Có đoàn thanh tra, kiểm toán có biểu hiện rung dọa để chung chi tiền sai phạm?

(PLVN) - Đây là nhận định được đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) đưa ra tại phiên thảo luận của Quốc hội về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 sáng nay, 24/10.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) phát biểu trực tuyến tại phiên họp.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) phát biểu trực tuyến tại phiên họp.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) cho rằng, trong thời gian qua, cử tri và Nhân dân rất tin tưởng và đồng tình ủng hộ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là việc xử lý một số tướng trong quân đội, công an vi phạm pháp luật, minh chứng cho sự quyết tâm của Đảng ta là không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Tuy nhiên, việc làm tốt công tác phòng, chống từ cơ quan, lực lượng chuyên trách đấu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng là rất cần thiết, tạo niềm tin tưởng đối với lực lượng này.

“Dư luận và nhân dân rất băn khoăn trên thực tế trong thời gian qua có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có biểu hiện nhũng nhiễu, rung dọa để chung chi tiền sai phạm, việc này rất khó phát hiện. Các đối tượng được thanh tra, kiểm tra không dám tố cáo vì sợ ảnh hưởng đến địa phương, đơn vị và sợ bị trù dập”, đại biểu nói.

Để rõ hơn nội dung này, đại biểu đề nghị Chính phủ cần bổ sung trong báo cáo đánh giá kỹ hơn về các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng đối với cơ quan, lực lượng làm công tác phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, đại biểu Khánh cho rằng, cần quy định cụ thể về việc minh bạch một số hoạt động của một số cơ quan trong công tác phòng, chống tham nhũng, sai phạm.

Theo đại biểu này, trên thực tế nhiều cơ quan thực hiện các biện pháp nghiệp vụ điều tra cơ bản, kiểm tra sai phạm kinh tế, nhưng việc công khai, minh bạch thông tin còn rất hạn chế.

"Tôi ví dụ như việc thực hiện nghiệp vụ điều tra cơ bản của lực lượng công an, hàng năm thực hiện rất nhiều cuộc, nhiều đơn vị xử lý kinh tế rất lớn, nhưng việc công khai kết quả xử lý còn rất hạn chế, vì theo quy định các chương trình kế hoạch đều là tài liệu mật, Nhân dân không giám sát được, đại biểu nói.

Thời gian tới, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, cần có quy định về giám sát của các cơ quan dân cử giữa Quốc hội và Hội đồng nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng của các cơ quan nêu trên, trừ những nội dung thuộc bí mật quốc gia hoặc trong giai đoạn khởi tố, điều tra.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đánh giá công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát được thường xuyên, xử lý sai phạm rất cương quyết, không vùng cấm. Tham nhũng, lãng phí từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, tạo niềm tin tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần làm lành mạnh, trong sạch bộ máy nhà nước.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng tình trạng tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, cho doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công, những nơi nhạy cảm trên các lĩnh vực dễ tiếp cận tham nhũng chưa được ngăn chặn có hiệu quả, đặc biệt là trong lực lượng vũ trang, ngành y, các cơ quan bảo vệ pháp luật…

đạiĐại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu tại phiên họp.

“Người dân nghĩ rằng nơi đây là an toàn, liêm khiết, trong sạch nhất nhưng lại có một bộ phận không nhỏ tham nhũng rất nghiêm trọng đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, gây bức xúc trong nhân dân, giảm lòng tin với những người mà mình tin tưởng nhất. Lợi ích nhóm, sân sau vẫn còn tồn tại trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, mua tài sản công”, đại biểu nói.

Từ nhận định trên, đại biểu đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho công chức, viên chức, người lao động để ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, không dám, không muốn, không ham. Tiếp tục với tinh thần tiến công trong công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát trên các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, nhất là thời gian gần đây quan tâm của dư luận nhiều về mua sắm trang thiết bị y tế, gói hỗ trợ an sinh xã hội, các khoản đóng góp của nhân dân trong hoạt động từ thiện.

“Cán bộ thanh tra, kiểm toán phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi công vụ, không vì áp lực hoặc nhiều lý do khác nhau mà bỏ qua sai sót nghiêm trọng của các tổ chức, cá nhân sai phạm, nếu vi phạm phải xử lý nghiêm để răn đe. Phát huy vai trò đầu tàu, gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan, đơn vị cũng như phát hiện của quần chúng nhân dân, phương tiện truyền thông, cung cấp cho cơ quan chức năng xử lý sai phạm”, đại biểu nói.

Đọc thêm