“Con cầu tự” trở thành Đức Thánh của 13 trại
Vào thời Vua Lý Thái Tông (1026 - 1054), ở Trấn Kinh Bắc, phủ Thuận An, huyện Gia Lâm, xã Lệ Mật có một nhà họ Nguyễn húy tên Quang, vợ là Hoàng Thị Tâm. Hai vợ chồng tính nết hiền lành, phúc hậu, rộng rãi, nhưng nhà nghèo, muộn con. Một hôm thái bà đến chùa Đại Bi ở Kinh Bắc lễ Phật, thấy trong chùa có một pho tượng Phật bằng đá đứng giữ của chùa. Thái bà cúi lậy, tụng niệm cầu Đức Phật phù hộ cho được một người con trai giống như tượng đá thì quý hóa vô cùng. Cầu xong thái bà cúi đầu lễ Phật rồi về nhà.
Ít lâu sau, bà có thai. Đến khi thai đủ ngày, đủ tháng, thái bà sinh hạ được một người con trai giống như tượng đá vào giờ Ngọ, ngày 13/1 năm 1026. Người con trai diện mạo khôi ngô, vẻ người đức độ, duy “dĩ ngọc hành vô hữu”. Hai vợ chồng lấy làm buồn, song vẫn chuyên tâm nuôi dưỡng chu đáo cho tới lúc trưởng thành. Năm 13 tuổi, hai ông bà mới đặt tên con là Quý Công (tức con cầu tự). Năm 16 tuổi, Nguyễn Quý Công đã trở thành người tài giỏi, xuất sắc hơn đời, sức mạnh tuyệt vời.
Bấy giờ trong triều Vua Lý Thái Tông nghe ở thôn Lệ Mật có một người tài giỏi, bèn có chiếu, chiêu vời Nguyễn Quý Công vào Triều. Nguyễn Quý Công nhận lệnh làm quan Thái giám phục vụ ở điện Công chúa cả, tọa lạc trên đỉnh núi Cung nằm trong trại Liễu Giai.
Năm 1043, Công chúa cả được phép Vua cha cho về thăm quê bằng thuyền từ sông Hồng. Vừa vào sông Thiên Đức, bỗng sóng dữ nổi lên làm lật thuyền, Công chúa bị chết đuối. Được tin thuyền bị đắm, Công chúa cả chết đuối. Vua bèn sai các quan cho thuyền đi mò tìm khắp đoạn sông dài nhưng không tìm được xác Công chúa. Chỉ có một mình Nguyễn Quý Công liều thân lặn xuống đáy sông giao đấu với các loài thủy tặc giành được xác Công chúa đưa lên bờ. Nhà Vua rất xúc động, khen Nguyễn Quý Công là người đại tài và ban thưởng tước lộc, phong cho ông là Thái giám nội thị thự khanh, thưởng vàng 100 cân, lụa 100 tấm gọi là ân thưởng.
Thái giám Nguyễn Quý Công từ chối, dâng biểu xin Đức Vua khu vực vườn Tây Cấm phía tây thành Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội hiện nay - PV) có nhiều đất hoang hóa, được đưa dân nghèo ở ban trang và các làng lân cận sang khai khẩn. Được Vua ưng thuận, ông về đưa dân làng Lệ Mật và các làng lân cận sang lập thành 13 trại. 13 trại được hình thành dưới sự chỉ bảo của ông. Khu vườn Tây Cấm trở thành một khu nông nghiệp trù phú.
Những ngày đầu được sự cưu mang, giúp đỡ chỗ ăn, chỗ ở của dân làng Yên Hoa, dân các trại xây dựng được chỗ ăn, chỗ ở đầy đủ. Khi bắt tay vào sản xuất lại được ông Nguyễn Quý Công luôn luôn quan tâm dạy bảo cách trồng lúa, trồng hoa và các cây trồng khác… Đời sống của dân làng ở 13 trại ngày một khá giả, góp phần xây dựng khu đất rậm cỏ hoang vườn Tây Cấm trở thành khu nông nghiệp trù phú phía tây kinh thành Thăng Long.
Khu Thập tam trại chủ yếu ở quận Ba Đình có tên: Khán Xuân, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Đại Yên, Vĩnh Phúc, Liễu Giai, Cống Yên, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Kim Mã, Thủ Lệ, Cống Vị, Vạn Phúc. Riêng trại Hào Nam nằm trong phường Ô Chợ Dừa thuộc quận Đống Đa. Nhưng trong tiềm thức của nhân dân trong 13 trại dù ở quận nào thì người dân của Thập tam trại do Đức Thánh Lệ Mật tạo dựng vào thời Lý, là một vùng văn hóa trọn vẹn với những nét đặc trưng riêng.
|
Lễ hội Thập tam trại. |
Và từ những ngày đầu khai hoang cho đến nay, gần ngàn năm, mặc dù trải qua bao biến thiên lịch sử, nhưng 13 trại vẫn mang dấu ấn rất riêng.
