Hướng dẫn biện pháp chăm sóc thay thế, giám hộ trẻ mồ côi do dịch COVID-19

(PLVN) -Sở Tư pháp TP HCM mới có văn bản hướng dẫn các quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn về việc chăm sóc, giám hộ trẻ em mồ côi không có người nuôi dưỡng do cha, mẹ, người thân thích chết vì COVID-19 và quản lý di sản chưa xác định được người thừa kế, người quản lý di sản.

Theo đó, với trẻ mồ côi, trẻ không ai nuôi dưỡng do mất cha, mẹ, người thân thích vì dịch bệnh COVID-19, UBND phường, xã, thị trấn nơi trẻ em cư trú phải hỗ trợ, nuôi dưỡng. Đồng thời quyết định các biện pháp chăm sóc thay thế, đăng ký giám hộ cho trẻ theo quy định. Nếu trẻ không có người giám hộ, địa phương cử người giám hộ.

Trong trường hợp chưa thực hiện được các biện pháp chăm sóc thay thế cho trẻ, địa phương thực hiện ngay các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, quản lý tài sản của trẻ trong thời gian chưa tìm được người giám hộ.

Đối với di sản do cha, mẹ, người thân của trẻ bị mất để lại, địa phương thực hiện công tác quản lý trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế, người quản lý di sản và giao lại di sản khi có yêu cầu của người thừa kế theo quy định Bộ luật dân sự 2015.

Trước đó, ngày 18/9, UBND TP HCM đã giao UBND quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát, lập danh sách các trẻ mồ côi cha mẹ do COVID-19, đồng thời nắm bắt nguyện vọng của người thân đang nuôi dưỡng các em để tham mưu xây dựng chính sách trước mắt và lâu dài cho từng nhóm...

UBND TP HCM mới giao UBND quận, huyện và TP Thủ Đức tổ chức rà soát, lập danh sách các trẻ em mồ côi cha mẹ do COVID-19 trên địa bàn.

UBND TP cũng giao các địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên và nắm bắt nguyện vọng của người thân đang nuôi dưỡng để tham mưu xây dựng chính sách trước mắt và lâu dài cho từng nhóm: Gia đình tự nuôi dưỡng; Gửi Trung tâm Bảo trợ xã hội trẻ em, mái ấm tình thương quận, huyện và TP Thủ Đức; Gửi đến các tổ chức có tâm nguyện nuôi dưỡng; Nguyện vọng khác; tham mưu trình UBND TP thông qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Ban Tôn giáo TP, Hiệp hội Doanh nghiệp TP sẽ chủ trì làm việc với các tổ chức tôn giáo, các doanh nghiệp là những tổ chức có tâm nguyện chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu mồ côi để lắng nghe các kiến nghị; báo cáo UBND TP thông qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn các địa phương, đơn vị thăm hỏi, nắm nguyện vọng, tổng hợp báo cáo của quận, huyện và TP Thủ Đức, Ban Tôn giáo TP, Hiệp hội Doanh nghiệp TP và căn cứ quy định pháp luật, tham mưu đề xuất hệ thống các chính sách để chăm lo cho các cháu mồ côi từ nhỏ cho đến trưởng thành, trình UBND TP trong tháng 9/2021.

Về việc hỗ trợ trẻ mồ côi vì COVID-19, Sở LĐTB&XH TP HCM cho biết, theo quy định mức trợ cấp hàng tháng cho trẻ mồ côi dưới 4 tuổi là 900.000 đồng, trên độ tuổi này là 540.000 đồng.

Các em được cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí và các khoản khác ở trường, thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi. Các chính sách trợ giúp xã hội được duy trì đến 22 tuổi khi các em học văn hóa, học nghề, cao đẳng, đại học.

Hiện các quận, huyện và TP Thủ Đức vận động để giúp đỡ cho trẻ mồ côi vì COVID-19 với mức hỗ trợ 3 - 5 triệu đồng, nhu yếu phẩm. Ngoài chính sách cho trẻ mồ côi, các em là F0 cũng được giúp đỡ 1 triệu đồng, tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày trong thời gian điều trị, cách ly tập trung. Các em được chi trả tất cả chi phí khám, chữa bệnh liên quan COVID-19.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã quyết định hỗ trợ một triệu đồng với những em bé sinh từ 27/4 đến 31/12, có mẹ mắc COVID-19. Mức hỗ trợ 2 triệu đồng dành cho các em có cha, mẹ là F0 đã qua đời; các em hoàn cảnh khó khăn, mồ côi do đại dịch. Nguồn kinh phí từ Quỹ bảo trợ trẻ em.

Sở GD&ĐT TP HCM ngày 14/9 thông tin, thành phố có hơn 1.500 học sinh mồ côi vì COVID-19, trong đó, có hơn 490 em ở bậc tiểu học, 580 em THCS, còn lại ở bậc THPT, giáo dục thường xuyên.

Học sinh mồ côi cha hoặc mẹ vì COVID-19 ở khắp các quận huyện, TP Thủ Đức; nhiều nhất ở quận 8, Bình Thạnh, Bình Tân và huyện Hóc Môn.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm