Xuất phát từ thực tiễn còn nhiều bất cập trong ban hành quyết định hành chính, Dự án Luật Ban hành quyết định hành chính đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ XIII. Tuy nhiên, cơ chế kiểm soát tính hợp lý của các quyết định hành chính này như thế nào vẫn đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi.
“Quyết định hành chính quan trọng nhất là phải hợp pháp”. Ảnh minh họa |
Không hợp lý, không thành hiện thực
Có thể nêu một ví dụ điển hình về việc chưa đảm bảo được tính hợp lý của quyết định hành chính là quyết định cho phép xây dựng khu du lịch Vọng Cảnh của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế. Từ ngày 11/10/1999, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra Quyết định số 2327/QĐ-UBND quy hoạch Quần thể lăng tẩm, Điện, Đàn thời vua chúa, di tích lịch sử cách mạng và danh thắng nổi tiếng ở phía Tây - Nam TP.Huế (trong đó có đồi Vọng Cảnh) nằm trong khu đất có diện tích 2.400 ha nhằm bảo tồn, tôn tạo giá trị văn hóa hiện có của nó.
Đáng tiếc là ngày 8/11/2004, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế lại ra Quyết định số 18/GP-TTH cho phép Công ty liên doanh Vọng Cảnh xây dựng Dự án khu du lịch ở đồi Vọng Cảnh nằm trong khu vực kể trên. Điều này vừa đi ngược lại Quyết định số 2327/QĐ-UBND do chính cơ quan này ban hành! Đặc biệt, UBND tỉnh cũng chưa tiến hành làm thủ tục trình cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa đã cho phép Công ty liên doanh Vọng Cảnh xây dựng khu du lịch ở đồi Vọng Cảnh.
Trong bản vẽ thiết kế, Dự án có xây dựng khách sạn 5 tầng, ở tầng trên cùng cắm cọc cao 12m, tương đương với 3 tầng nhà nữa, cùng một số công trình phụ trợ khác có nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đến khu di tích. Các chuyên gia, nhà khoa học phân tích, Dự án trái với Quyết định phê duyệt quy hoạch bảo tồn di sản văn hóa và môi trường cảnh quan của chính UBND tỉnh. Người dân thì phản đối bởi nếu Dự án thành hiện thực sẽ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên của tỉnh, che khuất tầm nhìn khi khách sạn mọc lên. Vì vậy, mặc dù Dự án với tổng vốn đầu tư 4,9 triệu USD đã được động thổ ngày 29/1/2005 song không trở thành hiện thực.
Chuẩn nào cho tính hợp lý?
Quyết định hành chính được ban hành sẽ tác động đến một hoặc một số nhóm đối tượng nhất định. Nhằm thực hiện nguyên tắc mọi quyết định hành chính đều có thể bị kiểm soát triệt để, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong Nhà nước pháp quyền, Dự án Luật Ban hành quyết định hành chính đưa ra định hướng là tạo cơ chế kiểm soát tính hợp lý, khả thi của các quyết định hành chính.
Theo đó, để bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân có liên quan đến quyết định hành chính; hạn chế các quyết định hành chính được ban hành tùy tiện, theo ý chí chủ quan của người ban hành, thì các cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính cần coi trọng quyền của người dân được trình bày những ý kiến, nguyện vọng của mình trước khi cơ quan có thẩm quyền ban hành một quyết định hành chính, nhất là đối với những quyết định có tác động lớn đến cuộc sống sinh hoạt bình thường của người dân. Chẳng hạn, trong các quy hoạch đất đai, giao thông, đô thị…, người dân cần được tham khảo ý kiến trước khi có quyết định việc xây dựng, cải tạo các công trình, dự án có liên quan đến lợi ích của họ…
Đối với một số quyết định hành chính quan trọng liên quan đến nhiều người như các dự án phát triển kinh tế - xã hội…, việc lấy ý kiến các đối tượng có liên quan, điều tra xã hội học hoặc đánh giá tác động kinh tế - xã hội trong quá trình ban hành quyết định hành chính sẽ góp phần nâng cao tính khả thi của các quyết định hành chính khi được ban hành. Như vậy, “vừa nâng cao chất lượng của quyết định hành chính vừa bảo đảm tính khả thi, hợp lý của các quyết định hành chính khi được ban hành” – Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết.
Tuy nhiên, tại cuộc họp về định hướng cơ bản xây dựng Luật này, theo bà Trần Thị Hiền (Trường Đại học Luật Hà Nội) thì chưa thấy dự luật đề cập đến cơ chế tạo ra tính hợp lý của quyết định hành chính, việc đánh giá tính hợp lý của quyết định hành chính dựa trên cơ sở tiêu chí nào cũng chưa rõ. Bà Hiền cho rằng, việc kiểm soát tính hợp lý của quyết định hành chính chỉ có thể thông qua kênh dư luận xã hội, kênh công chúng. Sau khi nghe báo cáo định hướng và một số ý kiến góp ý, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu thêm về định hướng này (và cả các định hướng khác), đồng thời nhấn mạnh “quyết định hành chính quan trọng nhất là phải hợp pháp”!
Thục Quyên