Đề nghị tăng chi cho y tế, hỗ trợ bằng tiền mặt nhiều hơn khi phục hồi kinh tế sau dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - TS Cấn Văn Lực mong Chính phủ sớm ban hành chính sách khung về phục hồi, phát triển kinh tế, không để tình trạng mỗi địa phương lại có kế hoạch phục hồi khác nhau mà cần liên kết nguồn lực.

Tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng 27/9, nhìn nhận một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) điểm lại, đó là khả năng kiểm soát dịch, tiến độ giải ngân đầu tư công, khả năng bảo đảm phục hồi sản xuất…

Qua đây, bà nêu một số kiến nghị chính sách như ưu tiên tiếp tục phòng chống và kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả, cùng với đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine; sớm xây dựng và thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau dịch COVID-19.

Viện trưởng Trần Thị Hồng Minh.

Viện trưởng Trần Thị Hồng Minh.

Bà Minh cũng đề nghị Quốc hội trong thời gian tới có thể cân nhắc một số nội dung quan trọng. Cụ thể là Quốc hội cần phát huy công tác xây dựng luật để bảo đảm kịp thời, chất lượng, giảm chồng chéo, qua đó củng cố khung pháp lý cho các hoạt động sản xuất – kinh doanh, kể cả các hoạt động kinh tế mới. Quốc hội cần tiếp tục đồng hành, đề ra những yêu cầu đối với Chính phủ để thực hiện hiệu quả hơn nữa các FTA trong bối cảnh mới.

Ngoài ra, Quốc hội cần thường xuyên lắng nghe tiếng nói của cử tri ở các địa phương trong cả nước; tăng cường công tác giám sát, nhất là giám sát chuyên đề đối với những lĩnh vực cử tri đặc biệt quan tâm; đồng hành cùng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, huy động hợp lý, hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

Ông Jacquet Morisset.

Ông Jacquet Morisset.

Trên cơ sở phân tích tình hình Việt Nam, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Jacquet Morisset khuyến nghị 4 bài học trong trường hợp dịch bệnh COVID vẫn tiếp diễn trong 1 năm nữa, thậm chí 2 năm tới.

Cụ thể là tiêm chủng (đồng thời với xét nghiệm) có ý nghĩa quan trọng để kiểm soát đại dịch và cũng để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế; vẫn cần có những hạn chế đi lại nhưng phải thông minh hơn; tìm điểm cân bằng phù hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; tăng cường trợ giúp xã hội để ngăn chặn tình trạng kiệt quệ tài chính ở các nhóm dễ bị tổn thương và hạn chế gia tăng bất bình đẳng.

Bàn về các gói hỗ trợ đã triển khai, TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiến nghị cần chú ý hỗ trợ 2 đối tượng là lao động tự do, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cố gắng hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Bên cạnh đó, có chính sách tài khóa - tiền tệ tốt hơn nữa vì bất ổn vĩ mô tới đây sẽ còn căng hơn hiện nay cũng như chú trọng cải cách môi trường kinh doanh.

Đồng thời, ông mong Chính phủ sớm ban hành chính sách khung về phục hồi, phát triển kinh tế, không để tình trạng mỗi địa phương lại có kế hoạch phục hồi khác nhau mà cần liên kết nguồn lực. Khung này cũng tương tự hướng dẫn “thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” mà Chính phủ đang xây dựng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Kết luận Tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận thấy các đại biểu đồng tình với tiếp tục kiên định mục tiêu kép, có ưu tiên về thời điểm, địa bàn.

Trong đó, tập trung đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, xét nghiệm; tiếp tục giãn cách, hạn chế di chuyển nhưng phải thay đổi cách thức, sách lược thông minh hơn, linh hoạt hơn; chính sách tài khóa - tiền tệ có thể theo hướng tăng chi cho y tế, hỗ trợ bằng tiền mặt nhiều hơn, hỗ trợ sản xuất có mục tiêu, địa chỉ; hỗ trợ chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bị lỗ; tăng cường trợ giúp xã hội, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương; xây dựng chương trình tái thiết, phục hồi nền kinh tế theo các giai đoạn…

Về biện pháp phòng chống dịch, thích ứng với COVID-19, theo Chủ tịch Quốc hội, trên thế giới hiện nay có nhiều mô hình phòng chống dịch và ngày càng có nhiều nước chuyển sang thích ứng, sống chung an toàn với dịch bệnh.

Mô hình này dựa trên hai điều kiện tiên quyết là ý thức tự bảo vệ sức khoẻ của người dân, cộng đồng và tiêm chủng, năng lực của nền y tế. Đồng thời, phải lưu ý tính linh hoạt, điều chỉnh để thích ứng; coi trọng vai trò của công nghệ và dữ liệu khoa học; có lộ trình phù hợp căn cứ vào tỷ lệ tiêm chủng vaccine, theo từng ngành, lĩnh vực; hết sức chú trọng khía cạnh xã hội, tâm lý của người dân…

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm