Chuyện về những y, bác sỹ “đa năng” tại thành phố Cảng

(PLVN) - Tính đến thời điểm hiện tại, Hải Phòng chưa xuất hiện ca dương tính với SARS- CoV-2. Thành quả này được xem là công sức, nỗ lực không mệt mỏi của tất cả các lực lượng trong công tác phòng chống dịch, trong đó, phải kể đến đầu tiên là lực lượng y tế.
Lãnh đạo TP Hải Phòng kiểm tra công tác cách ly tại BV Hữu nghị Việt Tiệp
Lãnh đạo TP Hải Phòng kiểm tra công tác cách ly tại BV Hữu nghị Việt Tiệp

Cái Tết không bao giờ quên!

Phải mất vài tuần, Tiến sỹ Ngô Anh Thế (SN 1975, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Hữu Nghị Việt Tiệp), người theo dõi sát sao nhất những ca nghi nhiễm Covid-19 tại khu cách ly ở cơ sở 2 (xã An Đồng, huyện An Dương) mới sắp xếp được lịch hẹn với phóng viên báo Pháp luật Việt Nam.

Khẩu hiệu: “Nhân dân Hải Phòng làm tất cả vì sức khỏe của bạn”.
 Khẩu hiệu: “Nhân dân Hải Phòng làm tất cả vì sức khỏe của bạn”.

30 Tết âm lịch vừa qua, khi nghe thông tin về ca nhiễm bệnh Covid-19 đầu tiên tại BV Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), lãnh đạo UBND TP Hải Phòng và lãnh đạo Sở Y tế đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp kéo dài suốt 1 ngày để chỉ đạo, xây dựng phương án cũng như kế hoạch phòng chống dịch.

Lúc này, BV Hữu nghị Việt Tiệp được giao nhiệm vụ là đơn vị nòng cốt giữ vai trò trong hoạt động khám, sàng lọc các ca nghi nhiễm virus SARS-CoV-2. Đường dây nóng (Hotline) của BV Hữu nghị Việt Tiệp tham vấn về các vấn đề chuyên môn liên quan đến Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona gây ra cũng nhanh chóng được thiết lập. Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Ngô Anh Thế được giao nhiệm vụ trực tiếp giữ đường dây nóng này. 

Với bác sỹ Thế, lần đầu tiên trong đời, anh đón 1 cái Tết “ấn tượng” như vậy. Khác với thời khắc giao thừa mọi năm, thay vì những tin nhắn, cuộc gọi chúc mừng năm mới là các cuộc gọi gấp gáp, hối hả về công tác phòng chống dịch.

“Thời gian đầu, thông tin liên quan đến Covid-19 khá mới mẻ, các cuộc gọi chủ yếu xoay quanh biểu hiện, triệu chứng coi là nghi nhiễm bệnh. Sau đó, mỗi ngày có tới hàng trăm cuộc gọi “đổ” vào hotline. Số lượng cuộc gọi nhiều đến mức tôi không thể ước chừng nổi.

Và chỉ sau vài tuần, chiếc điện thoại mang số hotline đã… cháy máy. Ngay lập tức, lãnh đạo BV và Sở Y tế đã phải sắm ngay cho tôi một điện thoại khác tốt hơn để tiếp tục duy trì đường dây nóng này”, anh Thế chia sẻ.

Bác sỹ Thế cho biết, tại Việt Nam, cách ly được xem là phương án tốt nhất để phòng chống dịch. Do đó, việc khoanh vùng, xác định được những ca di chuyển từ vùng dịch về là khâu quan trọng nhất. Kỷ niệm mà anh Thế nhớ mãi là vào ngày 30/1 khi trên chuyến bay của hãng Vietjet mang số hiệu VJ 286 từ TP Hồ Chí Minh ra Hải Phòng có 2 mẹ con bị sốt. Trước khi tới Hải Phòng, hai hành khách này có xuất cảnh đi các tỉnh Nam Ninh, Sơn Đông, Quảng Châu (Trung Quốc).

Trong khi chờ kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, trong đêm 30/1, gần như toàn bộ lực lượng y tế của Hải Phòng phải đi gõ cửa từng nhà những hành khách cùng chuyến bay VJ 286 rà soát cũng như tuyên truyền để mọi người nắm bắt tình hình sự việc.

Sáng 31/1, 60 người thuộc diện nghi có tiếp xúc với 2 mẹ con đã được lực lượng chức năng tổ chức cách ly tại cơ sở 2 của BV Hữu nghị Việt Tiệp. Đêm đó quả là một đêm rất dài. 

Hơn 3 tháng qua, mái tóc xanh của vị bác sỹ trẻ đã điểm sợi bạc. Anh vuốt tóc rồi cười hiền khô: “Thấp thỏm là thế, nhưng cũng nhiều niềm vui lắm. Niềm vui vỡ òa nhất là khi nhận kết quả từ Viện Vệ sinh dịch tễ TW (khi đó, Hải Phòng chưa được trang bị máy xét nghiệm Covid-19- PV) cả hai mẹ con trên chuyến bay đó đều âm tính với SARS – CoV-2. Và niềm vui âm ỉ, kéo dài là suốt những tháng ngày qua, Hải Phòng chưa phát hiện trường hợp nào dương tính”. 

Khu vực cách ly tại BV Hữu nghị Việt Tiệp.
Khu vực cách ly tại BV Hữu nghị Việt Tiệp.

