Chuyện những shipper trong tâm dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong số những người cần tri ân giữa mùa dịch này, không thể không kể đến lực lượng giao hàng - những người đang xông pha giữa muôn trùng dịch bệnh nguy hiểm, ngoài mưu sinh cho bản thân thì góp phần đắc lực vào việc duy trì ổn định đời sống người dân.
Nỗi vất vả của người giao hàng trong mùa dịch.
Nỗi vất vả của người giao hàng trong mùa dịch.

Những người bám trụ mặt đường

Những ngày đầu thành phố giãn cách, người dân hạn chế tối đa việc ra đường, nhiều người đùa “đường phố giờ đây là của shipper”. Trên đường, nhiều nhất là những bộ đồng phục xanh lá cây, xanh nước biển, vàng, đỏ... của nhiều thương hiệu vận chuyển có tiếng. Trên xe họ là những thùng hàng đủ loại lớn nhỏ để giao đến những nơi cần đến.

Anh Lê Văn Tâm, 42 tuổi, nhân viên giao hàng của hãng G., ngụ tại đường Phạm Văn Đồng, Thủ Đức cho biết, dù biết thời điểm này cần ở yên trong nhà, lao ra đường khá nguy hiểm, đặc biệt nghề giao hàng phải tiếp xúc nhiều người, nhưng anh “không đi không được”. Anh Tâm quê Vĩnh Long, có vợ làm nghề bán bún riêu, hai con nhỏ, đứa 9 tuổi, đứa 4 tuổi. Trong nhà còn có một mẹ già 63 tuổi. Vợ anh thất nghiệp từ những ngày thành phố siết chặt hoạt động buôn bán. Cả một gia đình nheo nhóc chỉ còn chờ vào người lao động chính là anh. “Thời điểm những ngày đầu giãn cách, mỗi ngày tôi chạy trung bình 10 - 15 cuốc, xa gần, trái tuyến gì cũng nhận tuốt. Thu nhập dao động từ 400 ngàn - 1 triệu đồng, chưa trừ tiền xăng.

Nhiều người nói nghề giao hàng lúc này “ngon” vì giá cước giao hàng tăng cao, nhưng thực ra thu nhập tài xế không cao lên mấy, vì số đơn chia đều cho nhiều tài xế, nên số lượng đơn mình nhận mỗi ngày cũng có giới hạn, có muốn hơn cũng không được. Nhưng dù gì đi nữa, tôi thấy mình cũng may mắn vì mình có việc làm, có đồng ra đồng vô nuôi sống gia đình. Nhiều khi đi giao thực phẩm, may mắn gặp người tốt còn được người ta cho ít thịt, ít rau, gạo... cũng được bữa ăn cho cả nhà”, anh Tâm chia sẻ.

Có rất nhiều người giao hàng như anh Tâm đang “xông pha” giữa thành phố, đem hàng hóa từ nơi nay đến nơi khác. Xuất phát điểm của những người giao hàng mùa này, như anh Tâm chia sẻ rất thật, là từ gánh nặng mưu sinh, từ miếng cơm, manh áo của gia đình. Biết là khó khăn, là nguy hiểm rình rập nhưng với họ, có công việc vào thời điểm người người thất nghiệp, gia đình có bữa cơm ăn vào lúc nhiều người khốn khổ, đói ăn đã là may mắn lắm rồi.

Ngồi trước hiên một ngôi nhà với gương mặt phờ phạc, trong cái nắng trưa Sài Gòn, anh Nguyễn Tiêu, shipper của hãng xe ôm công nghệ Gojek cho biết mình đang nghỉ mệt sau khi chạy 7 cuốc xe xuyên qua các quận Thủ Đức, Gò Vấp, quận 12, Tân Phú, Tân Bình, quận 3 và quận 10. Tổng quãng đường anh đã chạy để giao hàng tầm hơn 60km. Anh Tiêu cho biết, giờ nghỉ trưa của mình những ngày này rất đơn giản, ngồi dưới một mái hiên rộng nào đó để nghỉ mệt, uống chai nước từ nhà đem theo, mở gói cơm sáng vợ nấu sẵn ra ăn. Ăn trong tâm thế sẽ phải chạy tiếp bất cứ lúc nào khi cuốc xe “nổ điểm”.

Làm nghề giao hàng những ngày giãn cách, cái đỡ mệt nhất là không bị kẹt xe, xe chạy bon bon trên đường vắng. Nhưng cái khổ thì nhiều lắm. Những trạm gác khắp thành phố, giao hàng, đến khu phong tỏa kiêm khuân hàng nặng nhọc. Những buổi trưa nắng buốt đầu hay mưa dầm cũng chỉ biết trú tạm dưới mái hiên nhà, không có một quán hàng nhỏ nào để tạt vào trú chân như trước nữa.

Và tất nhiên, mối lo thường trực là lây nhiễm COVID-19. Anh Nguyễn Văn Minh, 38 tuổi, ngụ phường 25, Bình Thạnh, shipper của hãng A. chia sẻ, vì cơm áo không thể không chạy, nhưng anh cũng bị nỗi “ám ảnh COVID”. “Luôn trong tâm thế dường như mình đã bị nhiễm bệnh rồi, về nhà cũng ở cách xa vợ con, ngủ riêng, ăn riêng, con gái chạy đến chơi với mình cũng không dám, phải xua con ra, không được ôm hôn các con như trước.

