Có bỏ lọt tội trong vụ đánh chết người từ chuyện mất ví?

TAND huyện Yên Dũng (Bắc Giang) sắp đưa ra xét xử bị cáo Trịnh Văn Chung (SN 1980, trú tại xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng), bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích”. Do có hậu quả chết người nên đến thời điểm này, phía gia đình bị hại vẫn khăng khăng cho rằng, Chung phải bị xử lý về tội “Giết người” và đề nghị khởi tố thêm tội danh đối với bị cáo này...

TAND huyện Yên Dũng (Bắc Giang) sắp đưa ra xét xử bị cáo Trịnh Văn Chung (SN 1980, trú tại xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng), bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích”. Do có hậu quả chết người nên đến thời điểm này, phía gia đình bị hại vẫn khăng khăng cho rằng, Chung phải bị xử lý về tội “Giết người” và đề nghị khởi tố thêm tội danh đối với bị cáo này...

Án mạng từ chuyện mất ví

Tối 28/12/2012, Chung cùng anh Vũ Sỹ Nhàn cùng một số người đến nhà anh Nguyễn Khắc Khuê ở thôn Voi, xã Quỳnh Sơn để đánh bạc dưới hình thức “3 cây”. Thua hết tiền, Chung đã vay được của anh Nhàn 1 triệu đồng để chơi tiếp nhưng do anh Khuê không đồng ý chơi nữa nên Chung đã trở lại nhà anh Nhàn trả tiền.

Tới nơi thì Chung phát hiện mình bị rơi mất ví nên quay lại đường cũ và vào nhà anh Khuê để tìm. Tìm không thấy, Chung cho rằng anh Khuê đã nhặt được ví của mình nhưng không trả nên đã lấy chiếc điện thoại di động của anh Khuê cho vào túi. Thấy vậy, anh Khuê đã gọi điện thoại cho anh trai mình là Nguyễn Khắc Tư ở gần đó sang can thiệp.

Thấy ông Tư đến, Chung đã túm cổ áo rồi đấm vào mặt ông Tư. Sau đó, Chung dùng tay trái kẹp đầu ông Tư vào nách rồi kéo ra ngoài sân. Cả hai cùng ngã xuống sân trong tư thế ông Tư vẫn bị kẹp cổ.

Trong lúc vật lộn, Chung đã cào và đấm nhiều phát vào vùng đầu, mặt ông Tư. Sau đó, anh Khuê và con ông Tư vào căn ngăn hai người và trói 2 chân của Chung lại với nhau. Trong khi anh Toàn đi gọi mẹ vợ Chung, anh Khuê vào trong nhà gọi điện cho công an xã thì Chung đã tự cởi trói được và đi vào nhà rồi ra hiên nhà ông Khuê đứng.

Chiếc điếu cày có phải là hung khí giết người trong vụ án?. Ảnh minh họa.

Một lúc sau, có anh Trần Đức Tuấn đi xe máy đến, phát hiện thấy ông Tư nằm bất tỉnh ở sân giếng liền gọi Chung đến giúp nhưng Chung đã trèo qua tường và bỏ chạy.

Ông Tư bị chết trên đường đi cấp cứu, vùng đầu mặt có nhiều vết trợt da và đáng chú ý là cơ thái dương trái có vùng tụ máu và CQĐT thu giữ tại hiện trường có 1 chiếc điếu cày (bằng inox) dính máu người (không xác định được nhóm máu).

Cơ quan giám định kết luận: Ông Tư chết do chấn thương sự não, tụ máu dưới màng cứng vùng đỉnh chẩm phải. Khi thái dương trái của ông Tư bị tác động bởi một lực mạnh, theo cơ chế “đối lực” thì vùng sọ não hướng đối diện (bên phải) sẽ bị tụ máu. Quá trình tụ máu này diễn ra dần dần. Khi khối máu đủ lớn mới tác động vào bộ não, gây hôn mê và tử vong cho nạn nhân.

Bỏ lọt tội?

