Chuyện phía sau “Mỗi ngày một quả trứng”…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cúi xuống thật gần những mảnh đời khốn khó, những thân phận kém may mắn, không chỉ là những suất ăn miễn phí, Quỹ “Mỗi ngày một quả trứng” còn hỗ trợ sinh kế như mua thẻ bảo hiểm y tế, vốn phát triển kinh tế, hỗ trợ làm giấy tờ tùy thân giúp trẻ đi học...
Bác sỹ Khuất Thị Hải Oanh và các cộng sự trong một chuyến công tác tại Tây Nguyên.
Bác sỹ Khuất Thị Hải Oanh và các cộng sự trong một chuyến công tác tại Tây Nguyên.

Đến bên những mảnh đời cùng cực

Vân Quỳnh 9 tuổi là chị cả của 3 đứa em. Cả mấy chị em đều không có bố. Mẹ của bé trước đây phục vụ ở quán karaoke. Khi dịch bùng phát cách đây 2 năm, quán phải đóng cửa. Vạ vật một thời gian dài không có việc làm, mẹ của bé theo người ta rủ sang Malaysia kiếm sống, để lại 4 chị em cho ông bà ngoại.

Chưa kịp gửi tiền về nuôi con thì mẹ mẹ bé bị bắt do làm việc bất hợp pháp. Đại sứ quán liên hệ với gia đình, bảo chuẩn bị số tiền 24 triệu để mua vé máy bay cho mẹ bé về. Đó là số tiền mà ông bà ngoại bé không có cách nào kiếm được. Ông ngoại làm phụ hồ. Bà ngoại bán rau kiếm sống qua ngày. Dịch bệnh, công việc của cả ông và bà đều phập phù. Như chưa đủ khổ, mấy tháng trước ông ngoại bị ốm, đi khám và phát hiện ra lao phổi, phải điều trị suốt mấy tháng trời. Bà ngoại bị đụng xe, bây giờ đi lại khó khăn.

Nhưng khó khăn cho gia đình ấy chưa dừng lại ở đó. Một ngày kia, Vân Quỳnh bị đau nhiều ở ngực, bà đưa bé đi khám ở Bệnh viện Nhi đồng. Rồi Bệnh viện Nhi đồng chuyển đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch - là bệnh viện tuyến đầu về bệnh lao của thành phố. Ở đây, bé được chẩn đoán lao đường hô hấp. Để nhập viện, cần nộp 3 triệu tiền tạm ứng, cần xét nghiệm COVID-19 cho người chăm sóc. Số tiền đó ông bà không có mà cũng không vay mượn ở đâu được. Thương hoàn cảnh của ông bà, bác sỹ ở bệnh viện mách ông bà gọi điện cho “Mỗi ngày một quả trứng” (MNMQT) để nhờ giúp đỡ.

Trước mắt là để Vân Quỳnh được vào viện điều trị, mua thẻ bảo hiểm y tế để đỡ tốn chi phí vì bệnh lao cần điều trị lâu dài và có thể Vân Quỳnh còn có những vấn đề sức khoẻ khác. Rồi bà ngoại và cả ba em của Vân Quỳnh cần được tầm soát lao để có hướng can thiệp phù hợp và kịp thời, và tất cả đều cần có thẻ bảo hiểm y tế. Rồi lo để mẹ Vân Quỳnh có thể về nước. Mục tiêu là vậy nhưng MNMQT biết rằng chẳng phải cứ có tiền là giải quyết được. Đơn cử như bà ngoại đã không còn hộ khẩu và bị mất giấy tờ từ lâu, muốn mua thẻ bảo hiểm y tế cho bà cũng không phải là đơn giản. Nhưng mà cứ phải bắt đầu, từng việc một…

Quê Loan ở An Giang. Năm 20 tuổi, Loan bỏ nhà đi theo bạn bè ra Nha Trang kiếm việc làm. Lơ ngơ không quen biết ai, một người xe ôm ở bến xe hứa sẽ đưa Loan đến chỗ có việc làm và chở cô đến quán karaoke. Chủ quán tìm mọi cách để giữ Loan lại. Cô liên lạc được với gia đình nhưng không thể về quê được. Em trai cô ra Nha Trang tìm chị. Trên đường đi tìm chị, em cô vướng vào một vụ đánh nhau có chết người và phải đi tù 12 năm ở trại giam Xuân Phước, Phú Yên.

