Có thêm 1.820 người được tiêm vắc xin phòng COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 15/4, Việt Nam có thêm 1.820 người được tiêm vắc xin phòng COVID-19, nâng tổng số người được tiêm chủng lên 63.758 người.
Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho cán bộ y tế tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19.
Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho cán bộ y tế tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19.

Tính đến 16 giờ ngày 15/04/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 tại 19 tỉnh/TP cho 63.758 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, công an.

Chi tiết 1.820 người được tiêm tại 7 tỉnh/TP trong ngày 15/04/2021 như sau Hà Nội có  72 người; Quảng Ninh có 569 người; Hải Phòng có 33 người; Điện Biên có 131 người; TP HCM có 346 người; Đồng Tháp có 105 người; Bắc Ninh có 564 người (đợt 2).

Ngày 15/4 tỉnh Điện Biên đã kết thúc triển khai tiêm vắc xin đợt 1 và dự kiến ngày 16/4 tỉnh Đồng Tháp cũng sẽ tiêm chủng những liều vắc xin cuối cùng của đợt 1. Cũng trong ngày 16/4 tỉnh Phú Yên sẽ bắt đầu triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19.

Trước đó, tối 15/4, Bộ Y tế - WHO - UNICEF đã có thông cáo báo chí chung khẳng định tiêm vắc xin phòng COVID-19 an toàn góp phần đẩy lùi đại dịch.

Sau hơn một tháng, Việt Nam thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca cho hơn 70.000 người là các lực lượng tuyến đầu chống dịch tại 19 tỉnh, thành phố, đảm bảo an toàn tối đa theo phương châm “Tiêm đến đâu an toàn đến đó”.

 GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình Tiêm chủng mở rộng  quốc gia cho biết, quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến.

 Các cơ sở tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ. Người tiêm được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm.

Các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm.

 Trong đợt tiêm đầu tiên này, hệ thống giám sát của Chương trình Tiêm chủng mở rông quốc gia ghi nhận gần 33% người được tiêm xuất hiện phản ứng nhẹ thông thường sau khi tiêm và tự hết sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị, chăm sóc y tế.

Khoảng 1‰ (một phần nghìn) trường hợp có phản ứng quá mẫn sau tiêm, được xử trí đúng theo quy định, sức khỏe của những người này đều đã ổn định, trở lại đi làm sau 1-2 ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế.

Đặc biệt, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị đông máu và huyết khối xảy ra sau khi tiêm chủng.

Đọc thêm