Trong những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu tài chính, ngân hàng đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc trở lại, không chỉ về giá mà cả về tính thanh khoản. Cho dù mức giá vẫn còn lên xuống theo xu hướng chung của thị trường, nhưng có thể nói, cổ phiếu tài chính ngân hàng đang tìm lại vị trí của mình.
|
Nhà đầu tư đặt lệnh giao dịch tại sàn chứng khoán ACBS Ảnh: Linh Nga |
Thanh khoản tăng vọt, giao dịch sôi động
Sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng được nhìn thấy rõ hơn từ trung tuần tháng 12, mang lại sự kỳ vọng cho nhà đầu tư. Một loạt cổ phiếu ngành ngân hàng tăng trần như EIB, CTG và sát trần như VCB, STB. Đáng chú ý nhất là các mã thuộc nhóm ngân hàng đều “cháy hàng”, bên bán trống trơn khi phiên giao dịch đóng cửa. STB có phiên xuất hiện lượng giao dịch khủng là 14.871.010 CP và còn dư mua trần gần 1.800.000 đơn vị. CTG cũng có lượng giao dịch lớn 11.34.050 đơn vị, EIB với 7.441.170 đơn vị. Trên sàn HNX, HBB giao dịch kỷ lục 16 triệu CP, cuối phiên vẫn dư mua trần gần 400.000 đơn vị; ACB tăng 1.600 đồng với khối lượng giao dịch 3 triệu CP; SHB giao dịch 5 triệu CP...
Các mã cổ phiếu tài chính như SSI, KLS… cũng có những phiên tăng giá ngoạn mục với khối lượng giao dịch khủng. Cho dù gần đây, nhóm cổ phiếu này bị xuống giá, khối lượng giao dịch giảm sút nhưng những tín hiệu trên cho thấy một thời kỳ phục hồi của thị trường chứng khoán đang hé lộ bởi nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng bao giờ cũng được đánh giá là nhóm “nhạy cảm” nhất.
Thực ra, nhiều người cho rằng, sở dĩ cổ phiếu ngân hàng lên ngôi là do thông tin Chính phủ cho giãn thời gian tăng vốn điều lệ lên 3000 tỷ đồng thêm 1 năm. Nhiều ngân hàng chưa đủ điều kiện đã có thời gian rộng dài hơn để củng cố hoạt động và tăng trưởng. Thế nhưng, nguyên nhân sâu xa vẫn là mức giá của nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng một thời gian dài được giao dịch chung quanh mức 1x. Đây là một mức giá cực kỳ hấp dẫn mà thời kỳ hoàng kim, có nằm mơ cũng không bao giờ dám. Bởi vậy, dòng tiền đổ vào chứng khoán thời gian gần đây đã không bỏ qua cơ hội này và tích cực giải ngân. Về lâu dài, cổ phiếu tài chính ngân hàng vẫn là một trong những nhóm cổ phiếu hấp dẫn nhất, đáng để đầu tư.
Cần sự chọn lọc
Mặc dù nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng nói chung đang tìm lại vị trí của mình nhưng không phải tất cả các mã đều được như vậy. Vấn đề của nhà đầu tư hiện nay là cần có sự chọn lọc.
Theo dõi trên thị trường, cho dù nhóm cổ phiếu này vẫn có đà bứt phá nhưng nhìn chung, cung vẫn lớn hơn cầu rất nhiều. Vì vậy, trong những phiên xả hàng, cổ phiếu tài chính, ngân hàng cũng có sự phân hóa khá rõ nét. CTG, VCB, SSI, KLS… có vẻ vẫn là những cổ phiếu cho dù bị xả hàng cũng giữ được vị trí của mình khi thoát hiểm khá ngoạn mục vào cuối phiên. Còn lại, nhiều cổ phiếu khác cho dù lúc giá lên, lượng mua khá mạnh thì khi xả hàng cũng lao dốc nhanh không kém. Điều đó cho thấy, ngay cả trong cùng một nhóm ngành hàng, sự lên xuống của các mã rất khác nhau.
Lý giải nguyên nhân, nhiều người cho rằng, cổ phiếu tài chính ngân hàng là nhóm cổ phiếu khá nhạy cảm nên tâm lý của nhà đầu tư có ảnh hưởng rất lớn. Thông thường, nhà đầu tư thường nhìn vào mức độ tín nhiệm, độ an toàn của các tổ chức này. Ngoại trừ việc lướt sóng, nếu có ý định đầu tư lâu dài, nhiều nhà đầu tư vẫn nghiêng về CTG, VCB hoặc ACB, SSI hơn.
Thêm vào đó, động thái mua, bán của khối ngoại cũng được nhà đầu tư trong nước tham khảo. Cụ thể, trong năm 2010, mã chứng khoán được khối ngoại mua vào nhiều nhất là CTG, VCB, SSI…
Năm 2011, lãi suất, tỷ giá, áp lực tăng vốn và chủ yếu là hoạt động tín dụng của các ngân hàng tiếp tục là tâm điểm chú ý đối với nhà đầu tư. Và sự chọn lựa cổ phiếu đầu tư cũng phụ thuộc vào những yếu tố này. Nếu tổ chức nào ít phải chịu áp lực hơn, nguồn vốn lớn hơn và cơ bản là hoạt động chắc chắn, ổn định sẽ vẫn giữ vị trí quan trọng trong danh mục đầu tư. Còn cổ phiếu chứng khoán phần nhiều phụ thuộc vào thị trường. Nếu thị trường khởi sắc đi lên thì mức tăng trưởng của cổ phiếu chứng khoán cũng khả quan.
Thanh Hiệp