Em trai ở trong tù, mẹ một mình ở quê, Loan cố gắng kiếm tiền để vừa gửi về cho mẹ vừa thăm nuôi em. Mẹ cô thương nhớ hai con, đầu năm nay lặn lội từ An Giang ra thăm, rồi ngã bệnh. Dịch bệnh, từ năm ngoái, các quán karaoke phải đóng cửa, Loan không có thu nhập, đến mức hai mẹ con phải sống nhờ các gói cứu trợ lương thực nhưng vẫn phải tìm mọi cách vay mượn để chạy chữa cho mẹ.

Tháng trước, bệnh tình của mẹ Loan trở nặng, cô phải đưa mẹ vào bệnh viện. Rồi bác sỹ báo là mẹ cô không thể qua khỏi, nên đưa về quê để lo hậu sự. Riêng tiền thuê xe để đưa mẹ về là 12.600.000. Đó là số tiền quá lớn với Loan. Loan cũng không còn chỗ nào để có thể vay mượn nữa, chị Nguyệt gọi cho MNMQT. Và thế là mẹ Loan được con gái đưa về quê. Chuyến về quê đầu tiên của Loan sau hơn 20 năm. Chuyến xe cuối cùng của mẹ cô. Chuyến xe duy nhất dành riêng cho bà bên người con gái mà bà đã bao năm thương nhớ…

Hai cô chú tuổi đã 60 ở cùng với hai đứa cháu nội. Mẹ của các em bỏ đi từ lúc đứa con gái thứ hai mới 18 tháng, cô chú phải nuôi nhờ sữa ở ngoài. Trong vòng tay của ông bà, giờ cả hai em cũng đều đã học đến cấp hai. Cả gia đình trông mong vào lán nước nhỏ. Tiền học của hai em cũng trông chờ vào đó. Gia đình dù khó khăn, nhưng vẫn cố gắng cho hai anh em đi học đầy đủ.

Nhưng dịch bệnh ập đến như cơn sóng dữ khiến cô chú mất thu nhập hết lần này đến lần khác, và chưa có hồi kết thúc. MNMQT hỗ trợ suất lương thực và thiết bị để hai em có thể tiếp tục học trong đợt dịch vừa rồi. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn gặp muôn vàn khó khăn. Để duy trì cuộc sống của gia đình cũng như cho các cháu đi học, hai cô chú chuyển sang thu lượm ve chai.

Chú chia sẻ rằng giá như có chiếc xe để chạy xe ôm. Các thành viên của MNMQT bàn nhau và chỉ vài ngày, Dung đã tìm cho cô chú một chiếc xe máy giá rẻ, phần nào trang trải cuộc sống. Ước mơ của chú đã trở thành hiện thực, ngay trước thềm năm mới gần kề.

Chiếc xe cũ với giá 7.500.000đ, được hai người bạn cùng nhau đóng góp. Giờ chú đã có chiếc xe máy mới. Gánh nặng cơm áo gạo tiền với cô chú cũng nhẹ bớt đi phần nào. Chạy xe từ giờ, có lẽ ngày tết của cô chú, của các em cũng đủ đầy và ấm cúng hơn.

Và câu chuyện ấm áp của chú khép lại một năm 2021 đầy khó nhọc nhưng cũng thật nhiều điều để nhớ. Niềm vui lấp lánh trong đôi mắt cặp vợ chồng già mở ra một năm mới với những hy vọng mới, hy vọng cho sự ấm no, an lành và những câu chuyện tình người được lan tỏa…

Hành trình “đi qua nước mắt”

Trên đây, chỉ là một vài trong số hàng trăm câu chuyện éo le được ghi lại bởi các tình nguyện viên MNMQT trên 13 tỉnh thành trong cả nước suốt hơn 4 năm qua. Quỹ được sáng lập bởi bác sỹ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm SCDI, sau một chuyến công tác tại Tây Nguyên.

Năm 2020, khi dịch COVID- 19 bùng phát, chỉ riêng tại Hà Nội, Quỹ đã hỗ trợ thực phẩm cho hơn 1.722 người và hơn 7.155 suất ăn cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ là những suất ăn miễn phí, Quỹ còn hỗ trợ sinh kế cho người yếu thế như mua thẻ bảo hiểm y tế, vốn phát triển kinh tế, hỗ trợ làm giấy tờ tùy thân giúp trẻ đi học...

MNMQT còn triển khai nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực như cùng với Đại học Bách Khoa sản xuất giường các-tông chống dịch để cung cấp cho các khu cách ly ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Điện Biên… Tại Hà Nội, đợt dịch đầu tiên bùng phát, MNMQT tập trung hỗ trợ các Bệnh viện K, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ. “Hoặc khi dịch đỉnh điểm ở TP Hồ Chí Minh, thành phố lâm vào tình trạng thiếu các thiết bị, bình đựng ôxy… cho bệnh nhân. Chúng tôi kết nối và tìm mọi cách hỗ trợ, san sẻ”.

