Một buổi sáng cuối năm, cao nguyên rộn ràng chuẩn bị đón Xuân Nhâm Thìn. Trong cái lạnh ngọt ngào của “thành phố ngàn hoa”, tôi đã gặp anh – người phổ luật thành nhạc, biến những điều tưởng chừng khô khan, xơ cứng thành những giai điệu ngọt ngào, mềm mại, du dương, lay động hàng trăm trái tim trong các Hội thi tuyên truyền pháp luật…
Ca khúc tuyên truyền luật
Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn chưa quên những bài hát sôi nổi cất lên từ những hội thi tuyên truyền pháp luật hay hòa giải viên giỏi do Trương Văn Hoàng - cán bộ Tư pháp xã Tân Hội (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) sáng tác như: “Hòa giải viên đây”, “Tôi là tuyên truyền viên pháp luật”, “Vì những chuyến xe an toàn”; “Cùng chung lo”…
|
Trương Văn Hoàng - cán bộ Tư pháp xã Tân Hội (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) |
“Pháp luật vốn khô khan, xơ cứng làm sao ông thổi hồn nhạc vào đó được?”. Anh cười thật hiền:“ Cứng và khô như đá mà nhạc sĩ còn viết thành nhạc được. Chắc anh còn nhớ bài hát “Lệ đá”, “Tuổi đá buồn”…huống hồ chi pháp luật. Điều quan trọng là mình có “cảm” được với nó để “phổ” thành nhạc hay không mà thôi!”.
Rồi anh kể, bài hát “Hòa giải viên đây!” được sáng tác trong những ngày đầu ngành Tư pháp xây dựng các tổ hòa giải cơ sở nhằm giúp chính quyền các địa phương giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, giữ tình làng nghĩa xóm.
Thấy anh chị em hòa giải viên “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” chẳng ngại vất vả, khó khăn, chỉ mong sao dứt được mối bất hòa trong bà con nhưng có người dân chưa hiểu, chưa tin, Hoàng viết bài hát với ca từ, giai điệu thật hùng hồn: “Tôi là hòa giải viên đây, những việc trong dân gây nên mâu thuẫn với người xung quanh, hơn thua xô xát có mặt tôi ngay. Gặp nhau trao đổi tỏ bày, lấy tình lấy nghĩa tìm lời giải khuyên. Cùng nhau giải quyết bất bình, khiến việc nhỏ chẳng biến thành việc to”. Không ngờ bài hát ấy lại được nhiều bà con lưu truyền.
Khi Sở Tư pháp Lâm Đồng yêu cầu mỗi xã phải có ít nhất một tuyên truyền viên pháp luật, lại tổ chức hội thi từ huyện đến tỉnh để chọn người giỏi nhất dự thi tuyên truyền viên pháp luật toàn quốc, Hoàng cảm hứng viết ca khúc “Tôi là tuyên truyền viên pháp luật”: “Màn đêm buông, đêm che kín khắp nơi, là tôi đi đem kiến thức đến buôn xa. Họp dân tôi thông báo những chủ trương. Vì nhân dân tôi gắn sức tuyên truyền. Dù mưa rơi hay bão táp có qua đây…”. Nào ngờ bài hát vang xa, góp phần đưa thí sinh Trần Văn Còn –cán bộ Tư pháp xã Ninh Gia - đến với giải Nhất hội thi tuyên truyền viên pháp luật toàn quốc.
Hay khi ngành Tư pháp tập trung tuyên truyền và tổ chức hội thi về Luật Giao thông đường bộ, Hoàng liền viết nhạc phẩm “Vì những chuyến xe an toàn”: “Tấp nập đêm ngày xuôi ngược những chuyến xe. Ra Bắc vào Nam mang theo bao tình nghĩa. Niềm vui hân hoan khi những chuyến xe đã về bến, thỏa nỗi mong chờ trông đợi bấy lâu. Người người vui hạnh phúc dâng trào. Nhưng tai nạn giao thông nay là điều bức xúc của cả cộng đồng và trong mỗi chúng ta. Phải làm gì đây hạn chế đi điều đó để những chuyến xe an toàn. Học luật giao thông, học luật giao thông, học luật giao thông nào bạn, nào anh học luật giao thông….
