Thương chồng không có mụn con nào lành lặn, người vợ mang trầu cau đi cưới vợ cho chồng. Khi người chồng qua đời, cả hai bà vẫn dựa lưng vào nhau dưới một mái nhà để nuôi nấng đàn con, trong đó có 2 đứa trẻ bị tật nguyền. Hai vợ một mái nhà Đó là bà Trương Thị Bích, ở thôn Thông Đạt, Liệp Tuyết, Quốc Oai, Hà Nội. Bà Bích sinh ra trong một gia đình nghèo có 9 anh em tại xã Hòa Thạch, Quốc Oai. Năm 1968, bà kết hôn với ông Nguyễn Văn Thư. Khi đó ai cũng mừng cho bà vì lấy được chồng là lái xe. (Thời đó nghề lái xe có giá lắm). V ề làm vợ ông Thư được mấy ngày, vừa "quen" mặt nhau thì ông Thư phải lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Từ đó, ông Thư đi biền biệt, hết ở miền Bắc, vào Quảng Trị rồi lại sang Lào. Mãi đến năm 1972, họ mới sinh được một bé gái, đặt tên là Nguyễn Thị Bài. Thế nhưng, Bài sinh ra đã ốm yếu liên miên, chân tay dần teo lại, cổ nghẹo sang một bên, ngây ngây ngô ngô. Dù thuốc thang tận tình nhưng Bài không qua khỏi. Hai vợ chồng bà bảo nhau cố thêm đứa nữa may ra... Nhưng liên tiếp bất hạnh giáng xuống. Đứa con thứ hai vừa sinh ra đã chết yểu. Rồi đứa con Nguyễn Văn Thu (1976) "có lớn mà chẳng có khôn" khiến bà bùi ngùi, trăn trở.
|
Bà Bích (trái) và bà Duệ nương tựa vào nhau dưới một mái nhà |
Sinh mấy đứa con bệnh tật, bà Bích hay bị mọi người dè bỉu là do “ăn ở không có đức" khiến bà càng tủi thân. Từ ngày giải ngũ, nhiều đêm thấy vợ ôm con khóc, ông Thư lại vỗ về an ủi bà cố sinh đứa nữa, may ra trời thương. Nhưng niềm hy vọng cuối cùng cũng vụt tắt khi đứa con gái Nguyễn Thị Tịnh (1981) sinh ra cũng không "vẹn người". Sau nhiều đêm suy nghĩ, bà Bích dằn lòng khuyên chồng lấy vợ hai. Thương bà nhiều năm một mình chăm sóc gia đình, ông Thư nhất quyết không chịu đi bước nữa, bà Bích lại càng khổ tâm. Nghe giới thiệu của một người làng bên có cô Duệ đẹp người đẹp nết nhưng quá lứa nhỡ thì, bà Bích tự tìm đến hỏi chuyện. Sau nhiều ngày qua lại, bà Bích thật thà thưa chuyện cùng bà Duệ và gia đình nhà bà Duệ: "Tôi sinh được mấy cháu đều không vẹn tròn. Giờ muốn có một người về bầu bạn đỡ đần ông nhà tôi, cũng là có chị có em". Ban đầu, nhà bà Duệ phản đối kịch liệt, nhưng thương cho hoàn cảnh gia đình ông Thư, bà Duệ đã đồng ý.
Ông Nguyễn Đức Long, Trưởng thôn Thông Đạt cho biết: "Gia đình bà Bích là một trong những hộ có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhưng điều kiện địa phương nghèo nên không giúp được nhiều cho gia đình. Chúng tôi mong mọi người hãy chung tay giúp đỡ họ, để hai người già đỡ cơ cực hơn". |
Trước sự việc đã rồi, ông Thư đành ngậm ngùi nghe lời vợ những mong tìm được "phép lạ". Sau ngày cưới, bà Bích dọn sang nhà ngang để dành gian nhà mới cho bà Duệ ở. Từ đó, 3 con người sống chung một nhà. Tuy vậy đêm nào ông Thư sang với bà Duệ là bà Bích mất ngủ. Trong căn phòng lẻ bóng, nước mắt bà Bích chảy dài. "Phụ nữ chẳng ai muốn nhường chồng cho người khác, nhưng vì hoàn cảnh mà phải nuốt nước mắt vào trong", bà Bích nói.Biết ơn người vợ lẽ Từ khi bà Dương Thị Duệ về làm dâu cho tới khi ông Thư nằm xuống và cả bây giờ, chưa ai nghe thấy một tiếng cãi vã giữa hai bà. Hai bà coi nhau như chị em một nhà chung vai gánh vác gia đình thay chồng đau ốm triền miên. May mắn ba người con của bà Duệ lần lượt ra đời đều bình thường. Nói với chúng tôi về quyết định chung chồng với bà Bích, bà Duệ cười: "Ngày quyết định về làm bà hai ông Thư, ai biết cũng bảo tôi điên, tự nhiên rước họa vào thân. Nhưng nhìn những đứa con của bà Bích, tôi chỉ thấy thương, nghĩ mình phải chăm sóc chúng". Bà Bích nói chen vào: "Không có cô ấy quyết định về nhà này thì chắc tôi cũng chết rồi. Cả đời này mẹ con tôi biết ơn cô ấy lắm". Kể từ ngày ông Thư qua đời, khó khăn của hai bà càng chồng chất vì những đứa con phát bệnh ngày một nặng. Căn nhà ông Thư để lại giờ đã xơ xác, nhiều chỗ mưa là dột. Nhà bà có 7 miệng ăn nhưng chỉ trông vào 8 sào ruộng khoán do một tay lao động của bà Duệ. Bà Bích lưng đã còng, ngày ngày vẫn phải chăm lo thay giặt cho hai đứa con ngớ ngẩn. Hai thân già dựa vào nhau, gắng chút sinh lực còn lại để thắp sáng cho cuộc đời những đứa con chung.
Theo Phương Thuận
Gia đình & Xã hội
Gia đình & Xã hội