"Có cơ hội, giá xăng sẽ giảm ngay"

 "Lạm phát từ đầu năm đến giờ đã kiểm soát rất tốt tuy nhiên mặt bằng giá vẫn còn khá cao, vẫn ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất. Vậy nên có cơ hội giảm giá được thì sẽ giảm ngay để chia sẻ cho sản xuất và tiêu dùng. Những ngày tới giá xăng vẫn có khả năng giảm tiếp", Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nói.

[links()] Chiều qua, ngay sau khi giá xăng vừa điều chỉnh giảm 600đồng/lít, bên hành lang kỳ họp, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã có cuộc trao đổi với báo giới. Ông cho biết:

Từ lần giảm giá trước là ngày 9/5 thì đến nay đã 15 ngày, trong khi theo quy định tăng hoặc giảm ít nhất cách nhau 10 ngày. Tăng giá thì phải tính giá cơ sở so với giá bán phải 30 ngày chứ không phải 30 ngày mới được điều chỉnh. Cá nhân tôi rất chia sẻ. Lạm phát từ đầu năm đến giờ đã kiểm soát rất tốt tuy nhiên mặt bằng giá vẫn còn khá cao, vẫn ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất. Vậy nên có cơ hội giảm giá được thì sẽ giảm ngay để chia sẻ cho sản xuất và tiêu dùng. Những ngày tới giá xăng vẫn có khả năng giảm tiếp.

Mức giảm 600 đồng mới đây dựa vào căn cứ nào?

Chúng tôi tính toán kỹ, từ ngày hôm nay và 23 ngày trở về trước trong chu kỳ 30 ngày, chênh lệch giá tổng số hơn 900 đồng/lít. Lần này liên Bộ đã bàn báo cáo Thủ tướng, với mặt hàng xăng RON 92 tăng 2% giá nhập khẩu (tức là hơn 300 đồng), 600 đồng còn lại dành để giảm giá, chia làm 3 phần, 2/3 giảm cho sản xuất tiêu dùng, còn 1/3 để tăng thuế.

Chênh lệch dầu diesel thấp hơn, chỉ hơn 600 đồng  nên quyết định chỉ tăng thuế 1% vì mặt hàng này còn liên quan đến sản xuất vì nhiều DN sản xuất, nhất là bà con đi biển phải tiêu dùng nên nhà nước chia sẻ nhiều hơn (nâng thuế từ 2-3%) và giảm 400đ/lít, giá dầu hỏa và ma zút giảm đồng loạt 300 đồng/lít. Việc giảm giá xăng được tính toán chi li cặn kẽ từng đồng.

Dư luận thường hay thắc mắc sao tăng nhiều giảm ít?

Hiện tượng này hoàn toàn có thật nhưng phải xem xét bản chất là gì. Nếu như khi giá thị trường tăng, chúng ta buộc phải tăng giá theo đúng tỷ lệ giữa giá cơ sở thì có thể giá tăng sẽ rất là cao. Cho nên khi tăng, để bảo đảm bình ổn giá không để ảnh hưởng quá lớn đến sản xuất tiêu dùng, thông thường Nhà nước phải hy sinh bằng cách giảm thuế xăng, nên cả một thời gian dài thuế  suất của các mặt hàng xăng dầu là 0%.

Khi tính toán giảm giá, phải tính đến biểu thuế, biểu thuế xăng là hơn 10% hiện  thuế mới có 4%, vẫn có sự chia sẻ của Nhà nước và suy cho cùng thuế này cũng quay trở lại để phục vụ các mục đích an sinh cho nhân dân. Nên tôi cam đoan, khi tăng giá thì ta chấp nhận đưa đủ hết yếu tố vào để tăng, khi giảm cũng giảm tương đối.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Bình An (ghi)

Đọc thêm