - bà Huệ nói trong nước mắt :
Bà Huệ nhận bản giám định cất kín và hứa với Trần Khuê: “Khi ông qua đời thì tôi sẽ đưa thằng Thành về cùng bàn gia đình để con nó chống gậy cho ông”.
* Sau lần ấy, Trần Khuê đến nhà tôi (là tác giả bức thư kể lại câu chuyện này) nói trong nước mắt: “Con của mình nhưng người khác có công nuôi dưỡng, dầu sao đó cũng là phúc phận trời định. Từ nay mình có con trai, nhưng nếu mình nhận nó về thì ông Quốc làm sao mà sống nổi, đồng đội mình chỉ có mình nó, còn mình đã có ba con gái, cứ để cho thằng Thành phụng dưỡng ông Quốc, con mình đi nuôi dưỡng bạn mình, âu cũng là nghĩa tình đồng đội. Cứ nghĩ đến đó là mình thấy vui rồi”.
Châu Nho