Cô gái bị mất 2/3 hàm và vụ án rắc rối tầm quốc tế

(PLO) - Cách đây 3 năm, cả thế giới bàng hoàng về kết cục đẫm máu của vụ khủng hoảng con tin xảy ra tại Manila, Philippines. Việc thương thảo để giải quyết đền bù kéo dài trong sự chờ đợi của các nạn nhân. Vài diễn biến mới đây  hứa hẹn những vướng mắc sẽ được giải quyết để vụ khủng hoảng con tin Manila thôi ám ảnh hai phía.
Yik Siu-ling, nạn nhân bị bắn bay mất 2/3 hàm
Yik Siu-ling, nạn nhân bị bắn bay mất 2/3 hàm
Cựu cảnh sát phạm tội tày đình
Vụ khủng khoảng con tin xảy ra ngày 23/8/2010 tại Manila. Một sĩ quan cảnh sát quốc gia Philippines bị kỷ luật sa thải khỏi ngành đã bắt giữ 20 khách du lịch đến từ Hong Kong làm con tin để đòi được phục hồi chức vụ.  Kết cục của vụ bắt cóc là 8 khách du lịch bị bắn chết và 7 du khách khác bị thương.
Thủ phạm là Rolando Mendoza, một  sĩ quan của lực lượng cảnh sát quốc gia Philippines, rất có năng lực, từng được khen thưởng vì có công cùng đồng đội bắt giữ và nộp cho chính phủ 13 thùng chứa đầy bạc mà cựu Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos định tẩu tán ra nước ngoài. Năm 2009, Mendoza bị sa thảivì bị tố bắt giữ hành hạ người để tống tiền, mọi phúc lợi đều mất.
Con tin là 20 khách du lịch ngồi trên xe bus mang bảng hiệu công ty du lịch Hong Thai của Hong Kong. Trên xe bus còn có 1 trưởng đoàn người Hong Kong và 4 người Philippines làm tài xế, chụp ảnh và hướng dẫn viên tại chỗ. Ngày 23/8 là ngày cuối cùng của chuyến du lịch của đoàn khách Hong Kong. Theo chương trình, sáng 23/8 khách được đưa đi tham quan pháo đài Santiago rồi trở về khách sạn, sau đó đi mua sắm cho tới lúc ra phi trường đáp chuyến bay tối về Hong Kong.
Xe bus chở khách du lịch Hong Kong bị bắt làm con tin
Xe bus chở khách du lịch Hong Kong bị bắt làm con tin 
Tham quan pháo đài Santiago xong, khách lên xe bus. Hung thủ Mendoza đã có mặt tại cổng pháo đài trước đó, mặc đồng  phục cảnh sát, đeo súng lục, dao găm, tay cầm súng dài. Hắn lên xe bus theo, dùng súng uy hiếp, buộc tài xế chạy đến công viên Rizal vào khoảng 9h50’ và dừng lại ở đó. Mendoza bảo khách dùng điện thoại di động báo khắp nơi về chuyện bắt cóc.
Lãnh đạo thành phố Manila, lãnh đạo cảnh sát đến nơi đàm phán. Mendoza đòi chính thức được phục hồi chức vụ cũ với đầy đủ quyền lợi và “xét xử công bằng” vụ kỷ luật anh ta. Phía chính quyền chỉ chấp nhận xem lại việc xử kỷ luật Mendoza. Diễn tiến của cuộc đàm phán, hoạt  động bên trong xe bus và hành động của phía chính quyền được truyền hình trực tiếp. 
Qua máy truyền hình trên xe bus, Mendoza có thể theo dõi thông tin. Sau nhiều giờ đồng hồ thương lượng không có kết quả, lại bị kích động khi nhìn thấy hình ảnh  người em trai, cũng là một cảnh sát viên, bị bắt đưa đi vì bị cho là đồng lõa với người anh, khoảng 19h20, Mendoza bắt đầu bắn con tin. Sau đó cảnh sát tấn công vào xe bus. Mendoza bị bắn chết vào lúc 20h41. Vụ khủng hoảng con tin kéo dài 11 giờ.  
Co kéo một lời xin lỗi
Sau khi xảy ra sự việc, Đặc khu trưởng Hong Kong Leung Chun - Ying yêu cầu Chính phủ Philippines đáp ứng 4 điều: Lời xin lỗi chính thức từ phía Manila; bồi thường cho nạn nhân; phạt những viên chức đã sai sót trong việc  giải quyết vụ khủng hoảng con tin; và tăng cường an ninh cho du khách. 
Trong bốn yêu cầu đó, “căng” nhất là chuyện đòi Tổng thống Philippines chính thức xin lỗi. Phía Hong Kong cho rằng quá trình thực hiện giải cứu con tin có nhiều sai sót nên dẫn tới kết quả bi thảm. Phía Philippines nhấn mạnh đó là tội ác của một người, cụ thể là của cựu sĩ quan cảnh sát bị sa thải  nên Tổng thống không thể nhân danh một nước để xin lỗi. 