Khi tham gia giao thông chúng ta phải nhớ không được đi hàng đôi hay lấn đường, lạn lách, đánh võng, giành đường, vượt ẩu, phóng nhanh, để người người vui sánh bước trên đường. Xe anh đi qua bao nhiêu đèo, bao suối. Tay lái vững vàng dù mưa nắng nghe anh…”. Ca từ, giai điệu như một lời nhắn gửi đến cánh lái xe và những ai tham gia giao thông luôn nhớ cho rằng, “sự sống đang ở phía trước”…
Và "định mệnh" âm nhạc
Nhấp một ngụm trà, Hoàng bảo đã may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Từ thủa thiếu thời, mẹ đã dạy cho anh bài hát đầu tiên, bài “Chiến sĩ vô danh ”. Cho tới bây giờ, những giai điệu hùng hồn, bi tráng của bài hát vẫn cứ bám riết lấy anh: “Bao chiến sĩ anh hùng lạnh lùng vung gươm ra sa trường…”.
Năm 1970, anh được thầy Vũ Đức Nghiêm –một nhạc sĩ tài hoa với nhạc phẩm “Gọi người yêu dấu”- trực tiếp dạy về phối khí. Năm 1972, khi mới 12 tuổi, Hoàng đã tự sáng tác nhạc phẩm đầu tay “Ngắm hoa đào rơi”. Năm 1973, tập nhạc đầu tiên của anh với nhan đề “Hồn tôi, buồn tôi” gồm 7 tình khúc. Khi nghe Hoàng trình bày những tình khúc ấy, nhạc sĩ Bửu Ấn – một nhạc sĩ nổi tiếng của miền Nam lúc bấy giờ - thích quá, nhận anh làm “đệ tử” , dạy cho anh kỹ năng sáng tác và chơi piano.
Sau năm 1975, theo tiếng gọi quê hương, anh gia nhập lực lượng thanh niên xung kích và thường xuyên có mặt trong nhóm “Ca khúc chính trị” của Ty Văn hóa thông tin Lâm Đồng. Một bước ngoặt mới mở ra cho cuộc đời Hoàng khi anh quyết định chọn xã Tân Hội, huyện Đức Trọng để lập nghiệp. Năm 1987, anh là Trưởng Ban Văn hóa thông tin xã, sau đó là Chánh Văn phòng UBND xã rồi cán bộ Tư pháp xã, tham gia Ban chấp hành Hội Luật gia huyện Đức Trọng.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật, hiện anh đang theo học khóa Luật sư do Học viện Tư pháp tổ chức. Ngoài những ca khúc tuyên truyền pháp luật, thời gian qua, Hoàng còn dạy nhạc cho nhiều thanh niên trong xã và sáng tác gần 100 bản tình ca. Tôi hỏi: “Ước mơ của anh trong mùa xuân này là gì?”. Anh cười trả lời thật chân chất: “Rất đơn giản, nhưng khó thực hiện. Mình chỉ mong sao in và phát hành được một tập nhạc và cho ra đời một đĩa CD thu những bài hát của mình, nhưng khó quá vì mình không có kinh phí!”
Ngoài kia, những cành mai anh đào điểm một màu hồng phơn phớt trên mặt hồ Xuân Hương xanh biếc, thơ mộng báo hiệu một mùa xuân mới đang về. Thầm cầu mong ước mơ nhỏ bé của chàng nhạc sĩ “phổ luật thành nhạc” kia sẽ có sớm thành hiện thực...
Với Hoàng, ca khúc khó quên nhất vẫn là bài “Cùng chung lo” được sáng tác vào tháng 12/ 2005 khi ngành Tư pháp tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới: “Ai cũng nghĩ Luật Bình đẳng giới ra đời nhằm bảo vệ người phụ nữ nhưng thực tế thì lắm khi cả nam giới lại cũng bị bạo hành, cũng cần được bảo vệ. Bài hát này mình viết bằng cảm xúc từ một người bạn bị vợ thường xuyên đánh đập và bị vợ…đâm. Nhưng khổ nỗi anh ấy lại hát bài này rất hay!”. Bài hát có ca từ: “Hãy nắm lấy đôi tay dịu dàng, cùng ngước ánh mắt ta gần với nhau. Cùng chung xây quê hương đẹp giàu, cùng xây nên gia đình ít con. Chị em ơi bình đẳng nam ta xây một gia đình dấu yêu…” |
Phúc Ân