"Chuyện tình cổ tích" của cô gái đi bằng 2 tay

Để tìm cho mình một công việc, một mái ấm hạnh phúc riêng đối người bình thường là tương đối dễ dàng nhưng với những người sinh ra đã mang trên mình những khiếm khuyết thì lại gặp muôn phần khó khăn. Chuyện tình, chuyện đời của Nguyễn Thị Phương Thảo cô gái bị liệt 2 chân và một tay nghe như cổ tích giữa đời thường.

Để tìm cho mình một công việc, một mái ấm hạnh phúc riêng đối người bình thường là tương đối dễ dàng nhưng với những người sinh ra đã mang trên mình những khiếm khuyết thì lại gặp muôn phần khó khăn. Chuyện tình, chuyện đời của Nguyễn Thị Phương Thảo cô gái bị liệt 2 chân và một tay nghe như cổ tích giữa đời thường.

Nghị lực phi thường của cô trò nghèo tàn tật

Sinh năm 1986, Nguyễn Thị Phương Thảo không may mắn như các anh chị em mình bởi Thảo là người duy nhất bị tàn tật trong 4 người con của một thương binh ở xóm nghèo thuộc thôn Lý Nhân, xã Đại Trạch huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Bố bị ảnh hưởng của chất độc da cam nhưng Thảo lại là người duy nhất bị di chứng nên bị liệt 2 chân và 1 tay từ nhỏ.

Tuổi thơ của Thảo là chuỗi ngày buồn bã nhất mà cô bé phải chịu. Mùa nắng ráo, bố mẹ phải tranh thủ ra đồng làm, Thảo phải lê lết đôi chân tật nguyền để đến trường tìm con chữ. Chỉ những ngày mưa giông, giá rét, Thảo mới được bố hoặc mẹ cõng đến trường trên lưng.

Học lên cấp 3, nhà thì xa trường, bố mẹ là nông dân không có xe máy chở con đi học nên Thảo phải rời nhà về Thị trấn xin ở nhờ nhà bà cô họ để đến trường duy trì việc học. Hồi đó, mỗi tháng Thảo được bố mẹ cho mỗi bì gạo với ít một tiền. Tiền ăn hàng tháng đều do cô họ và bạn bè giúp đỡ. Dù vậy, trải bao vất khó nhọc, Thảo vẫn cố gắng chăm chỉ học hành để luôn đạt những thành tích học tập đáng nể.

12 năm học từ cấp 1 đến cấp 3, Thảo luôn là học sinh khá giỏi của trường lớp. “Em từng được học lớp chuyên văn cấp 3 của huyện, từng là bạn với nhà vô địch Olympia của Quảng Bình năm 2005, Lê Vũ Hoàng. Học xong cấp 3, em cũng từng ước mơ được thi vào nghành Báo chí Tuyên truyền, Đại học Khoa học và Xã hội nhân văn Hà Nội nhưng sức khỏe không đủ nên đành gác lại ước mơ đó”, Thảo kể.

Nhà nghèo, bố là thương binh hạng 4/4 mờ cả hai mắt, mẹ lại thường xuyên ốm đau nên Thảo phải tự tìm đường đi riêng cho mình. Trong một lần xem chương trình “Phụ nữ và cuộc sống” phát trên VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, Thảo biết đến tấm lòng nhân ái của bà Từ Thị Hồng Linh, một cựu đại tá công an làm từ thiện bằng việc mở Trung tâm dạy nghề nhân đạo mỹ nghệ kim hoàn đá quý ở Hà Nội. Thảo đã viết thư đến Đài truyền hình Việt Nam nhờ chuyển thư đến tay bà Linh để xin được theo học tại Trung tâm này, kiếm một cái nghề mưu sinh.

Khăn gói từ Quảng Bình ra Hà Nội gia nhập Trung tâm, Thảo luôn chăm chỉ học nghề và nhanh chóng trở thành một học viên xuất sắc, được chính bà Linh khen ngợi, xem như con. Các thầy luôn thán phục trước sự kiên trì, chăm chỉ của cô gái phải đi bằng hai tay.

Thảo và Tín trong ngày cưới.

Quãng thời gian tại Trung tâm dạy nghề nhân đạo mỹ nghệ kim hoàn đá quý Hà Nội cũng chính là những ngày không thể nào quên khi Thảo được gặp và quen biết Tín, người chồng, người bạn đời tuyệt vời của Thảo sau này.

Cổ tích giữa đời thường

Thảo hạnh phúc khi nhắc chuyện tình yêu của mình và chồng là anh Đinh Trung Tín.

