Cơ hội và giá trị mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -
ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, mục tiêu quy hoạch.
ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, mục tiêu quy hoạch.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Điều này mang lại niềm tin, không chỉ đối với nhân dân các tỉnh trong khu vực.

ĐBSCL có vị trí đặc biệt quan trọng đối với cả nước. Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện Nghị quyết này, kinh tế khu vực ĐBSCL có sự kết nối vùng chặt chẽ hơn, từ Trung ương đến địa phương và với các vùng kinh tế trọng điểm khác của cả nước. Bước đầu ĐBSCL đã phát triển với diện mạo mới.

Tuy nhiên, ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức: Tốc độ sạt lở bờ biển, bờ sông, cửa biển, cửa sông trong 3 năm qua diễn biến phức tạp, khó lường; chưa có doanh nghiệp đủ lớn, dự án tầm cỡ đầu tư; nhiều khu vực dân cư ở vùng sâu, vùng xa còn quá khó khăn, thiếu ngay cả nước ngọt...

Hiện nay, nhiều vấn đề đang đặt ra. Trước hết là Quy hoạch vùng ĐBSCL. Điều các tỉnh trong vùng quan tâm là quy hoạch phải thể hiện tư tưởng đổi mới, tiếp cận cả hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái xã hội nhân văn trên cơ sở tôn trọng tự nhiên với tinh thần thuận thiên và khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của vùng.

ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, mục tiêu quy hoạch. Trong nhiều nguyên nhân, có chuyện cách thức tổ chức phát triển kinh tế chưa đặt các địa phương và các vùng miền vào thế buộc phải tăng cường liên kết. Các tỉnh hay các địa phương đều lấy việc thi đua tốc độ tăng trưởng kinh tế là mục tiêu chính, mà không mặn mà nhìn mục tiêu chung, tổng thể nên không chú trọng phát triển liên kết. Tư duy kinh tế địa phương vẫn nặng về “tăng trưởng GDP” trong các báo cáo theo nhiệm kỳ Đại hội, dẫn đến “hội chứng” chuyển dịch cơ cấu như nhau.

Để biến “chương trình hành động” thực sự trở thành hành động, tạo ra chuyển biến thực sự; ngoài quy hoạch, điều cần nói là trước hết phải hoàn thiện thể chế phát triển, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Vì vậy mà trong Chương trình hành động lần này, Chính phủ lưu ý về cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, nhiệm vụ, dự án có quy mô vùng, có tính chất liên kết vùng và phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Không phải cứ có “chương trình hành động” là thành thực tiễn ngay, mà phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội đồng thuận, người dân trở thành chủ thể đích thực của chương trình. ĐBSCL được gọi là vùng đất “chín Rồng”, phải liên kết mới cùng “bay lên”.

Đọc thêm