Cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên bỏ lọt tội phạm?

Bằng 3 nhát dao dứt khoát của Phạm Duy Bình, trong đó vết đâm hiểm ác trúng vào ngực trái đã khiến anh Nguyễn Văn Hoàng xóm 5, Thị trấn Bắc Sơn (Phổ Yên, Thái Nguyên) tử vong tại chỗ.  Nhưng hành vi dã man này lại được cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Thái Nguyên cho rằng hung thủ  phòng vệ chính đáng.

Bằng 3 nhát dao dứt khoát của Phạm Duy Bình, trong đó vết đâm hiểm ác trúng vào ngực trái đã khiến anh Nguyễn Văn Hoàng xóm 5, Thị trấn Bắc Sơn (Phổ Yên, Thái Nguyên) tử vong tại chỗ.  Nhưng hành vi dã man này lại được cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Thái Nguyên cho rằng hung thủ  phòng vệ chính đáng.

Cấp dưới chỉ biết thực hiện

Theo kết quả điều tra, khoảng 19h ngày 20/2/2010 Phạm Duy Bình (SN 1991) và Nguyễn Tất Thành (SN 1992), đều trú tại xóm 5, đến nhà Lương Thị Bính ở xóm 6 cùng TT Bắc Sơn chơi. Tại đây, cả 2 gặp và có mâu thuẫn với nhóm thanh niên gồm: Nguyễn Văn Hoàng (SN 1986); Vũ Xuân Hòa (SN 1991); Trần Trọng Nghĩa (SN 1989); La Mạnh Tuấn (SN 1993); Nguyễn Trung Thơ (SN 1986); Hoàng Thanh Thắng (SN 1988) và Phạm thế Anh (SN 1991), đều trú tại Phổ Yên, Thái Nguyên. Lời lẽ qua lại, 2 phe lao vào giao tranh.

Do có chuẩn bị từ trước, Nguyễn Duy Bình rút dao trong người ra đâm liên tiếp làm nhiều người của nhóm đối phương bị thương. Đặc biệt, bằng 3 nhát dao của mình, Bình đã khiến anh Nguyễn Văn Hoàng tử vong tại chỗ, trong đó vết đâm hiểm ác nhất vào trúng ngực trái thấu tim. Ngay khi gây ra án mạng, Bình và Thành bỏ chạy vào nhà người thân xóm 6 để dấu hung khí.

Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên khởi tố vụ án hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Tuy nhiên, điều lạ là trong các quyết định khởi tố bị can với các đối tượng này về tội “Gây rối trật tự công cộng” lại không thấy sự có mặt của Phạm Duy Bình và Nguyễn Tất Thành- những nhân vật đã trực tiếp gây ra cái chết cho anh Nguyễn Văn Hoàng.

Tìm hiểu tại Viện KSND huyện Phổ Yên chúng tôi được biết, hành vi giết người trong vụ án ngay từ ban đầu được Công an tỉnh thụ lý. Tuy nhiên, quá trình điều tra, phía CQĐT lại cho rằng hành vi của Bình là phòng vệ chính đáng nên quyết định không khởi tố vụ án hình sự về tội giết người.“Đó là quyết định của công an và Viện kiểm sát cấp trên nên cấp dưới chỉ biết thực hiện!?", ông Hoàng Văn Lập, Viện trưởng VKSND huyện Phổ Yên giải thích

Bỏ lọt tội phạm?

Theo tìm hiểu riêng của chúng tôi, sỡ dĩ xảy ra vụ ẩu đả là do trước đó một ngày (19/2) , khi nhóm của Bình đến nhà bà Bính có nhiều hành động ngỗ ngược. Vì quá bức xúc, bà Bính đã nói chuyện với cháu ruột mình là Nguyễn Văn Hoàng. Hôm sau, nghe tin nhóm Bình quay lại tới nhà bà Bính quậy, Hoàng rủ thêm một vài anh em đến nói chuyện phải quấy với Bình và hậu quả là Hoàng lãnh trọn 3 nhát dao hiểm ác từ phía Bình. Điều khiến gia đình nạn nhân hoài nghi thái độ khách quan của CQĐT là vì sao hiện trường vụ án sau đó đã không được dựng lại?

Phải khẳng định, nhiều tình tiết, chứng cứ quan trọng của vụ án vì lý do nào đó đã không được CQĐT xem xét và đánh giá đầy đủ. Trong buổi làm việc với VKSND tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi thắc mắc Bình có chủ động từ nhà bà Bính ra gặp nhóm đối tượng kia không?

Mục đích của Bình mượn con dao (của Trịnh Văn Thuận từ ngày 18/2) trước khi đến nhà bà Bính hôm xảy ra vụ việc là gì?, thì Nguyễn Bá Sơn, người trực tiếp thụ lý vụ án của VKSND Thái Nguyên không đưa ra một giải thích nào hợp lý. “Sau khi so sánh đối chiếu hồ sơ với những lời khai thấy trùng khớp nên VKS cơ bản đồng tình với quan điểm của cơ quan điều tra”- ông Sơn nói.

Tuy nhiên, thực tế là lời khai của các đối tượng đã có mâu thuẫn từ đầu đến cuối. Thậm chí khái niệm về phòng vệ chính đáng được các cơ quan chức năng nơi đây hiểu hết sức đơn giản khi so sánh quân số giữa hai nhóm mà quên mất rằng, Bình đã có mục đích mang dao trong người từ trước, trong khi nhóm của Hoàng hoàn toàn không có hung khí. Thậm chí, Bình đã chủ động lao từ trong nhà bà Bính với một con dao mượn của bạn từ trước để đáp trả nhóm thanh niên xóm 5, chứ các đối tượng này chưa đưa Bình vào trạng thái nguy hiểm.

Theo Bộ luật Hình sự, hành vi được xem là phòng vệ chính đáng, khi hành vi của người vì bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm nhưng nếu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là phạm tội, phải chịu trách nhiệm hình sự… Đó là những hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. 

Trong cuộc trao đổi với PLVN về vụ án này, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên, Dương Quang Hợp cũng trăn trở: “Ai chịu trách nhiệm trước cái chết của anh Nguyễn Văn Hoàng thực sự vẫn còn đang bỏ trống.” 

Suốt hơn một năm qua, ông Nguyễn Văn Việt, cha nạn nhân, một thương binh nghèo liên tục gõ cửa các cơ quan công luận để tìm công lý sau cái chết uẩn khúc của đứa con trai.“Sau cái chết của cháu, cả gia đình tin tưởng vào sự công minh của pháp luật nên chờ đợi. Nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng”.- Ông Việt nghẹn ngào.

Gia Khánh

Đọc thêm