13 trại ngàn năm vượt sông Nhị Hà về đất Thánh
Vào năm Kỷ Hợi 1119, Nguyễn Quý Công bị bệnh già mất trong Triều ngày 12/10, thọ 93 tuổi. Vua vô cùng thương tiếc vị công thần đã có công phục vụ 3 triều Vua: Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông. Vua Lý Nhân Tông bèn ban thưởng lụa là, sai quần thần đưa rước thi hài ông về bản quán Lệ Mật, sai dân các trại và dân bản quán cùng nghênh táng ông.
Việc đưa rước thi hài ông về bản trang chưa thực hiện được thì nơi quàn thi hài ông, giun dế đã đùn thành mộ thiêng. Nhà Vua bèn ban cho dân các trại 300 quan tiền làm hương hỏa và xây lăng lập miếu thờ ông, ban phong mỹ tự Trung đẳng phúc thần và chuẩn hứa cho phủ Phụng Thiên, huyện Quảng Đức trại Vĩnh Khánh nay là Vĩnh Phúc được giữ gìn hương hỏa, muôn đời cúng tế. Bản trang Lệ Mật cũng được Nhà Vua cho xây đền thờ ông. Nơi thờ Thần ở Vĩnh Phúc và Lệ Mật, từ thời Trần sang thời Lê, thời Nguyễn được các triều đại phong kiến sắc phong 17 đạo sắc.
“Nhớ ngày hăm ba tháng ba/Dân trại ta vượt Nhì Hà thăm quê/Kinh quán cựu quán đề huề/Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây”. Trải qua ngàn năm, Lễ hội của Thập tam trại lập từ đầu thế kỷ 11 vẫn không có gì thay đổi. Cứ vào ngày 23/3 âm lịch, dân làng ở 13 trại mang hương hoa, trầu cau, lễ vật, vượt sông Nhị Hà về dự lễ hội với quê hương cựu quán Lệ Mật tăng cường thêm tình cảm anh em cùng một cội.
Cụ Nguyễn Đắc Liên - Trưởng ban chấp hành Thập tam trại, chủ biên cuốn sách “Quê hương Lệ Mật và sự ra đời của Thập tam trại phía Tây kinh thành Thăng Long thời Lý” đã khắc họa: “Mỗi trại tổ chức thành một đoàn nghi lễ có đủ cờ ngũ hành, rước các đề tế khí và phường bát âm, đội tế, dâng hương ăn mặc theo sắc phục lễ hội truyền thống. Từng trại rước kiệu hoa, sản vật đặc trưng của nhân dân Thập tam trại dâng lên cúng Thánh. Đoàn nghi lễ của Thập tam trại đi theo đoàn nghi lễ của quê hương ra đón về lễ Thánh tại đình Lệ Mật. Từ trong sân đình đã vang lên những hồi chiêng trống rộn rã làm không khí lễ hội thêm sôi động. Từ trại giới thiệu từng thần tích của trại mình, qua đó có tác dụng giáo dục truyền thống để mọi người học tập và noi gương. Lễ Thánh xong, dân các trại sang chùa Cổ Giao lễ Phật”.
|
Lễ hội Thập tam trại không chỉ mang tính địa phương nhằm tôn vinh tưởng niệm ghi nhớ công ơn người đã có công với dân mà còn là nơi giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”... |
Năm 2010, người dân ở 13 trại cùng nhau tổ chức Lễ hội dân gian Thập tam trại tại vườn hoa Bách Thảo thuộc phường Ngọc Hà, nơi có đình Vĩnh Phúc thờ Đức Thánh Lệ Mật với nghi lễ rất trọng thể. Có tế lễ tại đền thờ Thánh Huyền Thiên Hắc Đế tọa lạc trên vùng núi Sưa và rước Rồng, diễu hành rước long đình, kiệu bát cống các vị thánh được tôn thờ tại các đình, đền của 13 trại. Cùng tham gia đoàn của đoàn nghi lễ của cựu quán Lệ Mật rước Thánh được thờ tại đền Lệ Mật. Đây là lễ hội đầu tiên được tổ chức tại “đại bản doanh” Thập tam trại đó là quận Ba Đình. Lễ hội này được coi là to nhất với 15 đoàn rước theo nghi lễ, lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.
Lễ rước 18 long đình, 9 kiệu bát cống Thánh, Mẫu, 9 ông ngựa cùng với các đội rước cờ thần, đội trống hội, đội rước bát bửu, chấp kích và các kiệu hoa, mâm lễ, các phường bát âm, múa bồng, múa cờ, múa quạt, múa giảo long, điệu vũ bắt cả theo điệu hát trống quân… cùng 15 đội tế nam, nữ. 15 đội dâng hương đều ăn mặc y phục lễ hội mới đủ màu sắc, cùng các cụ cao niên và dân các trại, thu hút tới 3.000 người tham gia các đoàn rước.
Lễ hội Thập tam trại không chỉ mang tính địa phương nhằm tôn vinh tưởng niệm ghi nhớ công ơn người đã có công với dân, cũng là nơi giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống văn hóa, tín ngưỡng tâm linh, cũng là dịp ôn lại trang sử dựng làng trại đầy gian nan, thử thách, góp phần giao lưu thúc đẩy mối liên hệ cộng đồng của 13 làng trại, tình gắn bó quê hương, mảnh đất nơi sinh ra những con người siêng năng và tạo cho họ bản lĩnh can trường mang đậm truyền thống mảnh đất ngàn năm văn hiến.