Cơ sở sản xuất trong khu dân cư- Ô nhiễm môi trường nhưng khó xử lý

Gần nửa năm nay, nhiều hộ dân ở tổ 10, khu sân bóng Phương Lưu 2, phường Đông Hải 1 (quận Hải An) thường xuyên bị “tra tấn” bởi tiếng lợn rống khi bị chọc tiết lúc sáng sớm và đầu giờ chiều tại một hộ dân trong khu dân cư. Cứ vài  ngày lại có  xe xích lô, xe ô tô chở lợn đến nhà này.

Tiếng lợn kêu, tiếng người giết lợn nói chuyện oang oang, rồi nước làm lợn, phân lợn chảy ra hôi thối khiến người dân chung quanh khó chịu. Nhiều nhà phải đóng cửa để tránh tiếng ồn, mùi hôi. Khu vực Kha Lâm, phường Nam Sơn (quận Kiến An) có nghề làm gỗ ô kan . Nhiều cơ sở sản xuất hằng ngày sơn, bả các sản phẩm nội thất, mùi bả,  sơn nồng nặc, những người chung quanh cơ sở “bị ngửi” cũng không dễ chịu. Chị Nguyễn Thị Phương, tổ nhân dân số 4, phường Lãm Hà (quận Kiến An) than phiền, thường xuyên bị đau đầu . Nguyên do, trong khu có một cơ sở sản xuất đồ mộc. Tiếng máy cưa rít lên ầm ầm, hàng cuối năm cần hoàn thành gấp nên nhiều ngày cơ sở sản xuất cả buổi trưa, tối. Chưa hết, thỉnh thoảng mùn cưa nhiều, mấy người thợ “tiện tay” dồn lại thành đống và …đốt. Gặp gió, khói hun mùn tỏa khắp nơi không khác gì hun chuột!.

 

Chính quyền các địa phương  không khuyến khích thành lập hay mở rộng cơ sở sản xuất xen lẫn trong khu dân cư. Tuy nhiên, vì không phải gia đình nào cũng có mặt bằng rộng, địa phương nào cũng có khu sản xuất tập trung nên thực tế vẫn tồn tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Việc sản xuất trong khu dân cư ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân nhất là về tiếng ồn, khói bụi, mùi hôi. Người dân phản ánh đến UBND phường, nhưng phường cũng khó giải quyết dứt điểm. Vii phạm của các cơ sở này thường là không có bản cam kết bảo vệ môi trường, không thực hiện các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, bụi, mùi hôi. Ông Nguyễn Văn Khính, Phó chủ tịch UBND phường Đông Hải 1 cho biết, UBND phường chỉ đạo các bộ phận liên quan như thanh tra nhân dân, quản lý đô thị, cán bộ môi trường…thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, nhưng cơ sở chỉ chấp hành một thời gian rồi lại tái diễn. Phường không thể có lực lượng ngày nào cũng “phục kích”  để xử lý. Ông Nguyễn Đình Đến, Phó chủ tịch UBND phường Nam Sơn khẳng định: Các cơ sở sản xuất đồ gỗ ô kan ảnh hưởng đến những gia đình chung quanh, nhưng phường  không thể xử lý dứt điểm. Bởi đây là nghề truyền thống người dân không dễ bỏ. Phường quy hoạch xây dựng khu làng nghề tập trung nhưng vì nhiều lý do, trong đó có lý do hiệu quả kinh tế, nên các hộ không tha thiết vào. Mặt khác, khi xác định có ô nhiễm hay không cần phải có kết quả kiểm tra xét nghiệm của cơ quan chức năng, quản lý về môi trường. Thế là chính quyền biết, người dân biết nhưng vẫn phải “sống chung” với bụi và tiếng ồn.

 

Bài và ảnh Huyền Chi

Đọc thêm