Thua lỗ luôn là câu chuyện "khó nói" của các CTCK bên cạnh những chuyện không dễ chia sẻ khác.
Năm 2010 có 20 trong tổng số 105 CTCK đang hoạt động bị thua lỗ, thấp hơn nhiều so với 60 công ty bị lỗ trong năm 2009. Dẫu vậy, thua lỗ luôn là câu chuyện "khó nói" của các CTCK bên cạnh những chuyện không dễ chia sẻ khác.
Thua lỗ đang là câu chuyện "khó nói" đầu tiên của các CTCK khi thời điểm công bố kết quả kinh doanh năm 2010 đang cận kề. Trong số 20 CTCK "ngã ngựa" năm 2010 mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa công bố, thì đến thời điểm này, CTCK Kim Long (KLS) là đơn vị duy nhất công khai tình trạng thua lỗ. Theo đó, tuy quý IV/2010, Công ty đạt doanh thu gần 71 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 29,3 tỷ đồng, nhưng lũy kế cả năm Công ty vẫn lỗ 172,8 tỷ đồng.
Với vị trí là trung gian môi giới, thua lỗ luôn là câu chuyện "khó nói" của các CTCK, bởi ở một khía cạnh nào đó, CTCK là "thầy" tư vấn cho các công ty niêm yết, NĐT, nên việc thua lỗ không phải lúc nào cũng dễ công khai.
Bởi vậy, chừng nào chưa đến hạn chót phải công bố kết quả kinh doanh quý IV, cũng như cả năm 2010, thì các CTCK không có lý gì thừa nhận sớm tình trạng thua lỗ của mình, mặc dù nhìn vào kết quả kinh doanh đến hết quý III/2010 của các CTCK cũng có thể phần nào hình dung được CTCK nào rơi vào nhóm có kết quả kinh doanh "cầm đèn đỏ".
Một chuyện "khó nói" khác của các CTCK là có thể do "khoảng trống" pháp lý về sản phẩm, dịch vụ mới, nên trong báo cáo tài chính không thể diễn đạt minh bạch, chi tiết các hoạt động làm phát sinh doanh thu lớn cho DN, nên họ đành nhét hết vào giỏ "Doanh thu khác".
Thế nên, dân buôn "chứng" mới đang đồn đoán KLS, CTCK thuộc hạng vốn "khủng" nhất nhì thị trường mang cục tiền to gửi tiết kiệm để kiếm lời. Bởi vậy, nhiều mảng mang lại doanh thu lớn trong những năm trước như môi giới, đầu tư chứng khoán, góp vốn… của KLS trong năm 2010 giảm, thì "Doanh thu khác" tăng hơn gấp đôi so với năm 2009, đạt 143,7 tỷ đồng, đóng góp quá nửa vào tổng doanh thu năm 2010 của Công ty.
Đối với những CTCK có vốn lớn, nhất là các DN có cổ đông nhà nước nắm cổ phần chi phối, thì việc bán cổ phần cho NĐT bên ngoài cũng đang có những chuyện "khó nói".
Trong số các CTCK có kết quả kinh doanh không lấy gì làm đẹp năm 2010 và trước đó, không khó nhận ra có cả những gương mặt "đại gia". Họ có vốn lớn với tỷ lệ cổ đông nhà nước nắm đa số, được thừa hưởng danh tiếng và nhiều lợi thế khác của công ty mẹ. Tuy nhiên, khi diễn biến TTCK không "xuôi chèo", thì những lợi thế này cũng không cứu vãn được tình hình, thậm chí trở thành điểm bất lợi.
Trong khi các CTCK ít hoặc gần như không có cổ đông nhà nước nắm giữ cổ phần, thì khi gặp thời "khó ở", họ dễ xoay xở hơn, tìm cách thoát ra khỏi tình trạng kinh doanh kém hiệu quả bằng việc bán bớt cổ phần, sáp nhập với CTCK khác… Còn với các CTCK có vốn lớn, nhất là công ty có đa phần cổ đông nhà nước nắm giữ, muốn làm việc này không dễ.
Lãnh đạo một CTCK có số vốn trên 300 tỷ đồng đang trong tình trạng này chia sẻ, do số vốn của công ty khá lớn, nên mấy lần gạ bán cho cổ đông chiến lược đều thất bại, bởi đối tác chỉ muốn đầu tư vào các CTCK có số vốn trên dưới 100 tỷ đồng, để không phải bỏ ra số tiền lớn, mà vẫn được nắm quyền chi phối, điều hành DN.
Vị lãnh đạo trên còn cho biết thêm một điều "khó nói" nữa mà Công ty do ông đang điều hành gặp phải, là liên quan đến cơ chế đàm phán giá bán cổ phần cho NĐT chiến lược.
Gần đây khi nỗ lực bán cổ phần cho NĐT chiến lược bất thành, do đối tác chê giá cao, đồng thời họ đưa ra điều kiện chỉ chấp nhận mua với mức dưới mệnh giá, ban lãnh đạo công ty thuyết phục công ty mẹ chấp thuận cho bán cổ phần theo đề nghị của đối tác, thì bị từ chối thẳng thừng. Lý do công ty mẹ đưa ra là bán cổ phần dưới mệnh giá là làm thất thoát vốn nhà nước, ai chịu trách nhiệm?
Theo Hữu Đạo
Đầu tư chứng khoán