“Mặc dù tôi cũng như nhiều tài xế khác đã trang bị khẩu trang, nước rửa tay, xịt khử khuẩn đầy đủ, lúc giao hàng thì cũng thường treo ở cổng, để ở cửa, rất hạn chế tiếp xúc với khách, nhưng đã ra ngoài là có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh. Chưa kể chúng tôi cũng thường giao hàng đến các bệnh viện dã chiến, khu phong tỏa, những nơi cơ nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Tôi thường nói với vợ con, giờ ba đi làm việc vì gia đình mình, mẹ với các con ở nhà nhớ cầu nguyện cho ba không bị nhiễm bệnh, cho cả nhà mình được bình an nha”, anh Minh bày tỏ rất thật những cảm xúc của mình.

Biết ơn những người xông pha

Những ngày trước đây, có một hình ảnh khá quen thuộc vẫn diễn ra trước các bệnh viện dã chiến. Đó là cảnh hàng vài chục shipper xếp hàng dài chờ giao hàng đến tay người nhận trong bệnh viện. Đó là những hàng hóa do thân nhân gửi vào cho bệnh nhân trong bệnh viện: Nào nhu yếu phẩm như mì gói, thịt hộp, các loại thực phẩm bổ dưỡng, vật dụng như bình đun nước nóng, quạt cầm tay...

Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, hạn chế tụ tập, lực lượng chức năng phải chốt chặn, phân luồng. Toàn bộ hàng hóa được chuyển vào đều được phun khử khuẩn. Khu vực xếp hàng chờ chuyển hàng được lực lượng chức năng vạch ô, đánh dấu để shipper, người thân của bệnh nhân xếp hàng giãn cách. Và đáng quý là những shipper rất kiên nhẫn, đứng đợi suốt một thời gian không ngắn để đưa đến tay người cần. “Chờ nắng nôi, mệt, sốt ruột với tụ tập đông như vậy trước bệnh viện chữa Covid tụi tui cũng thấy “ớn ớn”, nhưng cứ nghĩ việc phải làm, mình không đi thì ai đi, với cũng nghĩ tới người nhà sốt ruột, người bệnh thì rất cần nên mình cũng cố gắng”, anh Lê Văn Mẫn, nhân viên giao hàng hãng Giao hàng nhanh cho biết.

Quả thực, trong đợt giãn cách thứ nhất, lực lượng giao hàng đã giúp giảm áp lực tập trung mua hàng tại chỗ rất nhiều. Những shipper giao hàng từ người bán lẻ đến người mua, shipper giao hàng từ nhà xe vận chuyển các tỉnh đến tay người nhận ở Sài Gòn. Shipper đi chợ, đi siêu thị giúp. Shipper đem thực phẩm của gia đình này gửi tặng cho gia đình khác. Lực lượng shipper cũng là những người tích cực hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức từ thiện chuyển hàng hóa cứu trợ đến tay người cần.

Chị Nguyễn Thị Kim Lan, ngụ tại quận 3, TP HCM cho biết: “Từ khi thành phố giãn cách, tôi chưa một lần bước chân đến chợ, siêu thị. Trên app N. có ứng dụng “đi chợ giúp”, tôi thường đặt hàng shipeer đi chợ giùm trên ấy. Thiếu món gì thì tôi đặt hàng qua mạng trên Facebook người quen hoặc các cửa hàng uy tín. Rau củ, thịt cá, nhu yếu phẩm đều có đủ.

Vừa qua gia đình tôi có đặt một số thực phẩm Đà Lạt xuống hỗ trợ người dân khu phong tỏa, từ đầu đến cuối, nhờ có shipper mà hoàn toàn không phải ra khỏi nhà. Họ đến nhà xe nhận hàng giúp, đem đến nhà. Sau đó chúng tôi ở nhà phân loại, đóng gói hàng hóa, lên mạng nhờ xác minh khu phong tỏa nào đang thiếu thực phẩm, rồi lại đặt shipper đem đến khu vực đó. Thật lòng biết ơn họ giữa những ngày dịch bệnh thế này vẫn xông pha khắp nơi để cuộc sống được ổn định, mọi người có thể ở yên trong nhà”.

Kể sao hết những nhọc nhằn của người giao hàng. Thời điểm bình thường đó là nghề không nhàn nhã, huống gì là ngày dịch bệnh. Dãi nắng, đội mưa, vất vả, hiểm nguy, đó là những gì mà những người giao hàng đang phải đối mặt. Có những bưu cục vận chuyển, nhân viên phải ăn, ngủ tại bưu cục để đảm bảo việc phân loại, giao hàng kịp thời đến người nhận. Cũng đã có những bưu cục phải đóng cửa vì nhân viên giao hàng trở thành F0. Cũng đã có những “tai nạn nghề nghiệp” khi đi giao hàng.

Mới đây, TP HCM có những văn bản hạn chế hoạt động shipper như giảm số lượng shipper, giảm phạm vi hoạt động và nhiều quy định khác nhằm kiểm soát dịch bệnh. Nhiều shipper ngậm ngùi rời công việc. Người dân than thở nhiều hơn vì việc đặt hàng, giao hàng rơi vào khó khăn, ách tắc. Nhưng biết làm sao được, tất cả đều vì cái chung, vì mục tiêu phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả nhất.

Những con phố Sài Gòn vốn đã vắng vẻ, nay vắng những bóng áo xanh, áo vàng, áo đỏ, chở sau lưng những thùng hàng lớn nhỏ bôn ba trong ngày dịch, phố càng buồn hơn.

Đọc thêm