Tín sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo thuộc xã Hoài Đức, huyện hoài Nhơn, Bình Định. Vừa học hết lớp 9, Tín đã phải nghỉ học sớm vì gia đình quá nghèo, không thể cho con tiếp tục đến trường. Tín ở nhà chăm chỉ với ruộng đồng, vườn tược để phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học rồi nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Chính trong thời gian quân ngũ, Tín vô tình đọc được một bài báo viết về nghị lực của cô gái bằng tuổi mình đi bằng 2 tay ở một Trung tâm dạy nghề nhân đạo. Tín bạo dạn viết thư làm quen. Một vài lần viết thư không nhận được hồi âm, Tín không nản chí lại viết tiếp. Sự kiên trì của Tín cũng được đáp lại bằng những lá thư hồi âm của Thảo.

Thư đi thư lại khiến tình cảm của Tín dành cho cô gái tật nguyền đi từ khâm phục cho đến cảm mến rồi yêu.

Xuất ngũ, Tín xin đi học lái xe tải rồi xin vào làm việc cho một công ty chuyên vận chuyển hàng hóa từ Hà Nội vào Tp Hồ Chí Minh để có thể ghé Hà Nội thăm Thảo. Viết thư, gọi điện thoại thường xuyên, gặp mặt…, một thời gian sau Tín mới đủ dũng khí tưởng để tỏ tình với người mình yêu.

Tuy nhiên, mọi công lao của Tin "như muối bỏ bể" khi Thảo lắc đầu từ chối. Suốt nửa năm trời Thảo không hồi âm thư, không nghe điện thoại, tránh gặp mặt nhưng Tín vẫn quyết tâm theo đuổi tình yêu dành cho Thảo.

“Có lần anh ấy ra Hà Nội xin gặp, trời lạnh nhưng anh ấy vẫn đứng đợi em ở cổng Trung tâm suốt từ 8-10 giờ đêm dù em kiên quyết không cho gặp. Hồi đó, dù có tình cảm với anh ấy nhưng em một mực từ chối bởi em vẫn không dám tin là anh ấy yêu mình thật lòng”, Thảo vừa cười vừa kể lại.

Dù Thảo chưa nhận lời yêu nhưng Tín đã tìm vào nhà Thảo ở tận Quảng Bình, một mình ra mắt bố mẹ người yêu. Bằng nhiều cách thuyết phục, qua bạn bè, anh chị em và cả bố mẹ người mình yêu, cuối cùng Tín cũng làm Thảo động lòng, nhận lời. Nhưng bài toán còn hóc búa hơn đối với Tín chính là thuyết phục được gia đình của mình.

Bố của Tín vốn là trưởng tộc nên Tín cũng sẽ là trưởng tộc. Chính vì vậy, việc trở thành “chị đầu dâu trưởng” trong gia đình Tín là chuyện không dễ dàng đối với bất cứ cô gái nào. Hiểu được điều đó, Tín tìm mọi cách thuyết phục bố mẹ mình.

Hai vợ chồng mong có việc làm ổn định với tay nghề của Thảo.

Mỗi khi về nhà Tín tìm cách để gia đình biết vị trí quan trọng của Thảo trong lòng mình. Tín luôn photo bài báo viết về Thảo và cố ý quên ở nhà cho bố mẹ mình đọc và hiểu về Thảo. Nhưng mọi người chỉ chấp nhận Thảo như một người bạn của Tín. Khi biết cậu con trai cả của mình yêu và muốn cưới Thảo làm vợ, mẹ của Tín đã phản đối kịch liệt “có vợ thì không có mẹ, mày chỉ được chọn 1 trong hai người thôi”.

Nhưng Tín vẫn kiên trì vận động với quyết tâm lấy được người mình yêu. Sau lần dẫn Thảo vào thăm gia đình ở Bình Định, bà con họ hàng Tín ai cũng thương cô gái tật nguyền xinh xắn lại ngoan hiền và hiếu thảo. Và bố của Tín đã động lòng, tác thành cho hai người cưới nhau. Và một đám cưới được tổ chức vào đầu năm 2011 trong niềm vui và hạnh phúc vô bờ của Thảo và Tín.

“Người đàn ông tàn tật lấy được vợ lành lặn là bình thường nhưng người phụ nữ tàn tật lấy được chồng lành lặn là rất hiếm. Em tự hào vì đã lấy được anh Tín làm chồng và càng tự hào hơn vì anh ấy rất yêu em. Nghĩ lại, em vẫn thấy tình yêu của mình như chuyện cổ tích vậy anh à”, Thảo bày tỏ.  

Vợ chồng Thảo và Tín đã xây được một mái ấm nho nhỏ nhờ sự giúp đỡ của Đoàn Thanh niên công an tỉnh Quảng Bình với số tiền 30 triệu đồng cùng tiền vay mượn bà con nội ngoại.

Mong ước lớn nhất của hai người là tìm được một công việc ổn định phù hợp với tay nghề kim hoàn của Thảo rồi sinh con và nuôi con khôn lớn như bao cặp vợ chồng khác...

Văn Được
 

Đọc thêm