Theo phương án sắp xếp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện chuyển giao nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu tại các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm cơ quan đại diện chủ sở hữu về các Bộ quản lý chuyên ngành. Đồng thời chuyển giao bộ máy nhân sự quản lý theo nguyên tắc “người theo việc” đồng bộ với phương án chuyển giao doanh nghiệp; đảm bảo quyền lợi, công việc cho cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức của Ủy ban. Trong đó phải tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu, các Bộ quản lý ngành; hình thành đơn vị độc lập thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp. Ủy ban tiếp tục thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty cho đến khi hoàn tất việc chuyển giao. Các Bộ quản lý ngành tiếp tục sắp xếp, bố trí theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ…
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lưu ý nguyên tắc chuyển giao các tập đoàn, tổng công ty về Bộ quản lý ngành là người phải theo việc, người nào việc đấy. Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, “giao quyền mạnh” để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển mạnh theo quy định của pháp luật; đảm bảo các tập đoàn, tổng công ty hoạt động hiệu quả cả trước, trong và sau khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.
Về sắp xếp Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, các ý kiến thống nhất với phương án chuyển một phần chức năng, nhiệm vụ và nhân sự của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia về Bộ Tài chính và phần còn lại chuyển về Ngân hàng Nhà nước theo tinh thần “người đi theo việc”. Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ chuyển về đâu, biên chế về đấy. Cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ thì tiếp nhận nhân sự. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước triển khai phương án chuyển giao nhân sự; đề xuất chuyển giao trụ sở, tài sản.
Liên quan đến phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu trong quá trình triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần làm tốt công tác tư tưởng để tạo sự đồng thuận trong hệ thống, đồng thời nghiên cứu đề xuất các chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng. Nhấn mạnh, công tác thanh tra, giám sát ngân hàng phải đảm bảo quy mô hợp lý, đủ người, đủ trách nhiệm để thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, tính toán để cân đối, đảm bảo giảm đầu mối theo đúng yêu cầu; thực hiện tiếp nhận một phần chức năng, nhiệm vụ và nhân sự của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia…
Về sắp xếp tinh gọn bộ máy Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, Phó Thủ tướng nêu rõ các mốc thời gian cần thực hiện, đồng thời yêu cầu sắp xếp phải gọn nhẹ hơn trước, hoạt động hiệu quả hơn, chi thường xuyên ít hơn và mức độ đầu mối phải giảm tối thiểu 15%; giảm bớt khâu trung gian; phân cấp, phân quyền mạnh hơn, rõ hơn; ứng dụng công nghệ thông tin, thanh toán không dùng tiền mặt mạnh mẽ. Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bộ máy làm việc phải giữ ổn định để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH. Đề nghị BHXH Việt Nam tính toán tên gọi cho phù hợp với một quỹ Nhà nước ngoài ngân sách ở tầm quốc gia, đặt tại Bộ Tài chính nhưng hoạt động độc lập theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm tính liên tục, liên hoàn, phục vụ người dân tốt nhất, mọi lúc, mọi nơi. Bộ Tài chính chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
Phó Thủ tướng yêu cầu thu gọn đầu mối bộ máy BHXH ở Trung ương, chỉ giữ các đơn vị “xương sống”, sáp nhập, hợp nhất các đơn vị có tính chất tương đồng; thu gọn đầu mối bảo hiểm các tỉnh. Đối với các huyện miền núi, do đặc thù địa hình, thì nên giữ nguyên. Còn khu vực đồng bằng có thể thu gọn lại và thành lập mô hình BHXH liên huyện.