Chuyện Hai Cùi làng Tiên Mỹ

Hai Cùi là một nhân vật có thật sống vào những năm đầu thế kỷ XX ở xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Theo những vị cao niên của xã thì họ không biết tên thật của ông ta là gì, chỉ biết gọi “chết tên” là Hai Cùi - một nhân vật trào phúng, lanh lẹ, lại có tài nói lái, khích bác, giễu cợt những anh trọc phú, đám hương lại, thư lại ở làng, ở xã…

Hai Cùi là một nhân vật có thật sống vào những năm đầu thế kỷ XX ở xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Theo những vị cao niên của xã thì họ không biết tên thật của ông ta là gì, chỉ biết gọi “chết tên” là Hai Cùi - một nhân vật trào phúng, lanh lẹ, lại có tài nói lái, khích bác, giễu cợt những anh trọc phú, đám hương lại, thư lại ở làng, ở xã…

Tuy nhiên, ở đời đi đêm lắm cũng có lúc gặp ma, chơi xỏ người khác thì cũng có lúc bị người khác chơi xỏ lại. Mấy câu chuyện về ông Hai Cùi dưới đây có thể nói là “gậy ông đập lưng ông”, dạy con người ta bài học ở đời là “cười người chớ có cười lâu, cười người hôm trước hôm sau người cười”.

Chuyện thứ nhất: Chửi Chánh tổng là “chó”!

Chuyện kể rằng, bữa nọ Hai Cùi đi ăn giỗ ở làng bên, đang trên đường về thì gặp Chánh tổng Ngạnh đi ngược chiều. Gặp nhau, Hai Cùi khom người chào Chánh tổng Ngạnh ra chiều rất chi cung kính, rồi làm bộ hỏi: Chừ là giờ mô rồi rứa ông? Tổng Ngạnh thấy Hai Cùi cung kính chào mình nên tỏ vẻ cao ngạo, trả lời cụt ngủn: Không rõ! Hai Cùi chân vẫn bước nhưng nói thật to cốt để cho Tổng Ngạnh nghe thấy: Chắc là Chánh Ngọ rồi!

Tổng Ngạnh nghe xong, giận tím người nhưng không biết làm gì nổi Hai Cùi nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt, quày quả bỏ đi một hơi. Thế mới tài tình, vì ở vùng quê Tiên Mỹ này, cũng theo như ngữ điệu Quảng Nam, Chánh Ngọ nghĩa là đứng trưa, nói lái thành Chó Ngạnh. Ngang nhiên chửi một Chánh tổng là chó giữa thanh thiên bạch nhật mà vẫn không bị ai bắt tội thì khắp tổng chỉ có Hai Cùi mới dám làm.

Chuyện thứ hai: Gọi Lý trưởng bằng thằng giữ trâu

Một hôm, Hai Cùi đang thơ thẩn dạo chơi trong làng thì tình cờ gặp lý trưởng Cượng. Lý Cượng giả bộ thân tình hỏi thăm: Chú Hai đi mô rứa?

Hai Cùi làm bộ vồn vã, cúi chào rất lễ phép, rồi đưa tay chỉ đại vào một ngôi nhà tranh bên đường: Dạ thưa, tôi muốn đi tìm thằng Thường để nhờ nó giữ trâu cho một bữa, mà thấy nó cứ cặng cặng (tiếng địa phương, nghĩa là nói không ra lời) nên không muốn thuê nữa.

Nói xong, Hai Cùi lại lễ phép chào Lý Cượng rồi rảo bước đi tiếp.

Hai Cùi vốn nổi tiếng khắp làng trên xóm dưới là tay chơi lỡm chẳng chừa ai, từ hương chức cho tới đám trọc phú. Vì thế, thấy Hai Cùi bỏ đi mà cái mặt vênh vênh lên là Lý Cượng cảm thấy chột dạ, vừa đi vừa nghĩ mãi. Khi ngẫm ra được rồi thì cái mặt Lý Cượng nhà ta trở nên thộn ra và tức anh ách, nhưng Hai Cùi đã đi mất rồi, giá mà có Hai Cùi trước mặt thì cũng chẳng có cớ gì bắt tội được hắn ta.
Thì ra Hai Cùi nhà ta chơi trò nói lái: “Thường cặng” có nghĩa là “thằng Cượng”. Làm Lý trưởng, đứng đầu một làng thường hét ra lửa, quyền sinh sát trong tay mà bị gọi bằng thằng đã tức lắm rồi, đằng này lại bị coi là thằng giữ trâu nữa thì chẳng còn cái tức nào tức hơn…

Chuyện thứ ba: Bốn chín gặp năm mươi

Ở đời, cao nhân tắc hữu cao nhân trị, Hai Cùi ưa chọc phá thiên hạ thì cũng có lúc anh Hai nhà ta cũng phải gặp kỳ phùng địch thủ.

Vào một buổi chiều mùa hè nóng bức, Hai Cùi xăm xăm bước ra phía bờ sông Tiên, định bụng tắm một phát cho đã. Bất ngờ, Hai Cùi gặp ông Thế đang loay hoay, lúi húi làm gì đó bên đường. Y như mọi lần, Hai Cùi dựa vào người thật việc thật, định bụng chọc ông Thế một trận cho đỡ buồn, cất giọng hỏi ngay: Chú làm chi mà khom khom, cúi cúi rứa chú?! Ông Thế cùng làng với Hai Cùi nên biết tỏng kẻ gợi chuyện với mình đang “âm mưu” điều gì, nên vội trả lời: Tui mới thấy một con cò chúi xuống chỗ ni mà tìm miết chưa thấy, chú có rảnh tìm giùm tôi coi con cò nó chúi chỗ mô!

Nghe thế, Hai Cùi khựng người lại, bụng bảo dạ rằng gặp phải đối thủ thứ thiệt rồi đây. Thì ra, anh Hai nhà ta bị đòn “gậy ông đập lưng ông”, cò chúi nói lái thành cùi chó, một lời chửi ngang vào mặt, không đỡ vào đâu được. Nhưng Hai Cùi vốn chẳng phải là tay vừa, trước khi bỏ đi, để gỡ gạc phần nào, Hai Cùi không quên móc lại một câu vừa cho hả giận vừa vớt vát thể diện phần nào: Nhà chú Thế dư dả rứa mà cũng đi bắt cò về làm thịt cải thiện bữa ăn hả?

Đến đây thì ông Thế chỉ biết cười trừ và chửi thầm trong bụng: Đúng là cái thằng Hai Cùi, thiên hạ đồn quả không sai, mình chửi hắn là chó thì hắn cũng chẳng chịu thua, chửi lại mình là thứ dê. (Thế dư nói lái thành thứ dê chứ còn gì nữa). Phen này thì đúng là bốn chín gặp năm mươi rồi.

MAI HỒNG LÂM

Đọc thêm