Những ai từng đọc tiểu thuyết nổi tiếng đoạt giải giải Gouncourt "Người tình" của nữ văn sĩ Marguerite Duras, hoặc từng xem bộ phim chuyển thể mang tên L'Amant, ít nhiều đều biết rằng, giống như trong truyện, ngoài đời, Marguerite Duras cũng có một chuyện tình đẹp và say đắm như thế với một chàng trai Việt.
|
Marguerite Duras thời trẻ |
Ngày nay, Marguerite Duras và chàng trai Việt đã qua đời, nhưng chuyện tình của họ còn sống mãi trong các tác phẩm văn học, điện ảnh để đời. Tại Việt Nam, chuyện tình ấy vẫn còn sức sống mạnh mẽ. Ai một lần đến chơi Sa Đéc, Đồng Tháp, thăm nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê và trường nữ học Trưng Vương, sẽ được nghe chính người Sa Đéc kể lại chuyện tình đã trở nên bất hủ ấy...
Trong phim L'Amant - người tình, cảnh quay khởi đầu là trên một chuyến phà Sa Đéc - Vĩnh Long, cái nhìn câm lặng của hai người, một cô gái Pháp kì lạ 15 và chàng công tử hào hoa gần 30 tuổi dành cho nhau mở ra một cuộc tình đầy lạ kì. Ở ngoài đời, mối tình của Marguerite Duras và Huỳnh Thuỷ Lê cũng bắt đầu từ cuộc gặp gỡ trên một chuyến phà.Marguerite Duras sinh năm 1914 tại Gia Định, Đông Dương, cha là giáo sư toán, mẹ là giáo viên tiểu học. Mẹ bà là hiệu trưởng Trường École de jeunes filles ở thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp (ngày nay là Trường Trưng Vương). Chuyến phà lần đầu tiên bà gặp Huỳnh Thuỷ Lê, mở ra một mối tình bất hủ là chuyến phà đi từ thị xã Vĩnh Long sang thị xã Sa Đéc. Năm đó, Marguerite Duras tròn 15 tuổi, cùng gia đình đến Sa Đéc sinh sống theo sự nhậm chức hiệu trưởng của mẹ bà.
Trong khi đó Huỳnh Thuỷ Lê đã ngoài 20, là "thiếu gia" của gia tộc họ Huỳnh, một gia tộc gốc Hoa danh giá nức tiếng nhất nhì Sa Đéc. Cha Huỳnh Thuỷ Lê là một điền chủ giàu có hàng đầu Sa Đéc, ông sở hữu vựa gạo khổng lồ, nhiều đất đai ruộng vườn và nhiều căn nhà phố cho thuê ở cả Sa Đéc và Gia Định. Tuy nhiên, người ta biết đến ông Huỳnh Cẩm Thuận, cha Huỳnh Thuỷ Lê như một Mạnh thường quân thường xuyên làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo. Ngôi chùa Kiến An Cung nổi tiếng ở Sa Đéc cũng là do ông Cẩm Thuận bỏ tiền ra xây dựng. Với một gia tộc lững lẫy như vậy, thì hẳn nhiên "thiếu gia" như Huỳnh Thuỷ Lê đã được định sẵn mối nhân duyên. Người được gá nghĩa từ nhỏ với Huỳnh Thuỷ Lê là Nguyễn Thị Mỹ, tiểu thư xinh đẹp của một gia đình còn nức danh giàu có ở miền Tây hơn cả gia đình họ Huỳnh.
|
Huỳnh Thuỷ Lê còn trẻ |
Nhưng cuộc gặp gỡ bất ngờ trên chuyến phà Vĩnh Long - Sa Đéc đã thay đổi một đoạn đời của công tử họ Huỳnh. Không ai cắt nghĩa được vì sao Huỳnh Thuỷ Lê, chàng trai khôi ngô giàu có, được rất nhiều con gái đẹp vây quanh lại rung động trước cô gái Pháp 15 tuổi gầy guộc, cơ thể chưa phát triển hết. Trong phim L'Amant, mối tình cảm xúc nhiều hơn lời nói được thể hiện bằng những cảnh quay táo bạo, say đắm ,nhục cảm, đã trở nên nổi tiếng. Không biết, Marguerite Duras và Huỳnh Thuỷ Lê có "nóng" đến mức ấy không, nhưng những lời kể lại đã cho thấy, Huỳnh thiếu gia yêu mê đắm cô gái Tây 15 tuổi, cô gái bé bỏng nhưng đầy cá tính đáp trả không kém phần nồng cháy, và có nhiều minh chứng cho thấy, họ đã thực sự nghĩ đến việc gắn bó với nhau trọn đời.