“Có một điều thật đẹp trên hành trình của chúng tôi, đó là sự chung tay của tất cả mọi người. Như các họa sĩ nhóm Đa diện đã tổ chức đấu giá tranh Người trong một nước để cùng san sẻ với chúng tôi, ngay giữa những ngày dịch đau thương nhất tại TP Hồ Chí Minh. Những tác phẩm là giá trị của nghệ thuật vị nhân sinh, khi các họa sĩ thì góp tranh đấu giá, và người mua thì không hẳn là có nhu cầu mua tranh. Tất cả là sự cộng hưởng của những trái tim…”, bác sĩ Oanh tâm sự.

Đến với những con người tồn tại “bên lề”, bác sĩ Hải Oanh và cộng sự luôn tìm cách hỗ trợ trước mắt và lâu dài. Trước mắt là để họ không bị đói. Không buộc phải phạm pháp để kiếm sống; giúp cho họ có chỗ ở, nhất là trẻ em, phụ nữ và người già. Lâu dài hơn là hỗ trợ sinh kế. MNMQT giúp những người bán vé số, bán hoa quả, rau, thực phẩm, những tài xế taxi… có vốn hoặc phương tiện để kiếm sống.

Cũng trong đại dịch, vấn đề thiết bị học online như smart phone, ipad, laptop... là quá xa xỉ trong các gia đình nghèo. MNMQT tìm cách để giúp những đứa trẻ có thiết bị để vẫn tới được những trường học trong mơ của chúng.

Chưa kể tới, để giúp những đứa trẻ không có giấy khai sinh có thể đủ điều kiện đến trường, những tình nguyện viên đến từng bệnh viện trả viện phí, tìm lại giấy chứng sinh. Nhưng cũng có nhiều trường hợp phải đeo đuổi nhiều năm trời mới có thể giúp những đứa trẻ xác định được mình là ai trong cuộc đời…

Đi sâu vào nhiều cảnh đời u tối, thế nhưng mỗi lần gặp, từng số phận vẫn khiến bác sĩ Oanh không khỏi sững sờ: “Tôi ám ảnh trước hình ảnh một người mẹ bị liệt mà vẫn phải đi bán vé số, với sợi dây buộc ở tay để giữ đứa con 2 tuổi không chạy quá nhanh. Tôi ám ảnh về cuộc sống của hai mẹ con ở Hải Phòng, đứa bé ngoài giá thú 11 tuổi chưa được khai sinh và không được đi học. Đến khi đủ giấy tờ cho cháu đi học thì gần một năm sau, người mẹ mất. Tôi thực sự ám ảnh khi một người mẹ bán dâm tối tối phải dắt theo con nhỏ “đi làm”…

Ai đó nói, khi trao đi đóa hồng, trên tay bạn sẽ còn lưu lại hương thơm của niềm vui, hạnh phúc chẳng thể đo đếm bằng tiền! MNMQT, tên gọi đã gợi nhớ bao tảo tần, chịu thương chịu khó, những chắt chiu của người mẹ nghèo thương con. Trên hành trình trao đi những ấm lòng như với chính người thân của mình, là những vẻ đẹp lấp lánh lòng trắc ẩn, của tình người... Tất cả dệt nên niềm hy vọng, về những điều đẹp đẽ, hạnh phúc luôn có thật trong cuộc đời! Dẫu trong bất cứ hoàn cảnh nào…

Hạnh phúc sẻ chia từ những ám ảnh khôn nguôi

Năm 2017, bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh có chuyến công tác lên Tây Nguyên. Nỗi ám ảnh khi thấy có nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng cứ đeo bám chị từ khi rời Tây Nguyên về Hà Nội. Chị đã nghĩ rất nhiều về những bữa ăn, về cách để tăng dinh dưỡng cho trẻ em nghèo. Sau nhiều nung nấu, chị nghĩ, trứng là thức ăn dễ mua, dễ bảo quản, giá cả hợp lý lại đủ dinh dưỡng. Quỹ “Mỗi ngày một quả trứng” ra đời từ đó và bắt đầu hành trình tới khắp mọi miền Tổ quốc, không chỉ chăm lo cho những trẻ em nghèo... MNMQT hiện đang hoạt động tại 13 tỉnh, thành phố trên cả nước trong đó có Hà Nội.

Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh là một trong 50 Phụ nữ có sức ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes Vietnam bầu chọn năm 2017.

Đọc thêm