Cơ hội lớn của tổ chức nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chỉ vài ngày sau khi can thiệp quân sự vào Kazakhstan, lực lượng quân đội chung của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) đã bắt đầu triệt thoái ra khỏi đất nước này. Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá hoạt động quân sự này của tổ chức rất thành công khi giúp chính quyền Kazakhstan mau chóng vãn hồi an ninh và ổn định chính trị xã hội.
Lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO trong một cuộc tập trận ở Nga năm 2021.
Lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO trong một cuộc tập trận ở Nga năm 2021.

Can thiệp quân sự rất nhanh vào Kazakhstan và rút binh lính rất chóng ra khỏi đất nước này là nước cờ chiến lược cũng như sách lược rất cao và rất thức thời của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể.

Đây hiện chỉ là một liên minh quân sự nhỏ với vai trò trụ cột đương nhiên thuộc về Nga. 5 thành viên khác là Belarus, Armenia, Kyrgyzstan, Tajikistan và Kazakhstan. Tổ chức này chính thức ra đời năm 2002 từ tiền thân là Hiệp ước an ninh tập thể được ký kết năm 1992. Nó được nhìn nhận là một dạng “NATO nhỏ ở phương Đông”. Gruzia và Uzbekistan từng là thành viên của tổ chức nhưng rồi ra khỏi tổ chức.

Tồn tại được đã gần 20 năm nhưng tổ chức này gần như chưa có hoạt động đáng kể nào, tức là gần như chỉ hiện diện trên danh nghĩa. Năm ngoái, giữa Armenia và Azerbaijan xảy ra chiến tranh khốc liệt và Armenia có kêu gọi tổ chức này ra tay trợ cứu nhưng tổ chức không hành động gì. Hay như khi Belarus hỗn loạn trong làn sóng biểu tình phản đối chính phủ và phương Tây công khai hậu thuẫn làn sóng này, tổ chức cũng không xuất đầu lộ diện để trợ giúp Belarus bình ổn tình hình chính trị an ninh và ổn định xã hội.

Vì thế, Kazakhstan trở thành nơi lần đầu tiên hiện diện thực thi sứ mệnh và tôn chỉ mục đích của nó là giúp thành viên vãn hồi, duy trì và củng cố an ninh và ổn định chính trị xã hội nội bộ. Chiến dịch can thiệp quân sự này cũng bởi vậy có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tổ chức nói chung và đối với nước Nga nói riêng.

Hoạt động can thiệp quân sự của tổ chức khi được thành viên yêu cầu giúp nước Nga giảm thiểu rất đáng kể mức độ khó khăn và khó xử trong việc duy trì môi trường hòa bình và ổn định ở khu vực láng giềng xung quanh, giúp Nga có thể ngay từ đầu vô hiệu hóa những cáo buộc và hoài nghi là Nga mượn danh nghĩa của tổ chức để tiến hành can thiệp quân sự vào diễn biến tình hình chính trị an ninh và ổn định xã hội ở quốc gia thành viên nào đấy của tổ chức. Điều này có thể thấy được rõ ở chỗ Mỹ và phương Tây, NATO và EU đều không thể phê phán Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể hay Nga khi tổ chức này tiến hành can thiệp quân sự vào Kazakhstan.

Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể đã tận dụng cơ hội lớn hiện tại để xác lập vai trò chính trị an ninh ở khu vực. Việc tổ chức nhanh chóng triệt thoái quân đội ra khỏi Kazakhstan rất có lợi cho tổ chức vì vừa giúp tổ chức tránh khỏi bị sa lầy về chính trị quân sự và an ninh ở Kazakhstan lại vừa giúp chính phủ Kazakhstan được việc mà không bị khó xử về đối nội cũng như đối ngoại.

Đọc thêm