Chuyện ngược đời ở đất nước sản xuất bao cao su lớn nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mặc dù “đế chế bao cao su” lớn nhất thế giới là Karex nằm ở đất nước Malaysia, thế nhưng người dân ở đây lại e ngại khi nhắc đến chuyện tình dục, họ ít sử dụng “áo mưa” nhất trong khu vực và cho rằng kiêng cữ được tuyên truyền là cách tốt nhất để ngăn ngừa có thai hoặc mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Chuyện ngược đời ở đất nước sản xuất bao cao su lớn nhất thế giới

“Đế chế bao cao su”

Để có được thành công như ngày hôm nay, Karex - đế chế bao cao su lớn nhất thế giới có trụ sở chính tại Port Klang, cũng đã phải trải qua những thăng trầm và nhiều khó khăn, thử thách. Mặc dù cái tên Karex còn lạ lẫm với nhiều người nhưng đây lại chính là nguồn cung 1/5 số bao cao su hiện có mặt trên thị trường toàn cầu, bao gồm cả thương hiệu nổi tiếng như Durex.

Tuy nhiên, lịch sử của Karex từng bắt đầu khiêm tốn như một doanh nghiệp chế biến cao su gia đình. Trong cuộc phỏng vấn với Channel NewsAsia, ông Goh Miah Kiat (Giám đốc điều hành của Karex) kể về khó khăn của doanh nghiệp trong những ngày đầu bước vào ngành sản xuất bao cao su.

Nhà máy chế biến cao su do ông nội của Goh lập ra từng rất thành công cho đến khi cuộc khủng hoảng kinh tế giữa thập niên 1980 khiến việc kinh doanh gặp khó khăn. Năm 1988, họ quyết định thay đổi cách tiếp cận. “Chúng tôi có hai ý tưởng là sản xuất bao cao su và găng tay. Tuy nhiên, sau đó, họ chỉ sử dụng chiếc máy để sản xuất bao cao su. Những năm đầu chân ướt chân ráo vào ngành đặc biệt khó khăn đối với công ty. Chúng tôi gần như phá sản. Chúng tôi nợ tiền thuê trong hơn 1 năm và không thể trả được. Suýt chút nữa chúng tôi đã phải bán chiếc máy duy nhất mà mình có”, ông Goh nói.

Ông Goh gia nhập công ty vào năm 1999 sau khi tốt nghiệp dù cha ông không có ý định để con mình theo nghề này. Việc người cha đột ngột qua đời khi ông Goh đang theo học năm 2 tại Đại học Sydney đã khiến mọi chuyện thay đổi.

Ngay khi về nước, ông được giao quản lý toàn bộ bộ phận bán hàng và tiếp thị. Doanh số bán hàng của Karex lúc đó đã tăng lên gần 1,6 triệu USD. 16 năm sau, con số này là gần 82 triệu USD. Ông Goh bước sang tuổi 36 khi đảm nhận vai trò giám đốc điều hành vào năm 2013. Cùng năm đó, công ty đã được niêm yết.

Để xây dựng một công ty triệu đô, ông Goh phải liên tục nghĩ cách để mọi người mua và sử dụng sản phẩm của công ty mình. Sự đa dạng về chủng loại, mùi hương và màu sắc là những yếu tố quan trọng tác động đến sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Một số cải tiến của Karex mang lại hiệu ứng tốt như: bao cao su phát sáng trong bóng tối, bao cao su hình xăm, bao cao su có gai và thậm chí là bao cao su hương sầu riêng.

Một trong những điều thú vị nhất mà ông Goh phát hiện ra khi làm trong ngành công nghiệp này đó là, một nửa số bao cao su trên toàn thế giới được mua bởi phụ nữ chứ không phải là nam giới như chúng ta vẫn nghĩ. Đây cũng là lý do vì sao công ty Karex thiết kế hộp đựng bao cao su bằng kim loại, giống như một hộp kẹo bạc hà.

Ông Goh giải thích: “Đối với phụ nữ, một chiếc bao cao su rơi ra từ túi xách thật sự là một điều không hay cho lắm”. Có lẽ sự sáng tạo và thấu hiểu khách hàng chính là những điểm cộng lớn giúp Karex có được thành công như ngày hôm nay. Doanh thu năm 2016 của công ty đạt 77 triệu USD.

Chuyện nghịch cảnh

Hiện tại đang có một nghịch lý xảy ra, đó là ngay tại Malaysia, người dân lại ít dùng “áo mưa” nhất khu vực, tình dục là chuyện cấm kỵ. Thậm chí, chuyện giáo dục giới tính cho thanh, thiếu niên bị coi là “vẽ đường cho hươu chạy”.