Bất đồng khó gỡ thứ hai  là tiền bồi thường cho nạn nhân. Philippines đồng ý bồi thường nhưng số tiền cụ thể là bao nhiêu, đại diện hai phía bàn mãi mà không thỏa thuận được.
Trong cuộc gặp gỡ giữa đại diện hai bên vào vào cuối tháng 10/2013, phía Philippines đề nghị một giải pháp dung hòa. Về chuyện xin lỗi, Hội đồng thành phố Manila đã thông qua một nghị quyết để Thị trưởng Manila và cũng là cựu Tổng thống Philippines Joseph Estrada thăm Hong Kong và nói lời xin lỗi chính thức tới nạn nhân bị thương và gia đình của nạn nhân đã chết. Bên được xin lỗi không chấp nhận, đòi chính đương kim Tổng thống Beninho Aquino III chính thức xin lỗi. 
Chính quyền thành phố Manila đồng ý tăng bồi thường cho mỗi gia đình nạn nhân đã chết 75.000 USD và mỗi nạn nhân bị thương từ 20.000 USD - 150.000 USD. Dù có tăng nhưng đối tượng được đền bù cũng không hài lòng. Luật sư đại diện của phía nạn nhân nói rằng khoảng cách giữa hai bên còn lớn.
Cuộc gặp gỡ không có kết quả, Trưởng Đặc khu Hong Kong vào đầu tháng 11/2013  dọa cấm vận kinh tế Philippines . Ông nói: “Tôi tuyên bố rằng trừ phi chúng ta đạt tiến bộ thực sự trong vòng một tháng, chính quyền Hong Kong sẽ có hành động cấm vận cần thiết”. 
Mềm dẻo hơn để tránh bế tắc 
Tuyên bố của Trưởng Đặc khu Hong Kong chắc chắn đã khiến Philippines cân nhắc những thiệt hại kinh tế nếu bị Hong Kong cấm vận. Hong  Kong và Philippines có những mối quan hệ kinh tế ràng buộc bền chặt. Cho dù Trưởng Đặc khu Hong Kong không nói cụ thể cấm vận kinh tế thế nào nhưng Philippines có thể dự đoán những tình huống sau: 
Hong Kong không cho phép người Philippines được miễn visa vào Hong Kong; Hong Kong ngưng cho phép người Philippines sang Hong Kong làm việc (có khoảng hơn 100.000 người Philippines giúp việc nhà tại Hong Kong); Khách du  lịch Hong Kong sẽ không sang Philippines. Nếu xảy ra những điều trên, kinh tế Philippines bị ảnh hưởng và công dân Philippines làm việc ở Hong Kong bị thiệt thòi.
Chưa đầy một tháng sau, vào ngày 18/11/2013, chính quyền Hong Kong và Philippines ra tuyên bố chung về cuộc gặp cấp bộ trưởng lần thứ hai. Tuyên bố này nói tới việc giúp đỡ tài chính cho chị Yik Siu-ling, một nạn nhân của vụ khủng hoảng con tin, giải phẫu ở Đài Loan vào tháng tới. 
Số tiền giúp đỡ chị Yik không được nói rõ bao nhiêu, chỉ được biết  do một số nhà kinh doanh Philippines quyên tặng số tiền này như  một cách “biểu lộ sự quan tâm mang tính nhân đạo đối với hoàn cảnh khốn khổ của nạn nhân và gia đình của họ”. 
Chị Yik bị bắn trúng mặt, bay  mất  2/3 hàm. Trưởng Đặc khu Hong Kong đã trao đổi với Tổng thống Philippines về trường hợp chị Yik bên lề hội nghị thượng đỉnh Apec ở Bali, Indonesia vào tháng 11/2013. 
Sau khi gặp nạn, mặt của chị trở nên  xấu xí, đáng sợ, nước miếng và mủ liên tục chảy ra từ lỗ hổng nơi phần hàm đã mất, phải mang khăn che mặt suốt cả ngày. 
Chị đã  trải qua 30 lần giải phẫu tái tạo hàm nhưng chưa xong. Chị mong muốn gương mặt trở lại bình thường để cho đứa con trai 5 tuổi nhìn thấy mặt  mẹ không bị khăn che. 
Đứa con trai là động lực cho chị Yik tiếp tục sống dù cuộc sống đau khổ quá mức chịu đựng. Với bộ mặt bị biến dạng, sức khỏe giảm sút, chị Yik  không thể làm việc, chỉ  sống  nhờ vào số tiền công ty bảo hiểm đền bù, trong khi các cuộc giải phẫu tốn rất nhiều tiền. 
Phía Hong Kong hài lòng với việc chị Yik được tiền bồi thường, Trưởng đặc khu Hong Kong cho rằng đó là “cơ sở tốt cho các cuộc đàm phán tiếp tục”.