Có thể giảm lãi suất, ổn định tỉ giá

Tuổi Trẻ ghi lại ý kiến cũng như đề xuất của những người trong cuộc, hiện đang điều hành ngân hàng (NH).
 

Tuổi Trẻ ghi lại ý kiến cũng như đề xuất của những người trong cuộc, hiện đang điều hành ngân hàng (NH).

Vì sao tỉ giá liên tục tăng, gần ba năm thực hiện lộ trình giảm nhưng lãi suất vẫn cao ngất ngưởng? Tuổi Trẻ ghi lại ý kiến cũng như đề xuất của những người trong cuộc, hiện đang điều hành ngân hàng (NH).

Các góp ý có liên quan trực tiếp đến điều hành chính sách tiền tệ của NH Nhà nước nên những người có ý kiến đề nghị không nêu tên.

Bơm vốn cho nhà giàu

Nhiều người điều hành NH cho rằng về lý thuyết, phải giảm lạm phát mới giảm được lãi suất. Thế nhưng lạm phát do nhiều yếu tố tác động như lãi suất cao, nhập siêu, bội chi ngân sách, nhập khẩu lạm phát (do giá hàng hóa trên thế giới tăng cao khiến giá nhập khẩu vào VN cũng tăng)... Vì vậy không thể chờ đến khi lạm phát giảm thì mới giảm lãi suất, nếu theo lộ trình như thế doanh nghiệp và nền kinh tế tiếp tục phải chịu lãi suất cao thêm một thời gian.

Từ thực tế, những người làm NH cho rằng những giải pháp điều hành của NH Nhà nước áp dụng trong gần ba năm qua, trong đó có trần lãi suất huy động, hiệu quả không cao, vì thế cần phải tìm giải pháp khác.

Ngân hàng cũng chịu lãi suất cao

Khi NH cần vốn đã vay của các NH lớn để cho khách hàng vay nhưng chưa thu được nợ, đến hạn phải trả họ đành phải gia hạn theo mức lãi suất cao do NH lớn đưa ra.

Khi NH cần vốn thanh toán cho khách hàng, phải vay của NH lớn cũng với lãi suất cao. Có lúc lãi suất cho vay giữa các NH lên đến 40%/năm, trước tết lãi suất là

20-25%/năm trong khi huy động của dân trả thêm thưởng là 15-17%/năm vẫn lợi hơn.

Những người này dẫn chứng lạm phát cả năm 2010 là 11,75%. Dự kiến lạm phát năm 2011 là 7%, thực tế có thể cao hơn, giả sử là bằng hoặc cao hơn năm 2010 thì việc duy trì mức lãi suất huy động hiện 15-17% là quá cao, không khuyến khích sản xuất kinh doanh. Lãi suất cao xuất phát từ cuộc đua lãi suất giữa các NH mà nguyên nhân là do một số NH cần vốn, trong khi NH Nhà nước dù có bơm vốn nhưng lại không đúng nơi đúng chỗ, đúng hơn là bơm vốn cho “nhà giàu”.

Một chuyên gia ví von NH cần vốn cũng như người khát nước. NH Nhà nước sẵn sàng cung cấp nước uống với giá rẻ (lãi suất chiết khấu dao động 7-9%/năm). Tuy nhiên, do quy định muốn có “nước” thì phải có “tiền”, “tiền” ở đây là giấy tờ có giá (trái phiếu chính phủ). Các NH cần vốn không có “tiền”, nhiều NH quy mô lớn có “tiền” đã mua lại số “nước” này với giá rẻ sau đó bán lại cho NH cần vốn với lãi suất cao.

NH lớn, đặc biệt là NH thương mại nhà nước, có nguồn vốn rẻ đã trở thành “cai đầu dài” trong việc phân phối lại nguồn vốn giá rẻ do NH Nhà nước bơm ra. NH cần vốn tính toán giữa việc vay lại của NH lớn bình quân 13-14%/năm, có khi lên đến 20%/năm thì huy động vốn trong dân, dù có khuyến mãi, thưởng thêm lãi suất lên đến 15-17%/năm vẫn rẻ hơn. Cuộc đua lãi suất vì thế diễn ra bất tận.

