Đệ vừa đi làm về và đang nằm nghỉ, Thiếu tá Bé Năm mặc thường phục vào tận nhà Đệ và hỏi xã giao: “Anh Đông khỏe không?”. Đệ vẫn nằm im không trả lời. Bé Năm nói tiếp: “Anh Đông không nhớ tôi à?. Tôi ở kế bên nhà anh ở dưới quê này”. Lúc này, Đệ mới bật ngồi dậy, nhìn chằm chằm vào vị khách lạ với vẻ bỡ ngỡ, chỉ nói được một tiếng “Ủa!?”...
“Cơn ác mộng” của tù nhân trốn trại (Kỳ 1): Bắt "phạm" bằng “linh cảm”
Gần 20 năm công tác trong ngành, Thiếu tá Nguyễn Văn Bé Năm (Đội trưởng đội Trinh sát - Trại giam Mỹ Phước) từng gặp những vụ án tưởng chừng như không thể phá khi đối mặt với những phạm nhân có số năm trốn tù còn... nhiều hơn thâm niên công tác của mình. Tuy nhiên, lòng kiên trì lần theo từng đầu mối, những bước chân không ngừng nghỉ đã giúp anh chinh phục được các thử thách, khó khăn.
|
Thiếu tá Nguyễn Văn Bé Năm |
"Lột "vỏ bọc" "đầu gấu" bến xe miền Tây
Bắt đầu làm trinh sát tại Trại giam Mỹ Phước từ năm 1995, Bé Năm đã nhận nhiệm vụ truy bắt các phạm nhân trốn trại về thụ án. Chưa khi nào anh xao nhãng hoặc cảm thấy nhiệt huyết với nghề giảm đi.
Được hỏi về những kỷ niệm nghề nghiệp khó quên, đầu tiên Thiếu tá Bé Năm kể về trường hợp phạm nhân Trần Văn Đông (SN 1963, ngụ ấp Quang Ninh, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Đông bị bắt năm 1987 do phạm tội “Trộm cắp tài sản” và bị kết án 5 năm tù giam. Trong trại giam, phạm nhân này trốn trại nhưng bị bắt lại và bị khép thêm tội “Trốn khỏi nơi giam giữ”.
Không chịu hối cải, tháng 5/1990 Đông trốn trại lần hai trong một lần đi lao động ngoài trời. Sau khi trốn trại, Đông sống lang thang ở gần khu vực Bến xe Miền Tây (TP.Hồ Chí Minh), lấy tên mới là Nguyễn Phú Đệ làm "vỏ bọc". Sau đó, thậm chí hắn còn cưới vợ, sinh con vào năm 1994 và đặt tên con theo họ mẹ để tránh lộ chân tướng.
Có "vỏ bọc" mới nhưng tính xấu trong Đông thì không đổi. Năm 1999, trong bộ dạng của “Nguyễn Phú Đệ”, gã tù trốn trại này bị công an bắt về tội “Trộm cắp tài sản”, sau đó bị TAND huyện Bến Lức (tỉnh Long An) kết án tù về tội danh này. Với "vỏ bọc "kín kẽ" của mình, Đông đã qua mặt được các cơ quan chức năng lúc đó và ai cũng ngỡ hắn là kẻ phạm tội lần đầu.
Chấp hành bản án tù 3 năm dưới cái tên Nguyễn Phú Đệ xong, trở lại với cuộc sống, Đông lại chung sống như vợ chồng với một phụ nữ khác và có thêm 2 con gái. Ngày tháng dần trôi, Đông mưu sinh bằng nghề bán hàng rong, bán vé "chợ đen" ở TP.Hồ Chí Minh, khi sống với vợ đầu, lúc về với “bà hai”. Những tưởng quá khứ của Đông đã bị hắn “đào sâu, chôn chặt” thì bỗng một hôm, Thiếu tá Bé Năm ập vào nhà bắt giữ tên tội phạm này.
Bắt tội phạm bằng... linh cảm
Thì ra bao nhiêu năm nay, Bé Năm vẫn kiên trì đeo bám những mối quan hệ của Đông tại quê nhà của hắn để xác minh. Và cuối cùng, đầu mối đã hé mở khi Bé Năm nhận được một thông tin mơ hồ rằng Đông đang sống đâu đó quanh khu vực Bến xe Miền Tây tại TP.Hồ Chí Minh.
|
Nhận dạng của Trần Văn Đông |
Trong quá trình truy tìm, anh Năm còn nghe thêm một tin nữa đó là Đông từng bị bắt ở Long An, bị xử tù về tội “Trộm cắp tài sản” và đã ra tù. Lục tung hồ sơ các vụ trộm cắp ở Long An xảy ra trong khoảng thời gian nghi vấn, Bé Năm tìm ra hồ sơ “có vấn đề nhất” của Nguyễn Phú Đệ; người này tuy sinh cùng năm với Đông nhưng thông tin về cha mẹ, vợ con lại hoàn toàn khác biệt.
Tuy nhiên, linh cảm nghề nghiệp đã giúp Bé Năm điều tra về nhân vật “Nguyễn Phú Đệ” này. Qua nhiều ngày hóa trang lân là dò hỏi những người lái xe ôm, bán hàng rong ở xung quanh khu vực Bến xe Miền Tây, cuối cùng Bé Năm đã thu thập được một thông tin quan trọng: Nguyễn Phú Đệ còn có tên gọi khác là Đông.
Được sự hỗ trợ của Công an địa phương, tối 1/8/2011, thời điểm Đệ vừa đi làm về và đang nằm nghỉ, Thiếu tá Bé Năm mặc thường phục vào tận nhà Đệ và hỏi xã giao: “Anh Đông khỏe không?”. Đệ vẫn nằm im không trả lời. Bé Năm nói tiếp: “Anh Đông không nhớ tôi à?. Tôi ở kế bên nhà anh ở dưới quê này”. Lúc này, Đệ mới bật ngồi dậy, nhìn chằm chằm vào vị khách lạ với vẻ bỡ ngỡ, chỉ nói được một tiếng “Ủa!?”.
Với biểu hiện đó của Đệ, Thiếu tá Năm khẳng định đây chính là phạm nhân Trần Văn Đông. Ngay lập tức, hắn bị đưa về trụ sở công an. Tại đây, tên tội phạm này đã phải thừa nhận thân phận thực sự của mình.
(Còn nữa)
Giang Nam