Có chỗ, nhưng... ngại tới

Hơn 50 ngàn người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, trong đó phần đông là công nhân trẻ kêu ca về tình trạng thiếu chỗ vui chơi giải trí. Nhưng khi đã có một địa điểm tạm gọi là “không gian dành cho bạn” thì họ lại… lơ!?

Hơn 50 ngàn người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, trong đó phần đông là công nhân trẻ kêu ca về tình trạng thiếu chỗ vui chơi giải trí. Nhưng khi đã có một địa điểm tạm gọi là “không gian dành cho bạn” thì họ lại… lơ!?

Thiết tha ngóng người lao động

Đường xa và thời gian hạn hẹp nên công nhân trẻ ít có điều kiện đến Nhà Văn hóa Lao động tham gia các hoạt động vui chơi như thế này.

Nhà Văn hóa Lao động thành phố Đà Nẵng (NVHLĐ) được đi vào hoạt động hơn một năm nay. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc NVHLĐ, đây là địa điểm sinh hoạt văn hóa dành cho tất cả người dân thành phố. Trong đó, đối tượng chính mà NVHLĐ hướng đến là giới lao động bình dân, đặc biệt là công nhân có thu nhập thấp. Tuy nhiên, qua thực tế, khi các chương trình dành cho công nhân được tổ chức thì nguy cơ… bể show lại khá cao. Bà Tuyết Nhung cho hay: “Chúng tôi từng thực hiện những buổi sinh hoạt tập thể cho nữ công nhân tại NVHLĐ với các nội dung hấp dẫn. Nhưng số lượng người tham dự không được như mong đợi”.

Hiện tại, NVHLĐ đang tổ chức nhiều hoạt động thể thao, khiêu vũ và hình thành các câu lạc bộ vui chơi, giải trí sinh hoạt định kỳ. Bà Tuyết Nhung cho biết: “NVHLĐ đã hết sức tạo điều kiện để công nhân có thể tham gia thường xuyên các chương trình này như miễn, giảm học phí, kéo dài thời gian chiêu sinh, song số lượng đăng ký rất ít”.

Đưa văn hóa về cơ sở

Các lớp học thể thao, văn hóa tại Nhà Văn hóa Lao động thực hiện nhiều chương trình miễn, giảm học phí để thu hút công nhân. TRONG ẢNH: Lớp học khiêu vũ.

Giữa tháng 10 này, NVHLĐ dự định phối hợp với công đoàn các khu công nghiệp tổ chức một buổi giao lưu hoành tráng dành cho khoảng 500 công nhân. Người đến tham dự sẽ được nhận quà, có xe đưa rước...Dù chương trình đã lên kế hoạch, nhưng ban tổ chức vẫn còn đầy nỗi lo khi mùa mưa đang đến gần.

Bà Đàm Thị Thanh Xuân, Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Đà Nẵng cho biết: “Những chương trình trước chưa thu hút đông đảo công nhân bởi NVHLĐ khá xa các khu công nghiệp. Nhiều công nhân không có phương tiện cá nhân đi lại. Bên cạnh đó, áp lực tăng ca, tăng giờ làm khiến công nhân mệt mỏi nên không đủ sự hứng khởi để lặn lội đường dài tham dự các hoạt động vui chơi. Còn việc đề xuất doanh nghiệp cho người lao động nghỉ làm một buổi để có đủ thời gian…đi chơi thì khó quá”. Hơn nữa, theo bà Xuân, thu nhập của công nhân hiện còn thấp nên họ luôn đặt tính tiết kiệm lên hàng đầu thay vì dành một khoản lương để nộp tiền học cầu lông, khiêu vũ hoặc một loại hình nào khác.

“Chúng tôi đang tính đến hướng “mang” nhà văn hóa tới với công nhân, bằng cách lực lượng cán bộ sẽ xuống từng khu công nghiệp tổ chức hoạt động văn hóa tại chỗ để mọi người tiện tham gia”. Suy nghĩ của bà Tuyết Nhung như là một hướng mở đúng đắn gắn kết người lao động với hoạt động văn hóa. Hy vọng, thông qua các hoạt động nghệ thuật, văn hóa xã hội, thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, NVHLĐ sẽ góp phần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, trình độ thi đấu-biểu diễn và đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần cho CNVC-LĐ trên địa bàn thành phố.

Toàn Vân

Đọc thêm