Giảm lãi suất không khó

Một tổng giám đốc NH cần vốn nói nếu NH Nhà nước cứ duy trì cách bơm tiền để can thiệp thị trường như cách đã làm thời gian qua thì được lợi vẫn là các NH lớn, trong khi mục đích chính là giảm lãi suất cho doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn không thực hiện được.

Một người điều hành NH đề nghị nên thay đổi cách thức bơm tiền từ NH Nhà nước đến các NH cần vốn thay vì phải qua “cai đầu dài”. Nếu các NH cần vốn được vay tiền từ NH Nhà nước với lãi suất dưới 10%/năm thay vì phải đi vay lại của các NH lớn với lãi suất có lúc trên 20%/năm thì họ không bao giờ đua lãi suất huy động.

Một lãnh đạo NH khác đề xuất có thể hạ nhiệt cuộc đua lãi suất bằng cách giảm bớt nhu cầu vốn từ các NH cần vốn, cụ thể là siết hoạt động cho vay thông qua tăng hệ số an toàn vốn (tỉ lệ giữa vốn tự có của NH với tổng tài sản có rủi ro). Theo vị lãnh đạo này, các NH cần vốn để cho vay nhưng không huy động được, từ đó tăng lãi suất quá mức để gọi vốn khiến mặt bằng lãi suất bị phá vỡ.

Khi tăng hệ số an toàn vốn, hiện là 9%, những NH không đáp ứng hệ số an toàn vốn không huy động cũng chẳng thể cho vay thêm, trừ trường hợp phải tăng vốn tự có. Giải pháp này tuy có ảnh hưởng đến một số NH nhưng dập tắt được các cuộc đua lãi suất.

Phải quản thị trường vàng

Những người làm NH cho rằng muốn ổn định tỉ giá, về dài hạn phải ổn định kinh tế vĩ mô (kiểm soát nhập siêu, giảm bội chi...), nhưng trước mắt cần phải giải quyết hai vấn đề cơ bản là khai thông thị trường vàng cũng như đáp ứng kỳ vọng tỉ giá còn tăng của nhiều doanh nghiệp.

Một chuyên gia NH nói ai cũng kỳ vọng giá USD còn tăng và muốn bán USD giá cao. Trong khi giá USD luôn bị khống chế bởi tỉ giá liên NH và biên độ. Nếu không thỏa mãn kỳ vọng này sẽ dẫn đến tình trạng găm giữ USD khiến khan hiếm giả tạo, đẩy giá USD lên cao. Vì vậy, cần phải áp dụng giải pháp kỹ thuật mà vẫn giữ được giá USD, đó là cho mua bán qua ngoại tệ thứ ba, mua bán ngoại tệ có kỳ hạn.

Mục tiêu của các nghiệp vụ này là giúp người có ngoại tệ có thể bán được với giá cao một cách hợp pháp mà không cần phải tăng tỉ giá. Khi nhiều người bán được giá cao, thị trường bớt khan hiếm thì cũng ít người đi mua để găm giữ. Các nghiệp vụ này đã được áp dụng trong vài năm trước nhưng gần đây NH Nhà nước lại cấm.

Cũng liên quan đến tỉ giá, lãnh đạo một NH nói rằng phải tạo sự thông thoáng cho thị trường vàng, đó là có nhập có xuất, nếu không hoạt động kinh doanh vàng lậu sẽ luôn là ngòi nổ cho các đợt tăng tỉ giá. Theo nhà điều hành NH, giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới đã kích thích hoạt động nhập lậu. Giới buôn lậu gom USD, đẩy giá USD tại thị trường tự do lên cao, tạo kỳ vọng giá sẽ còn tăng, doanh nghiệp có USD giữ lại, dẫn đến thiếu USD đúng giá niêm yết nhưng thừa USD giá cao. Các đợt tăng tỉ giá vừa qua đều có mầm mống từ nguyên nhân giá vàng cao.

NH Nhà nước cũng đã thấy được nguy cơ này và thời gian qua đã cấp phép nhập khẩu vàng theo từng đợt mỗi khi giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá thế giới. Tuy nhiên, các đợt nhập khẩu vàng do số lượng quá ít, chỉ có hiệu quả nhất thời, giá vàng và USD chỉ tạm giảm, sau đó tăng lại như cũ, thậm chí cao hơn trước.

Theo Thanh Tuyền
Tuổi Trẻ
CafeF

Đọc thêm