|
Giá thép thế giới giảm nhẹ sau khi tăng khoảng 20% trong tháng trước đã ảnh hưởng ngay đến giá thép trong nước khiến giá thép xây dựng giảm trở lại.
Những thông tin này khiến sóng cổ phiếu thép vừa đi lên đã khựng lại, dù giá một số cổ phiếu còn tương đương mức P/E thấp. Diễn biến khó lường của giá thép cho thấy, đầu tư cổ phiếu ngành này, các NĐT cần có hiểu biết sâu hơn về từng DN.
Thời điểm tháng 3 năm nay, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) còn tồn kho 218.000 tấn thép cán nguội với giá vốn là 641 USD/tấn, tương đương 580 USD/tấn cán nóng - thấp hơn so với mức giá bình quân thép cán nóng nhập khẩu hiện tại là 760 USD/tấn. Với thị phần lớn, thương hiệu tốt và lợi thế giá vốn thấp, mỗi tháng HSG lãi ròng 40 - 50 tỷ đồng.
Kế hoạch lợi nhuận xây dựng là 520 tỷ đồng, một con số lớn nhưng không phải là không có cơ sở thực hiện tại thời điểm đó. Nhưng rồi cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp và nguy cơ có một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới kép nổ ra khiến giá thép giảm mạnh, Hoa Sen phải đẩy mạnh bán hàng ra nhằm tránh thua lỗ dự trữ hàng tồn kho giá cao như bài học của khủng hoảng kinh tế lần trước.
Như vậy, việc đầu cơ nguyên liệu của HSG lần này đã không thành. Đến ngày 14/9, HSG chỉ còn tồn kho gần 60.000 tấn nguyên liệu và thành phẩm, tương đương 2,5 tháng bán hàng với sản lượng bình quân 25.000 tấn/tháng. Lãnh đạo HSG cho biết, sẽ giữ định mức hàng tồn kho ở mức bình thường để đảm bảo không gặp rủi ro do biến động giá nguyên liệu.
Lợi nhuận thu về không cao như dự kiến, HSG phải xây dựng phương án phát hành trái phiếu để thu hút vốn đầu tư Nhà máy Phú Mỹ.
Hàng năm, giá thép nguyên liệu trên thế giới đều có những biến động và DN thép trong nước nương theo sóng giá thép này để gia tăng lợi nhuận bằng việc đầu cơ thép nguyên liệu. Nhưng tình hình kinh tế diễn biến ngày càng phức tạp trong một năm qua khiến nhiều DN không còn dám mạnh tay đầu cơ như trước.
Ở thị trường trong nước, theo thông lệ, nhu cầu tiêu thụ thép bắt đầu tăng lên từ tháng 9. Nhưng theo Hiệp hội Thép, tháng 9 năm nay mức tiêu thụ thép lại giảm so với tháng 8.
Lý do là trong tháng 8, các đại lý sợ thép tăng giá đã mua hơi nhiều để dự trữ trong khi nhu cầu thực trên thị trường chưa tăng, giá thép thế giới lại giảm nên các đại lý phải ngừng nhập thêm hàng để đẩy bán ra.
“Giá thép bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Thông tin thế giới dự báo giá thép sẽ tăng lại vào các tháng cuối năm do vào mùa xây dựng, nhưng không vì thế mà chúng tôi nhập thêm hàng. Chẳng biết điều gì xảy ra. Giá thép lên thì lời thêm một chút, nhưng khi giá thép xuống lại phải đẩy ra. Giá thép trong nước bây giờ biến động sát giá thế giới vì có đến 30 nhà sản xuất cạnh tranh với nhau. Chắc ăn nhất là kiếm lời từ sản xuất”, ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Pomina bình luận về diễn biến khó lường của giá thép.
Cạnh tranh của các công ty thép hiện nay là cạnh tranh về công nghệ, quy mô sản xuất và quản lý chi phí. Điều này đòi hỏi NĐT cần hiểu chi tiết đặc thù từng DN để đánh giá cơ hội và rủi ro đối với từng cổ phiếu thép.
Ông Thái tin rằng, công nghệ tạo ra sản phẩm chất lượng ổn định với giá thành rẻ hơn là yếu tố cạnh tranh. Nhà máy thép công suất 1 triệu tấn/năm mà Pomina đang đầu tư tại Vũng Tàu, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2011, là nhà máy duy nhất có chỉ số tiêu hao điện là 400 KW/tấn. Cách đây 15 năm, một nhà máy có công suất 1 triệu tấn ở Đài Loan phải sử dụng 4.600 lao động thì nhà máy của Pomina với công nghệ tiên tiến chỉ sử dụng 1.500 lao động.
Năng lực sản xuất thép trong nước hiện nay là 8 triệu tấn/năm, cao hơn nhu cầu sử dụng 5 triệu tấn/năm. Vì thế, DN ngành thép trong nước sớm hay muộn phải cạnh tranh trực tiếp với thép trong khu vực. Những nhà máy thép lạc hậu về công nghệ, quy mô nhỏ phải chấp nhận đóng cửa.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) trong một năm qua đã vươn lên đứng thứ 3 về thị phần thép, chiếm ưu thế cạnh tranh trên thị trường nhờ công nghệ sản xuất khép kín từ luyện phôi từ gang đến cán.
So với các DN thép khác như Hoa Sen, Pomina, Thép Việt Đức, Hữu Liên Á châu, HPG đứng đầu về mặt vận hành, không chỉ kiểm soát tốt chi phí đầu vào với tỷ suất lợi nhuận biên gộp đạt 17,23%, mà còn kiểm soát tốt cả chi phí bán hàng và chi phí quản lý với hệ thống đại lý mạnh. Hiệu suất lợi nhuận biên sau thuế đạt 10,77%, cao hơn nhiều DN thép khác, cho thấy khả năng kiểm soát chi phí rất tốt của HPG.
So với hai thương hiệu thép lớn tập trung vào sản xuất, thì tỷ suất biên lợi nhuận gộp của Thép Việt Đức lại đặc biệt thấp (6,09%). Tuy là công ty ống thép nhưng Việt Đức chuyên làm thương mại nên chi phí vốn rất lớn. Dù có thị phần ống thép khá lớn (10,9%) nhưng tỷ suất lợi nhuận biên sau thuế của Việt Đức lại rất thấp, chỉ còn 1,93%.
Một trong những lý do khiến HSG không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm tài chính vừa qua là do lãi suất tăng cao. Khi giá nguyên liệu giảm, HSG không những không còn được lời từ chênh lệch giá, mà còn phải trả lãi vay ngân hàng cao để dự trữ hàng tồn kho vượt định mức trung bình khiến chi phí tăng lên. Nếu không có hệ thống phân phối tốt để đẩy mạnh bán hàng chắc chắn HSG còn gặp khó khăn lớn hơn.
Thực tế cho thấy, lợi nhuận của DN thép đầu tư vào công nghệ sản xuất và quản trị tốt luôn cao và ổn định hơn các DN có yếu tố thương mại, đầu cơ, nhất là trong bối cảnh giá thép diễn biến khó lường và tiêu thụ trong nước bình ổn.
ĐTCK