CIA lại bị “tố” phạm luật

Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hôm 13/9 cho biết đang tiến hành điều tra các cáo buộc về việc cơ quan này đã vi phạm pháp luật khi giúp Sở Cảnh sát New York (NYPD) thu thập thông tin tình báo và xây dựng một chương trình giám sát cộng đồng người Hồi giáo. Đáng chú ý, những chương trình này được cho là có sự hỗ trợ ngầm của Tổng thống Barack Obama.

Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hôm 13/9 cho biết đang tiến hành điều tra các cáo buộc về việc cơ quan này đã vi phạm pháp luật khi giúp Sở Cảnh sát New York (NYPD) thu thập thông tin tình báo và xây dựng một chương trình giám sát cộng đồng người Hồi giáo. Đáng chú ý, những chương trình này được cho là có sự hỗ trợ ngầm của Tổng thống Barack Obama.

Tân Giám đốc CIA David Petraeus tại buổi nhậm chức. Ảnh Reuters
Tân Giám đốc CIA David Petraeus tại buổi nhậm chức. Ảnh Reuters

Mối quan hệ ngầm giữa CIA và NYPD là nội dung một báo cáo kết quả cuộc điều tra riêng kéo dài suốt 8 tháng của Hãng tin AP. Theo đó, các nhân viên tình báo của NYPD đã theo dõi, thâm nhập để thu thập thông tin của hàng trăm nhà thờ Hồi giáo và tổ chức sinh viên.

Các sỹ quan nằm vùng thậm chí còn tới các quán cà phê và nhà hàng để nghe trộm các cuộc nói chuyện của hàng chục người thuộc những nhóm trên, sau đó viết báo cáo hàng ngày. NYPD cũng lưu giữ một bản danh sách 28 quốc gia cùng với các nhóm “người Mỹ da đen theo đạo Hồi” được gắn mác “cần quan tâm sát sao”.

Theo AP, chương trình này của NYPD được xây dựng và thực hiện với sự giúp đỡ của một nhân viên CIA tên là Lawrence Sanchez. Từ năm 2002 đến 2004, sau khi xây dựng xong các chương trình, Sanchez đã được vào biên chế của CIA và tiếp tục duy trì vai trò nhân viên tại cả NYPD và CIA ở New York.

Bên cạnh đó, NYPD cũng được cho là đã gửi một thám tử đến CIA để theo một học khóa ngắn hạn 17 tuần về gián điệp nước ngoài. Sau đợt đào tạo hiếm hoi ấy, tay thám tử đã trở về New York để giám sát công tác điều tra tình báo của cơ quan.

Cuộc điều tra nói trên cùng với những câu hỏi về các biện pháp lấy khẩu cung những người bị bắt sau vụ khủng bố ngày 11/9/2011 là một trong những đề tài nóng tại phiên điều trần của Quốc hội Mỹ hôm 13/9 vừa qua.

Tại buổi điều trần, tân Giám đốc CIA David Petraeus cho hay, việc điều tra về mối quan hệ của CIA và NYPD được thực hiện theo yêu cầu của quyền Giám đốc Michael Morell – người đứng đầu cơ quan tình báo trước khi ông Petraeus nhậm chức một tuần trước. Ông Petraeus cũng khẳng định ông sẽ theo sát cuộc điều tra để “khẳng định rằng cơ quan này đã làm đúng”.

NYPD cũng đã lên tiếng hoan nghênh cuộc điều tra trong khi một nhóm hoạt động dân quyền có tên New York Civil Liberties Union thì kêu gọi bộ Tư pháp Mỹ tiến hành điều tra song song đối với NYPD vì theo họ “NYPD không nên tham gia vào các hoạt động giám sát trái phép liên quan đến chủng tộc hay tôn giáo”.

Theo luật của Mỹ, CIA bị cấm hoạt động tình báo trong nước vì các vấn đề giá trị đạo đức và dân quyền của công dân nước này.

Al Qaeda tại Ả rập - hiểm họa lớn nhất?

Cũng trong buổi điều trần trước Quốc hội hôm 13/9 nhằm đánh giá các nỗ lực chống khủng bố của Mỹ 10 năm sau vụ tấn công 11/9/2001, ông Petraeus cho rằng nhóm Al Qaeda tại bán đảo Ả rập hiện đang là hiểm họa khủng bố nghiêm trọng nhất đối với nước này.

Theo Giám đốc cơ quan tình báo, trong lúc lực lượng nòng cốt của Al Qaeda tại Nam Á bị suy yếu thì những nhóm liên kết của chúng ở các nơi khác, nhất là tại bán đảo Ả rập, đã mạnh hơn và hội đủ khả năng để thực hiện các cuộc tấn công. Ông Petraeus cũng đã xác nhận thông tin rằng Al Qaeda tại bán đảo Ảrập đã có ít nhất 2 âm mưu tấn công vào Mỹ trong 2 năm vừa qua, nhưng đều thất bại.

Bên cạnh đó, Giám đốc Cục điều tra Liên bang (FBI) Robert Mueller cũng trong phiên điều trần cho rằng, ngoài hoạt động của Al Qaeda tại bán đảo Ảrập, các phần tử bạo động cực đoan tự phát tại nội địa Mỹ cũng là một trong những hiểm họa nghiêm trọng nhất cho an ninh của nước này.

Ông cho biết các nhóm khủng bố và những bài viết trên mạng của chúng đã kích động và chỉ đường cho những kẻ “có thể sẽ là khủng bố” cách thức làm thế nào thực hiện một cuộc tấn công.

Thanh Tùng (Theo AP)

Đọc thêm