Chuyện thay đổi nếp nghĩ, cách làm để ngăn chặn bạo lực giới ở Thanh Sơn

(PLVN) - Xã Thanh Sơn, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa là xã điểm được Hội LHPN Việt Nam chọn xây dựng và vận hành Mô hình “Địa chỉ tin cậy” và “Tổ truyền thông cộng đồng”. Sở dĩ xã Thanh Sơn được chọn bởi trước năm 2021, vấn đề bạo lực gia đình xảy ra ở đây khá nhức nhối...
Sự kiện truyền thông Dự án thành phần số 8 với chủ đề “Thanh Sơn ngày mới”. Nguồn BTPNVN

Với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: 2021- 2025, Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều cách làm sáng tạo, xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số phát triển toàn diện, có cuộc sống tốt hơn, bình đẳng hơn.

Riêng đối với Dự án 8, Hội tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm là: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm" xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới; Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; Bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội; Nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị và già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng…

Mỗi chủ đề trong triển lãm là câu chuyện chia sẻ những vấn đề về cuộc sống gia đình, một số tập tục không còn phù hợp, về sự khó khăn, trở ngại mà phụ nữ nơi đây đã và đang phải đối mặt. Nguồn: BTPNVN

Xã Thanh Sơn, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa là xã điểm xây dựng và vận hành Mô hình “Địa chỉ tin cậy” và “Tổ truyền thông cộng đồng” của Hội LHPN Việt Nam. Sở dĩ xã Thanh Sơn được chọn bởi trước năm 2021 vấn đề bạo lực gia đình xảy ra ở đây khá nhức nhối. Từ các hoạt động sáng tạo của Mô hình “Địa chỉ tin cậy”, số lượng các gia đình hay xảy ra bạo lực đã giảm nhiều. Trước năm 2021 ở xã Thanh Sơn có 23 gia đình có hành vi bạo lực, đến 2023 còn 6 gia đình, các hộ gia đình có nguy cơ bạo lực đều được ký cam kết nên ít tái phạm hơn.

Hai “Tổ truyền thông cộng đồng” tại xã đã giúp cho người dân và phụ nữ thay đổi dần nếp nghĩ, cách làm. Phụ nữ xã Thanh Sơn đã mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế, tích cực tham gia các hoạt động chung của cộng đồng đặc biệt là hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao…

Ngày 27/9/2024, tại xã Thanh Sơn, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với UBND xã Thanh Sơn tổ chức sự kiện truyền thông Dự án thành phần số 8 với chủ đề “Thanh Sơn ngày mới”. Đây là sự kiện truyền thông của Dự án thành phần số 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2024.

Người dân xã Thanh Sơn xem Triển lãm “Thanh Sơn ngày mới” để thấy những đổi thay trên chính quê hương mình trong nhận thức về bình đẳng giới, bạo lực gia đình. Nguồn BTPNVN

Tại sự kiện, những ý kiến từ chính quyền địa phương xã Thanh Sơn trong quá trình triển khai Dự án 8 và đặc biệt là những chia sẻ về sự thay đổi nhận thức, những mong muốn của phụ nữ và trẻ em nơi đây sẽ lan tỏa, truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần trách nhiệm và vận động sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các các tổ chức đoàn thể và toàn thể nhân dân xã Thanh Sơn trong việc thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; khích lệ, tạo điều kiện để phụ nữ và trẻ em thực hiện được những khát vọng và ước mơ của mình.

Cùng trong khuôn khổ sự kiện, Triển lãm “Thanh Sơn ngày mới” cũng được giới thiệu đến công chúng. Triển lãm gồm 3 chủ đề: Thanh Sơn những nỗi niềm còn đó; Đồng hành cùng những thay đổi; Thanh Sơn ngày mới. Mỗi chủ đề trong triển lãm là câu chuyện chia sẻ những vấn đề về cuộc sống gia đình, một số tập tục không còn phù hợp, về sự khó khăn, trở ngại mà phụ nữ nơi đây đã và đang phải đối mặt. Vượt lên mọi thách thức, người phụ nữ vùng đất Thanh Sơn đã và đang nỗ lực xóa bỏ dần những rào cản bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình và những tập tục văn hóa không còn phù hợp để khẳng định những giá trị bản thân. Dự án 8 đã và đang khơi dậy nhiều hơn nữa những khát vọng phát triển và nhân lên niềm vui, niềm hạnh phúc của phụ nữ, trẻ em tại xã Thanh Sơn, để từng ngày mới tươi đẹp ngập tràn trên quê hương Thanh Sơn.

Phát biểu tại sự kiện truyền thông, bà Nguyễn Thị Tuyết – Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh: “Thông qua những câu chuyện trong trưng bày, những sẻ chia buổi giao lưu tại sự kiện ngày hôm nay, chúng tôi tin tưởng rằng, mỗi người sẽ có những cảm xúc của riêng mình; hiểu hơn về đời sống, tình cảm và những những ước mơ hạnh phúc chính đáng của phụ nữ và trẻ em, để cùng nhau cam kết “chung tay hành động vì bình đẳng giới”, “thay đổi nếp nghĩ, cách làm”, “xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới”, “khơi dậy khát vọng phát triển của phụ nữ và trẻ em”.

Đọc thêm