Có cách tăng thêm 60.000 tỷ cho người trồng lúa đồng bằng sông Cửu long, sao không làm?

(PLO) -Với 20 triệu tấn lúa làm ra mỗi năm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nếu quyết liệt cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sẽ tạo ra giá trị tăng thêm khoảng 60.000 tỷ đồng. 
Trình độ cơ giới hóa ở mức thấp khiến đời sống nông dân khu vực ĐBSCL  vẫn còn rất nhiều bấp bênh
Trình độ cơ giới hóa ở mức thấp khiến đời sống nông dân khu vực ĐBSCL vẫn còn rất nhiều bấp bênh

Theo kế hoạch, tuần này, Bộ NN&PTNT sẽ có cuộc họp bàn quan trọng nhằm định hình lại chiến lược và các dự án chuyển đổi quy mô lớn nhằm phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Chia sẻ với PV Báo PLVN về giải pháp phát triển bền vững nông nghiệp ĐBSCL, chuyên gia Nguyễn Thế Hà, Cty Cơ khí CNN Bùi Văn Ngọ- doanh nghiệp đang cung cấp thiết bị cho khoảng 50% sản lượng xay xát lúa gạo cả nước, nói rằng: Cơ giới hóa kết hợp với máy tính, tự động hóa, internet of thing, khoa học máy tính, công nghệ robot là giải pháp giúp tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng trong sản xuất qua đó đưa nông dân nơi đây thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Những nông dân tiên phong

Ở huyện Châu Thành tỉnh Long An, nông dân chuyển đổi từ chuyên canh lúa sang trồng thanh long tuy còn gặp nhiều khó khăn do biến động thị trường, thời tiết, dịch bệnh, song qua nhiều năm giống thanh long được cải tiến đã cho năng suất, chất lượng và giá trị cao hơn.

Thống kê cho thấy, mỗi lao động ở đây canh tác khoảng 5.000 m2, được hỗ trợ bởi các dịch vụ nông nghiệp tại địa phương mỗi năm cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Thu nhập bình quân mỗi công đất trồng thanh long hàng năm đạt 100 triệu đồng/1000 m2 là phổ biến.

Không chỉ Châu Thành, một số nông dân chuyên canh xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu ở Đồng Tháp nhờ áp dụng chuẩn VIETGAP (trái xoài được bao giấy kỹ thuật từ nhỏ, việc ra hoa, cho trái được điều chỉnh theo thời vụ, giống cây được chọn lựa cẩn thận, thu trái và bảo quản trái xoài được cải tiến theo nhu cầu thị trường) khiến chất lượng xoài đưa ra thị trường trong nước và xuất khẩu cải tiến rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người nông dân ở đây cũng vì thế tăng lên đáng kể, đạt trên 2.000 USD năm.

Kỹ sư Hà, người có nhiều năm theo sát hoạt động sản xuất với nông dân vùng ĐBSCL khẳng định: Đời sống của những nông dân trồng xoài, làm cây giống, trồng hoa khấm khá lên là có thật. Một bộ phận nông dân nghèo đã trở thành trung nông nhờ kỹ thuật canh tác tiên tiến, đã thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, đa số nông dân khu vực này đời sống vẫn còn nhiều bấp bênh. “Để thoát khỏi bẩy thu nhập trung bình khi GDP bình quân đầu người phải đạt mức 12.000 USD/ người/ năm vào năm 2035 như World Bank tính toán là việc không dễ dàng, khi nông dân chiếm tới 64,9% dân số và khi trình độ cơ giới hóa của Việt Nam đang còn ở mức rất thấp”- Kỹ sư Hà lo ngại.

Con đường cơ giới hóa

Là người trong ngành, kỹ sư Hà khẳng định chất lượng cơ giới hóa đang là vấn đề của nông nghiệp Việt Nam. Dù ĐBSCL  là vùng sản xuất nông nghiệp có trình độ cơ giới hóa trong canh tác lúa gạo đạt ở mức cao so với bình quân cả nước song máy làm đất, cày, kéo chủ yếu là sử dụng máy second hand, với máy động lực có công suất rất nhỏ chỉ từ 20CV đến 70 CV.

Ông Hà nói hiện trình độ cơ giới hóa của Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước công nghiệp hóa. Cơ giới hóa trong canh tác mới chỉ đạt ở mức 1,4 CV trên 1 ha, trong khi ở Thái Lan, Hàn Quốc mức độ cơ giới hóa đã đạt tới từ 4 CV đến 6 CV trên 1 ha.

Nói về khả năng sinh lời của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cho khu vực được coi “vựa lúa cả nước”, chuyên gia về cơ khí này phân tích: Khi san phẳng ruộng bằng công nghệ laze, tưới tiêu bằng hệ thống tưới tiết kiệm và cấy vùi phân bón thì sản xuất lúa tiết giảm chi phí được 1500 đồng/kg. Và khi thu hoạch bằng máy gặt liên hợp, sấy lúa bằng công nghệ tiên tiến, chế biến gạo bằng công nghệ cao chúng ta làm ra giá trị tăng thêm được 1500 đồng/kg nữa.  

Vị Kỹ sư này tính toán, nếu làm được điều này, riêng khu vực ĐBSCL đã tạo ra giá trị tăng thêm khoảng 3000 đồng/kg lúa. “Như thế với 20 triệu tấn lúa làm ra mỗi năm ở ĐBSCL chúng ta sẽ có được khoảng 60. 000 tỷ đồng. Điều này chúng ta hoàn toàn có thể làm được nếu quyết liệt cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp”- Ông Hà tin tưởng.

Đại diện doanh nghiệp cơ khí được Bộ NN&PTNT đánh giá rất cao này cho rằng, nông nghiệp nông thôn nông dân là ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến 70% dân số. Vì thế, cần có các kế hoạch tổng thể, phát triển cân đối và các chính sách cụ thể cho từng ngành, từng vùng miền và từng đối tượng chủ đạo là hộ nông dân và lao động nông nghiệp.

Ngoài phải luật hóa các chính sách về nông nghiệp, về đất đai, đầu tư, lao động, thuế…cho phù hợp trong điều kiện nền kinh tế hội nhập, khi nhà nước tham gia vào các hiệp định FTA với các quốc gia, vùng lãnh thổ cho sản xuất theo chuẩn mực quốc tế thì cũng cần phải  tập trung vào các mũi nhọn tạo ra đột phá. Trong đó cần hiện đại hóa ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp và khuyến khích khu vực doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nông nghiệp với các chính sách bảo hiểm có trọng điểm”- Kỹ sư Hà kiến nghị.

Đọc thêm