Mặc dù học sinh ở Malaysia được dạy về giới tính trong trường từ năm 1989, với các chương trình ban đầu được giới thiệu cho học sinh trung học, sau đó là học sinh nhỏ tuổi hơn vào năm 1994. Nhưng mọi người bắt đầu e ngại về chủ đề tình dục an toàn và cởi mở từ năm 2012, khi các quan chức Malaysia ra lệnh cho hàng loạt cửa hàng sách thu giữ bản sao của cuốn sách giáo dục giới tính của tác giả Peter Mayle.

Từ đó dẫn đến tình trạng, Malaysia hiện đang đối mặt với tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên cao hơn so với các nước trong khu vực. Số liệu chính thức năm 2015 cho thấy 25% trong số khoảng 18.000 trường hợp mang thai ở tuổi vị thành niên ở Malaysia là ngoài ý muốn.

Năm ngoái, dữ liệu từ World Bank chỉ ra tỷ lệ trẻ em gái trong độ tuổi 15-19 mang thai ngoài mong muốn hàng năm ở Malaysia là 14/1000, so với 4/1000 ở Singapore và 3/1000 ở Hong Kong.

Dữ liệu từ Ủy ban Phát triển Dân số và Gia đình Quốc gia của Malaysia cho thấy quốc gia này xếp hạng thấp nhất trong các nước Đông Nam Á về việc sử dụng các biện pháp tránh thai, với chỉ 52,5% người dân chịu thực hiện, so với tỷ lệ 78,4% ở Thái Lan và 61,3% ở Indonesia. “Xuyên suốt lịch sử loài người, kiêng cữ được tuyên truyền là cách tốt nhất để ngăn ngừa có thai hoặc mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Tại các quốc gia bảo thủ, luật lệ, văn hóa và tôn giáo được đưa ra để cảnh báo mọi người kiêng quan hệ. Nói cách khác, tự chúng ta biến sex thành điều cấm kỵ”, bác sĩ John Tang Ing Ching (Giám đốc công ty cung cấp vật tư y tế Twin Catalyst) đánh giá.

Karex cho biết, công ty này cũng có vai trò trong quá trình giúp bình thường hóa giáo dục giới tính. Giám đốc Goh Miah Keat nói rằng bao cao su phi giới tính sẽ khuyến khích thực hành tình dục an toàn cho tất cả khuynh hướng tình dục. “Bao cao su đã ra đời từ lâu. Nhiều người hình thành định kiến rằng việc dùng chúng không thoải mái. Vì vậy, trách nhiệm của nhà sản xuất của chúng tôi là cung cấp sản phẩm mới, giúp họ tin tưởng vào chúng hơn”, ông nói.

Chuyên gia sức khỏe phụ nữ Subatra Jayaraj ca ngợi bao cao su Wondaleaf của Karex vì “phá bỏ sự kỳ thị vì nó không chỉ thúc đẩy một đối tác sử dụng hàng rào bảo vệ. Nó cũng cung cấp các lựa chọn cho những người có bản dạng giới và xu hướng tình dục đa dạng”.

Bà Subatra thừa nhận rằng nhiều trẻ nhỏ ở Malaysia đã biết và tìm hiểu về tình dục ngay từ khi còn nhỏ nhưng “việc tự học qua phim khiêu dâm trên mạng không phải là cách tốt nhất để học”. Theo Subatra, chương trình giáo dục tình dục toàn diện về giới tính đang được giảng dạy trong các trường học chính phủ.

Những bài học này đan xen vào các môn học như sinh học và giáo dục thể chất nhưng tính hiệu quả còn phụ thuộc vào việc giáo viên có lựa chọn cách dạy phù hợp. Chúng ta cần đặt câu hỏi liệu thầy cô có được đào tạo đầy đủ hay không. Ngoài ra, cần tách tình dục khỏi sự phán xét và chống lại sự kỳ thị ngăn cản các cá nhân, đặc biệt là thanh niên, tiếp cận thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản, tình dục trước và sau khi họ có quan hệ”, cô chỉ ra.

Theo ý kiến của Kamal Kenny (Chủ tịch một hiệp hội sức khỏe sinh sản của Malaysia), công chúng cần hiểu rằng thảo luận về tình dục an toàn không đồng nghĩa với việc thúc đẩy các hoạt động tình dục. Thay vào đó, nó là về việc nhận thức rằng tình dục đơn giản là một phần của con người và giáo dục về an toàn tình dục hoàn toàn tập trung vào việc ngăn ngừa bất kỳ hậu quả không mong muốn nào.

Còn theo bác sĩ John Tang Ing Ching, điều cần làm lúc này là chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ của Malaysia nên hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy đối thoại cởi mở về cách giải quyết những hậu quả không mong muốn của việc quan hệ tình dục.

Theo ông, điều quan trọng là phải xóa tan những lầm tưởng và kì thị xung quanh chủ đề tình dục an toàn. Việc giáo dục không đầy đủ và cởi mở về chủ đề này có thể sẽ thúc đẩy hành vi quan hệ tình dục bừa bãi và không an toàn ở thanh niên.

Đọc thêm