Cơ chế đặc thù cho vùng khó khăn

(PLVN) - Vừa qua, ở TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) diễn ra sự kiện Hội nghị lần thứ 4 Hội đồng Điều phối vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, gồm 14 tỉnh. Mặc dù đã đạt được thành tựu nhất định tăng tốc cùng “đoàn tàu cả nước”. Tuy nhiên, nhiều vấn đề như xóa đói, giảm nghèo, ứng phó thiên tai, y tế, giáo dục… đã và sẽ còn tồn tại không dễ khắc phục trong ngày một, ngày hai, với vùng kinh tế - xã hội này.
Ảnh minh hoạ.

Với những chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt thấp, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh đến yêu cầu tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp khắc phục để mọi người dân phải được hưởng thành quả của sự phát triển chung của cả nước. Tinh thần là các tỉnh trong vùng phải đổi mới tư duy, có cách làm mới để thúc đẩy tăng trưởng.

Để khai thác tiềm năng và thế mạnh, các địa phương trong vùng đều kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xây dựng, trình Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù cho vùng khó khăn nhất cả nước có điều kiện vươn lên.

Đại diện tỉnh Hòa Bình bày tỏ mong muốn Trung ương sớm có những cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tỉnh trong vùng. Đó là cơ chế đặc thù về hợp tác công - tư PPP; thị trường tín chỉ carbon; nâng khoán kinh phí bảo vệ rừng; có chiến lược phát triển du lịch cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cơ chế giá hợp lý với thủy điện để các tỉnh có thêm nguồn ngân sách phục vụ Nhân dân vùng lòng hồ; nâng tỉ lệ vay để giúp các tỉnh có thêm nguồn lực đầu tư phát triển các dự án hạ tầng trọng điểm...

Câu chuyện tháo gỡ “điểm nghẽn”, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù không phải lần đầu được đặt ra ở Hội nghị này. Quốc hội đã từng ban hành cơ chế đặc thù ở một số tỉnh, thành trọng điểm như: Đà Nẵng, TP HCM…

Trung ương đang tích cực sửa đổi thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật để tháo gỡ vướng mắc; quyết liệt sắp xếp, đổi mới, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Năm 2025 được hy vọng là một năm tăng tốc, bứt phá, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

Thời gian tới không chỉ vùng Trung du và Miền núi phía Bắc mà cả đất nước phải phát triển nhanh, toàn diện, đánh dấu thời kỳ của chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh... Nhận định rõ khó khăn, vướng mắc, tiềm năng của vùng để có giải pháp khắc phục, triển khai thực hiện hiệu quả là yêu cầu không chỉ riêng đối với vùng kinh tế nào.

Đọc thêm