Huỳnh Thuỷ Lê đã vài lần gặp gỡ gia đình Marguerite Duras, còn phía gia tộc họ Huỳnh cũng đã biết đến mối quan hệ của con trai họ với con gái của hiệu trưởng trường nữ học École de jeunes filles. Nhưng ở thời điểm những năm 30, chuyện một chàng trai Việt yêu cô gái Tây gần như là một điều gì đó không tưởng. Đó là chưa nói đến chuyện hai gia đình chẳng coi nhau ra gì. Với cha mẹ và các anh của Marguerite Duras, Huỳnh Thuỷ Lê chỉ là một thanh niên bản xứ của một nước thuộc địa, không hơn không kém, không xứng với gia đình trí thức "đại quốc". Còn với gia tộc họ Huỳnh, nhà Marguerite Duras chỉ là dân "trí thức nhà nghèo" so về môn đăng hộ đối thì hoàn toàn chênh lệch. Vì vậy có thể nói mối tình của họ được thấy trước là "không có tương lai".
Trong những năm diễn ra chuyện tình của Marguerite Duras và Huỳnh Thuỷ Lê, gia đình họ Huỳnh rơi vào những nguy cơ lớn về tài chính. Do một số sai lầm trong quản lý cộng với tình hình kinh tế chung lúc bấy giờ, công việc làm ăn của ông Huỳnh Cẩm Thuận sa sút nhiều, đứng trước nguy cơ phá sản. Lúc này, việc tiến hành cuộc hôn nhân định trước của Huỳnh Thuỷ Lê với Nguyễn Thi Mỹ là một bước đi hoàn toàn hợp lý, có khả năng cứu gia đình họ Huỳnh khỏi cảnh phá sản trước mắt. Huỳnh Thuỷ Lê đứng trước lựa chọn lớn nhất đời người: Hy sinh tình riêng cứu gia đình hay đi theo tiếng gọi trái tim. Sau nhiều phản kháng, giằng co, day dứt, cuối cùng Huỳnh Thuỷ Lê chấp nhận buông xuôi. Đám cưới của ông và bà Nguyễn Thị Mỹ được tổ chức trọng thể.
Sau đó, Marguerite Duras theo gia đình về Pháp, mang theo mối tình dang dở. Một cảnh quay rất đẹp trong phim L'Amant, là khi chiếc tàu chở gia đình Marguerite Duras chuẩn bị rời bến, về Pháp. Cô gái trẻ đứng ngóng mãi lên bờ. Tàu chuyển bánh, bờ vẫn xa mù mịt mà người tình chẳng thấy đâu. Cô mãi mãi để lại trái tim tuổi thanh xuân của mình ở mảnh đất Sa Đéc, nơi cô đã thành đàn bà và lớn lên bằng một tình yêu éo le.
Huỳnh Thuỷ Lê có ba gái, hai trai với bà Nguyễn Thị Mỹ. Đời sống sau này của ông khá bình an. Sau khi mất, theo di nguyện, ông được an táng tại Sa Đéc, nơi đã từng có một mối tình ngắn ngủi nhưng để đời. Con cái của ông đều thành đạt, là giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ định cư ở nước ngoài.
Bà Marguerite Duras trở về Pháp, sau đó trở thành văn sĩ nổi danh, sống phóng túng, vài cuộc kết hôn rồi tan vỡ. Những năm cuối đời, hồi ức về mối tình xưa đã khiến bà cầm bút viết Người tình. Năm 1944, tiểu thuyết Người tình được xuất bản, gây tiếng vang và đoạt giải thưởng danh giá Goncourt, sau đó được biết đến trên toàn thế giới, được dựng phim... Những câu chữ của truyện thấm đẫm nỗi nhớ nhung dành cho người xưa, nó chứng tỏ rằng mối tình 50 năm trước vẫn chưa bao giờ rời khỏi trái tim bà. Có lẽ, mãi mãi trong Marguerite Duras, Huỳnh Thuỷ Lê luôn là một Người tình. Một người tình mà đời người duy nhất chỉ có một lần.
Hiện, nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê và ngôi trường ngày xưa mẹ bà Marguerite Duras làm hiệu trưởng, tức trường Trưng Vương trở thành hai địa danh nổi tiếng ở Sa Đéc. Riêng nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê đã được công nhận di tích cấp quốc gia. Những người từng đọc Người tình và du khách Pháp, du khách phương Tây khi đến Sa Đéc đều không quên ghé thăm. Có lẽ, có mặt ở địa danh từng là chứng nhân của một chuyện tình đẹp, được lắng nghe trực tiếp những con người nơi ấy kể về tình yêu của tiền nhân, là một cái thú không dễ gì bỏ qua...
Trân Trân