Nhiều tài liệu vừa được phát hiện tại thủ đô Tripoli của Libya tiết lộ các cơ quan tình báo Mỹ và Anh đã gửi nhiều thông tin về lực lượng đối lập cho chính quyền của Đại tá Gaddafi.
Đại tá Gaddafi và ông Mussa Kussa thời còn đương chức.
Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan Tình báo Đối ngoại Anh (MI6) đã làm việc chặt chẽ với các cơ quan tình báo của Đại tá Muammar Gaddafi bằng cách cung cấp nhiều tin tức về lực lượng đối lập cho chính quyền Gaddafi và giao nộp nhiều nghi phạm khủng bố cho Libya để thẩm vấn, các hồ sơ phát hiện được tại một tòa nhà của các đơn vị tình báo Libya ở Tripoli tiết lộ.
Báo Wall Street Journal dẫn các thông tin từ tài liệu được tìm thấy tại trụ sở cơ quan an ninh đối ngoại Libya cho biết, theo chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, CIA cũng giao nộp những nghi phạm khủng bố cho chính quyền của Đại tá Gaddafi và gợi ý những câu hỏi hóc búa để người Libya thẩm vấn họ.
Vụ việc liên quan tới Abdel-Hakim Belhaj, chỉ huy lực lượng nổi dậy chống Gaddafi mà hiện đang kiểm soát Tripoli, là một ví dụ điển hình. Nhân viên tình báo Mỹ bắt Belhaj tại Đông Nam Á trước khi đưa ông tới Tripoli vào năm 2004. Là cựu chỉ huy một nhóm Hồi giáo ở Libya thân cận với Al Qaeda mà hiện đã tan rã, Belhaj từng bị các nhân viên tình báo CIA tra tấn trong một nhà tù bí mật trước khi được giao cho Lybia.
Người ta phát hiện hai bức thư mà cơ quan tình báo Mỹ đã gửi thư cho cơ quan tình báo Libya về việc chuyển giao Belhaj vào tháng 3/2004. Các tài liệu cho thấy, người Mỹ dường như đã tổ chức việc đầu hàng của Belhaj, đồng thời đòi hỏi Belhaj phải « được đối xử nhân đạo » và « các quyền của ông ta phải được tôn trọng ». Người viết các tài liệu cũng thông báo Belhaj sẽ được đưa tới Malaysia trước khi bay sang Libya, đồng thời yêu cầu các nhân viên tình báo Libya phải áp giải Belhaj.
Lúc đó, cơ quan tình báo Mỹ đã "hiện diện thường trực" ở Libya. Thông tin ghi trong một lá thư của một trong những quan chức cao cấp CIA, Stephen Kappes được gửi tới người đứng đứng đầu cơ quan tình báo Libya Mussa Kussa dưới thời Đại tá Gadhafi. Mussa Kussa – người mà sau này giữ chức Ngoại trưởng - đã chạy sang London hôm 30/3 vừa qua.
Peter Buckaert, đến từ Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW), người tìm thấy những tài liệu nói trên, cho rằng quan hệ giữa Washington và chính quyền Gaddafi bước vào "chương rất tối trong lịch sử tình báo Mỹ". "Năm 2004, Mỹ đã thành công trong việc thuyết phục Chính phủ Libya từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và giúp nước này bắt giữ những tên khủng bố nhằm vào nước Mỹ", một quan chức Mỹ cho biết.
Nhật báo The Independent của Anh cũng đăng tải những thông tin tương tự. Báo này dẫn một tài liệu của Mỹ được xếp vào loại "mật" cho biết, cơ quan tình báo Mỹ đã "có thể" đã giao nộp cho Libya một nhân vật bị tình nghi là thành viên của một nhóm liên quan tới Al Qaeda.
Tờ The Independent cũng nhắc tới mối quan hệ giữa cơ quan tình báo Libya và Anh vào thời kỳ đó. Theo báo này, Anh cũng đã trao đổi nhiều thông tin về những người đối lập đang sống lưu vong của chính quyền Gaddafi. Trong một bức thư đề ngày 16/4/2004, cơ quan tình báo Anh thông báo cho cơ quan đồng cấp Libya biết rằng một chiến binh Libya vừa được trả tự do ở Anh. Tài liệu cho thấy những bức thư và bản fax được gửi cho ông Mussa Kussa có những nội dung "chúc mừng của MI6".
Trong khi đó, theo tờ Sunday Times của Anh, giới chức Anh từng bí mật mời hai con trai của Gaddafi tới Anh để gặp nhiều quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng và tham dự một buổi trình diễn của lực lượng đặc nhiệm năm 2006. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh khẳng định chuyến thăm của hai người con Gadhafi đã không diễn ra.
Nhiều tài liệu khác cũng liên quan tới chuyến thăm rất được giới truyền thông quan tâm cuả ông Tony Blair tới Tripoli năm 2004, trong đó cho thấy chính cựu thủ tướng Anh là người đề nghị được Gaddafi tiếp đón dưới lều Bedouin.
Theo những tài liệu được tìm thấy tại Tripoli, cơ quan tình báo Anh còn giúp đỡ tình báo Libya soạn thảo cả những bài diễn văn mà trong đó Gaddafi thông báo rằng mình từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Quang Minh