Tuy có hậu qủa chết người nhưng trong vụ án này, Chung chỉ bị khởi tố, truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 3, Điều 104 (dẫn đến chết người). Còn phía gia đình bị hại vẫn cho rằng, Chung đã có hành vi giết người.

Trước 2 quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (VPLS Nguyễn Anh, Hà Nội) cho rằng: Trên thực tế, vẫn có những vụ án mà hậu qủa chết người nhưng hung thủ lại chỉ bị xử lý về tội “Cố ý gây thương tích” như trên. Nhưng ngược lại, cũng có những vụ tuy chưa có hậu quả chết người nhưng hung thủ vẫn phạm tội “Giết người”.

Yếu tố quan trọng để định tội danh trong những vụ như thế này là phải xác định rõ động cơ, mục đích của đối tượng có muốn tước đoạt mạng sống của nạn nhân hay không?.

Đi vào chi tiết vụ việc, luật sư Thơm cho hay, bản thân Chung thừa nhận đã đấm liên tiếp vào vùng đầu nạn nhân. Chung buộc phải hiểu rằng, việc đấm vào đầu ông Tư (vùng trọng yếu trên cơ thể) được “kê” trên nền gạch như vậy là rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng ông Tư. Hơn nữa, Chung chỉ dừng việc đánh, đấm này khi có người vào căn ngăn.

Trước đó, khi 2 bên chưa đánh nhau, Chung còn nói với ông Tư: “Bác đánh được cháu thì cứ đánh, nếu không đánh được cháu thì mai cháu cắt cổ từng người một”. Như vậy, ý định tước đoạt mạng sống của Chung đã xuất hiện ngay từ ban đầu chứ không phải vì Chung “nhỡ tay”.

Ngoài ra, sự xuất hiện của chiếc điếu cày “dính máu người” trong vụ án này vẫn chưa được làm rõ. Theo mô tả tại KLĐT và Cáo trạng thì đã không thấy ai sử dụng chiếc điếu cày này thì lý do nó dính máu là một uẩn khúc. Trong khi thương tích của Chung được kết luận “không còn dấu vết vật tày gây nên” thì chiếc điều cày này có phải là vật gây thương tích vào vùng thái dương trái của ông Tư?.

Liệu bị cáo có dùng hung khí này để đánh nạn nhân khi vật nhau hoặc đánh lúc chỉ có hai người với nhau (khi Chung đã tự cởi trói, anh Toàn đi ra ngoài, còn anh Khuê vào trong nhà gọi điện)?. Việc CQĐT không làm rõ các vấn đề trên đồng nghĩa với việc điều tra chưa được đầy đủ, toàn diện?.

Trong vụ án này, Chung còn có hành vi "lấy điện thoại của ông Khuê, đút vào túi áo". Chung cho rằng, việc lấy điện thoại này để "anh Khuê trả lại ví thì trả điện thoại" nên VKSND huyện Yên Dũng cho rằng Chung "không có mục đích chiếm đoạt".

Tuy nhiên, chính cơ quan này lại khẳng định: "Chung không biết ví rơi ở đâu và CQĐT cũng không xác định được". Như vậy thì việc Chung lấy điện thoại của anh Khuê với mục đích "lấy lại ví" là đòi hỏi ngang trái, vô lý. Hơn nữa, việc lấy điện thoại này là trái ý muốn của anh Khuê, bị anh Khuê phản đối. Sau đó, phải có sự can thiệp của ông Tư thì anh Khuê mới lấy lại điện thoại chứ Chung cũng không tự nguyện trả lại.

Hành vi chiếm đoạt của Chung trên đây đã mang dấu hiệu tội "công nhiên chiếm đoạt tài sản" nhưng cũng không bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự. Hiện nay, khi biết Chung đã được tại ngoại thì gia đình bị hại lại càng bức xúc và đã có nhiều đơn đề nghị xử lý đúng tội và bổ sung tội danh đối với Chung.

Khoa Lâm

Đọc thêm