Ngôi nhà sàn ở khu phố M’Lọn. |
Chủ nhân ngôi nhà là ông Yayu Sahao, một trí thức chức sắc người K’ho nay con gái là Roda Nai Linh thừa kế. Ngôi nhà sàn tồn tại đã là điều đáng quý song bước chân lên nhà, khách càng bất ngờ hơn khi diện kiến rất nhiều cổ vật lưu giữ văn hóa, phong tục tập quán canh tác và đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Chị Roda Nai Linh cũng là Phó Ban Mặt trận khu phố M’Lọn cho biết: Trước trong ngôi nhà sưu tầm, giữ gìn được nhiều cồng, chiêng, chóe, vật dụng quý của đồng bào bản địa Tây Nguyên. Gia đình có 5 anh em nên khi dựng vợ, gả chồng gia chủ chia đều cho các con. Phần của chị được chia cũng khá nhiều nhưng những năm sau 1975 do kinh tế khó khăn nên đã phải bán bớt một số bảo vật. Bán thứ nào cũng tiếc đứt ruột. Không thể nhìn báu vật văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa từng gắn bó với đời sống dòng họ thất tán, nên chị quyết tâm lưu giữ bằng được dù đời sống kinh tế còn khó khăn. Hiện trong nhà lưu giữ những vật dụng bà cố Roda Nai Linh ngày xưa dùng như chiếc nơm tre dùng để bắt mối và nhiều chóe rượu cần cổ có giá trị ngang mấy con trâu.
Những cổ vật lưu giữ văn hóa, phong tục tập quán canh tác và đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. |
Nơm tre dùng để bắt mối. |
Và đáng lưu ý là gia đình chị Roda Nai Linh vẫn giữ được một chiếc trống lớn bọc da nai. Trống tuy đã bị vết thủng chừng bàn tay song đánh vẫn vang, đồng bào thường vẫn đến mượn về đánh trong những ngày lễ hội. Gia đình chị Rodan Nai Linh cũng còn có một số người con đang công tác tại Đoàn ca múa nhạc Lâm Đồng, là kỹ sư và giáo viên do vậy cả nhà càng quyết tâm lưu giữ, bảo tồn bảo vật xưa cũ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Nguyễn Thanh