Bên cạnh niềm vui ấy là những nỗi buồn ít ai thấu hiểu. Đó là sự kỳ thị đối với y tá, bác sỹ tại Khoa bệnh Nhiệt đới trong thời gian đầu đều khiến cho ai cũng có đôi chút mặc cảm, tự ti. Rồi các cuộc gọi đến qua hotline cũng khiến người nghe rơi vào nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau bởi nội dung đe dọa cũng có, chửi mắng cũng có…

Mỗi lần khoác bộ quần áo chống dịch trong suốt 1 ca từ 6-8 tiếng và ngày ngày đeo khẩu trang 24/24 tiếng thì đến đàn ông khỏe mạnh như bác sỹ Thế còn thấy ngột ngạt chứ chưa nói đến những đồng nghiệp nữ chân yếu tay mềm khác. 

Những y, bác sỹ… “đa năng”

Covid-19 đã khiến những y, bác sỹ của Hải Phòng không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn mà còn trở thành những “chuyên gia” tâm lý, những “nhà ngoại giao” thực thụ khi phục vụ các trường hợp cách ly.

“Cách ly không chỉ là hoạt động mang tính y tế, kiểm soát dịch bệnh thông thường mà chứa đựng trong đó cả hoạt động đối ngoại của Việt Nam với các quốc gia khác. Do đó, chúng tôi xác định phải làm hết sức mình để gìn giữ hình ảnh của một TP Hải Phòng thân thiện, năng động cũng như hình ảnh một đất nước Việt Nam mến khách, trọng nghĩa tình”,TS Thế tâm sự.

Từ việc mua thẻ điện thoại đến việc sắm các vật dụng cá nhân đều được cán bộ cố gắng sắp xếp để đáp ứng nhu cầu của người cách ly, mang cho họ cảm giác gần gũi, thân thiện như thành viên trong cùng gia đình. 

Bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho người cách ly
Bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho người cách ly 

Bác sỹ Thế rành rọt kể về tính cách khác biệt của những người tham gia cách ly. Người Trung Quốc có nhu cầu chính về số lượng lớn thức ăn hàng ngày. Người Hàn Quốc đòi hỏi rất nhiều từ chăn gối, thức ăn, vật dụng… mà đôi khi các y, bác sỹ không thể đem tới sự hài lòng tuyệt đối. Nhưng may mắn rằng, nhờ sự hỗ trợ của phiên dịch viên từ Sở Ngoại vụ, mọi rào cản về ngôn ngữ được xóa nhòa.

Khu vực cách ly được bố trí đầy đủ vật dụng cá nhân cho người cách ly.
Khu vực cách ly được bố trí đầy đủ vật dụng cá nhân cho người cách ly.

Không chỉ vậy, trong số những người cách ly, có cả đối tượng nghiện ma túy. Mới cách ly tập trung được vài ngày, họ đã tìm mọi cách để trốn. Cá biệt, có người còn phá cửa sổ để trốn đi khiến lực lượng công an lại phải tiến hành “truy lùng” về tận địa phương họ sinh sống và dùng đủ biện pháp từ cứng rắn đến mềm dẻo để thuyết phục. Trong số những người cách ly còn có cả đối tượng nghiện rượu, nhiều khi chứng nghiện rượu lên, y, bác sỹ lại phải tiến hành điều trị để cắt cơn. 

Tính đến thời điểm hiện tại, lũy kế số người thực hiện cách ly tại BV Hữu nghị Việt Tiệp lên tới 1.800 người. Lúc cao điểm, có tới 400 người được cách ly tại cơ sở 2. Hiện tại, số lượng cách ly chỉ còn khoảng 100 người.

Suốt thời gian qua, gần 400 cán bộ, y, bác sỹ của BV Hữu nghị Việt Tiệp đã được cắt cử để thực hiện nhiệm vụ chống dịch cũng như đảm bảo sinh hoạt cho những người cách ly. Những con người ấy vẫn ngày đêm nỗ lực, thực hiện nhiệm vụ kép: vừa khám chữa, vừa chiến đấu với dịch nhưng chưa ai lên tiếng đòi hỏi thêm quyền lợi hay phụ cấp.

Học, học nữa, học mãi…

Khi thông tin về SARS-CoV-2 liên tục thay đổi, cập nhật theo từng ngày cũng là lúc các y, bác sỹ tại Khoa bệnh Nhiệt đới phải “học, học nữa, học mãi”. Trong lần diễn tập đầu tiên, khi có 1 ca dương tính với SARS-CoV-2, có tới 50 nhân viên y tế phải cách ly.

Lần diễn tập sau, nhờ rút kinh nghiệm, ý thức trong hoạt động tiếp đón, số lượng nhân viên y tế phải cách ly rút xuống còn 10 người. Tất cả mọi hành động, cử chỉ của cán bộ, y, bác sỹ đều được đào tạo và phải cân nhắc từng li bởi chỉ cần có sai sót nhỏ dễ dẫn đến phơi nhiễm với SARS-CoV-2.

Trưởng khoa Ngô Anh Thế thăm khám cho bệnh nhân nghi nhiễm SARS-CoV-2.
 Trưởng khoa Ngô Anh Thế thăm khám cho bệnh nhân nghi nhiễm SARS-CoV-2.

Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi các cuộc gọi đến liên tục của đường dây nóng. Trước khi tạm biệt, tôi nhận thấy từ tận sâu đôi mắt của vị trưởng khoa này niềm tin về sức mạnh đoàn kết trong cuộc chiến chống Covid-19.

“Suốt những tháng ngày qua, điều mà tôi thấy trân trọng nhất chính là sự đoàn kết của lực lượng y tế Hải Phòng. Sự đoàn kết đồng lòng từ lãnh đạo đến nhân viên đã tạo thành sức mạnh, biến quyết tâm thành hành động để chiến đấu với đại dịch” - Bác sỹ Thế tin tưởng.

Đọc thêm