|
Tranh thủ sự "hưng phấn" của thị trường, nhiều cổ đông lớn đã tích cực đăng ký "lướt sóng" cổ phiếu thông qua hình thức đăng ký mua, bán cùng một loại cổ phiếu.
CTCP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Sài Gòn (PSC) vừa thông báo giao dịch cổ phiếu của cổ đông lớn. Cụ thể, CTCP Chứng khoán Hà Thành đăng ký mua 500.000 cổ phiếu đồng thời bán 500.000 cổ phiếu PSC từ ngày 12/12/2010 đến ngày 12/1/2011. Hiện tại, Chứng khoán Hà Thành đang nắm giữ 403.400 cổ phiếu PSC. Nếu giao dịch thành công với mục đích cơ cấu lại danh mục đầu tư, thì Chứng khoán Hà Thành sẽ vẫn nắm giữ 8,4% cổ phiếu PSC.
Từ ngày 8/12/2010 đến 6/2/2011, CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đăng ký mua và bán 300.000 cổ phiếu PHC của CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings. Nếu giao dịch thành công, SHS vẫn sẽ nắm giữ 837.014 cổ phiếu PHC. Asiavantage Global Limited - cổ đông lớn của CTCP Tập đoàn Hapaco (HAP) đăng ký mua và bán cùng số lượng 1 triệu cổ phiếu này từ ngày 8/12/2010…
Trước đó, ông Lâm Quang Vinh, cổ đông lớn của GMC, đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu GMC và đăng ký bán cùng số lượng trên từ ngày 24/11/2010 đến 22/1/2011, giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Dự kiến, sau giao dịch, ông Vinh vẫn nắm giữ 606.414 cổ phiếu GMC. Trước đó, ngày 17/9/2010, ông Vinh đã mua 246.054 cổ phiếu GMC, nâng tổng số lượng sở hữu lên 606.414 cổ phiếu, chiếm 6,837% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn của GMC.
Trên thực tế, khi thị trường có xu hướng đi xuống, nhiều cổ đông lớn đã chọn phương án bán mạnh lượng cổ phiếu đang sở hữu và sau đó mua lại với giá thấp hơn. Ngược lại, khi thị trường tăng, các cổ đông bán số cổ phiếu đã mua giá thấp để giảm bớt giá vốn của các khoản đầu tư.
Dĩ nhiên, việc kiếm lợi nhuận từ TTCK là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây là đối với các cổ đông lớn, thường là các đối tượng có khả năng tiếp cận với thông tin của DN sớm nhất, thì việc "lướt" như vậy khiến thị trường đặt nhiều câu hỏi.
Ông Phạm Kinh Luân, chuyên gia chứng khoán cho rằng, khi một DN có nhiều cổ đông "lướt sóng" theo kiểu đăng ký vừa mua, bán cùng một cổ phiếu thì cũng đồng nghĩa với việc cổ đông này sẽ không còn gắn bó lâu dài với DN, điều này NĐT phải tự nhìn thấy để có những quyết định đầu tư phù hợp.
Cũng theo ông Luân, việc đăng ký mua bán của cổ đông tại từng thời điểm là nhu cầu chính đáng trong việc làm sinh lời đồng vốn, tuy nhiên, cần phải có quy định cụ thể về việc phải công bố thông tin định kỳ đầy đủ để các NĐT nhỏ lẻ có thể nắm bắt sát tình hình.
Trên thực tế, có rất nhiều cổ đông đăng ký lướt sóng trong vòng 3 tháng hoặc lâu hơn. Điều này rất khó kiểm soát, bởi TTCK luôn biến động. Do vậy, trong khoảng thời gian dài như vậy, rất khó để biết các cổ đông thực hiện mua, bán đến đâu….
Trao đổi với ĐTCK, giám đốc một CTCK cho biết, việc đăng ký vừa mua, bán một loại cổ phiếu trong cùng một khoảng thời gian diễn ra rất phổ biến và thực tế rất nhập nhèm. Đây có thể coi là một trong những hình thức trục lợi thông tin trên TTCK, bởi các cổ đông lớn là những người nắm rõ nhất thông tin về DN.
Không chỉ các cổ đông lớn, thời gian qua, nhiều cổ đông là lãnh đạo DN cũng tranh thủ thị trường ấm lại để bán cổ phiếu. Ông Phan Phương Nguyên, Phó tổng giám đốc CTCP Nhân lực và Thương mại Vinaconex (VCM) đã đăng ký mua 100.000 CP và bán 54.600 CP từ ngày 22/12/2010 đến ngày 21/2/2011 với mục đích cơ cấu lại danh mục đầu tư. Trước đó, phó tổng giám đốc một DN vừa niêm yết chưa đầy 10 ngày đăng ký mua 300.000 cổ phiếu, đồng thời bán 100.000 cổ phiếu trong vòng có 2 tháng.
Có thể nói, việc lướt sóng của các cổ đông lớn ngày càng phổ biến hơn. Dư luận có quyền đặt câu hỏi có hay không việc tạo sóng để lướt.
Bởi với chỉ vỏn vẹn công bố thông tin là đăng ký mua và bán cùng một cổ phiếu thì khó mà kiểm soát được rằng, những cổ đông này liệu có thực hiện chiến lược bán cao, mua thấp trong suốt thời điểm các cổ đông đăng ký hay không? Hiện những động thái này sẽ tác động không nhỏ đến diễn biến của thị trường, người thiệt hại lại chính là các NĐT nhỏ, lẻ.
Chỉ chừng nào cơ quan quản lý có các quy định rõ ràng, cụ thể, chi tiết thông tin giao dịch tại từng thời điểm mà các cổ đông thực hiện mua, bán (có thể theo ngày, tuần) thì mới tránh được tình trạng các cổ đông lớn "gây hỏa mù" với thị trường và các NĐT nhỏ bằng việc đăng ký vừa mua bán cùng một loại cổ phiếu.
Theo Hoàng Anh
ĐTCK