Từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, hoàn cảnh cuộc sống khó khăn đã tình cờ đưa đẩy cô Trần Thị Ngọc Diệp cùng gia đình đến cư ngụ tại khu ao tôm (thường được gọi là xóm Ao tôm) thuộc phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng.
|
Cô Trần Thị Ngọc Diệp, gần 20 năm tự nguyện làm cô giáo của lớp học tình thương ở xóm Ao tôm (Đà Nẵng). |
Nơi đây, lúc này chỉ là một vùng cát hiu quạnh, với những ngôi nhà tạm bợ của người dân lao động tứ xứ đến che chắn đan xen trong những bãi thông ven biển. Hằng ngày, phần lớn người dân quanh xóm đều tập trung sang bến cá Thuận Phước nhặt cá vụn, rồi bán mua, đổi chác để kiếm sống, đến chiều tối mới trở về. Trẻ con ở nhà đứa lớn trông đứa nhỏ, hoặc tự do chạy nhảy, chẳng đến trường.
Lúc đầu, thấy cảnh sống phức tạp quá, cô Diệp cứ e ngại, không dám tiếp cận bà con xóm Ao tôm. Nhưng dần dần, mỗi ngày, những khi cô ngồi vào bàn, nhắc nhở các con soạn bài vở học hành, thì nhiều đứa trẻ lại xúm xít đến, tò mò lắng nghe. Thời gian sau, vài người lớn đến gửi gắm, nhờ cô chỉ vẽ giùm con em họ cốt biết mặt chữ. Thế rồi, không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng đến xin theo học. Dần dần, chính quyền địa phương hay chuyện, đến gặp cô động viên, hỗ trợ bảng đen, vở, viết... xây dựng thành lớp học.
□
Cô Trần Thị Ngọc Diệp là một phụ nữ gốc Huế, từng là nữ sinh Đồng Khánh, sau đó vào đội tuyển văn Quốc học. Cô cũng từng thi Đại học và có mơ ước trở thành một giáo viên dạy văn. Thế nhưng, vì những lý do khách quan, cô phải lập gia đình sớm, rồi theo chồng vào Đà Nẵng lập nghiệp.
Từ năm 1992, chồng cô Diệp bị tai biến nặng, hầu như không còn đủ khả năng lao động. Một mình cô phải xoay xở nuôi chồng bị bệnh và 3 đứa con thơ. Mỗi ngày sau những phút giây bận rộn việc mưu sinh, cô vẫn mở rộng cánh cửa ngôi nhà tuềnh toàng che cót, lợp vải dầu, đón nhận những học viên xóm nghèo Ao tôm khát khao tìm con chữ. Lớp, có lúc tập trung đến hơn 20 người là dân làm biển mù chữ. Nhiều khi cùng lớp, có cả cha con, vợ chồng, họ đến học vài ba tháng để biết con chữ, biết đọc, biết viết rồi trở lại công việc làm ăn. Còn lại, thường xuyên chủ yếu là trẻ em nghèo và khuyết tật.
Cô Diệp kể lại: “Hồi mới đến sống ở xóm Ao tôm, mỗi lần tiếp cận với các em, cứ nghe các em nói một câu là đã xen vào dăm bảy từ thô tục. Đến với lớp học các em mới dần sửa bớt. Một lần, tôi thấy có một em vào lớp với gương mặt còn in cả dấu cào rướm máu của mấy lằn ngón tay. Hỏi ra mới biết, thường ngày, nhiều em sang cảng cá Thuận Phước tham gia xúc trộm cát sạn, có khi bị đuổi bắt, đánh đập... Từ đó, ngoài việc dạy học các em, tôi còn tìm cách trò chuyện, can ngăn nhiều gia đình trong xóm, hạn chế để các em tham gia những công việc lao động vượt ngoài khả năng”.
Lớp học duy trì ổn định một thời gian thì được sự chú ý quan tâm của Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP. Đà Nẵng, đồng thời có lúc được dự án Plan tài trợ (từ 1999-2004). Lớp học từng bước được trang bị thêm các thiết bị giáo dục như bàn ghế, bảng đen, chi phí điện nước. Có thời điểm tập trung đến hơn 40 em theo học, lớp phải chia thành 2 ca. Một số trường hợp các em khuyết tật, các trường không đủ điều kiện tiếp nhận, đã gửi đến lớp học này. Trung tâm Giáo dục thường xuyên cũng tổ chức thi định kỳ cho các em theo mức học, kể cả việc đưa các em vào cấp 2.
Sau khi khu vực Ao tôm được quy hoạch, giải tỏa do nhu cầu phát triển chung của thành phố, gia đình cô Diệp đã được bố trí tái định cư tại địa điểm mới thuộc tổ 41, phường Nại Hiên Đông, không xa lắm với xóm dân cư cũ. Ngôi nhà cô bây giờ đã khang trang hơn, nằm sát mặt đường. Cô mở thêm một cửa hiệu tạp hóa, song lớp học vẫn mở rộng cửa, dạy mỗi tuần 5 buổi, đón nhận vô điều kiện tất cả các trường hợp phụ nữ nghèo, trẻ em gia đình khó khăn, trẻ em khuyết tật.
□
“Tôi nhớ nhất vào khoảng năm 1993, một hôm bé gái tên Thảo chạy đến lớp không chịu học, mà khóc dầm dề, đòi tôi dẫn đi tìm mẹ. Trong con mắt em lúc đó, tôi là người đáng tin cậy nhất, chừng như có thể giải quyết được mọi thứ trên đời. Tôi cũng tìm được mẹ em, giao em lại cho mẹ, vào lúc cha mẹ em đang bỏ nhau, và người mẹ đang tìm cách bỏ xứ ra đi. Đến nay, bé Thảo đã trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định, cùng mẹ sinh sống ở miền Nam, thỉnh thoảng vẫn gọi điện về thăm tôi và nhắc chuyện cũ”, cô Diệp kể lại một số trường hợp điển hình đáng nhớ.
Em Trần Thị Bốn (năm nay 22 tuổi), trước kia lưu lạc đến xóm Ao tôm làm thuê, sau một thời gian tranh thủ theo học lớp học tình thương đã trở về quê tại Hội An học thêm, rồi xin được việc làm ở khu công nghiệp. Hoặc một em tên là Nguyệt, khi vào học xóa mù chữ đã 20 tuổi. Biết được mặt chữ rồi, nghe lời khuyên của cô Diệp, em tiếp tục theo học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên, học dần lên được đến hết lớp 12.
Đặc biệt hơn cả, là em Lê Thị Thanh, đã tiếp tục phấn đấu vào cấp 2, cấp 3, rồi thi Đại học. Ngày em Thanh đi thi, cô Diệp đã dặn dò, gửi gắm em về ở tại gia đình bên ngoại của cô tại Huế. Đến giờ đây, em Thanh đã tốt nghiệp và công tác tại ngành du lịch Thừa Thiên - Huế.
Bên cạnh những phép lạ đã làm được cho lớp học nghĩa tình ở xóm Ao tôm, ít ai biết được, sau khi người chồng bị bệnh tai biến một thời gian dài và mất vào năm 2004, cô Diệp vẫn không ngừng quyết tâm lo cho các con nhỏ học hành đến nơi đến chốn. Đến nay, 2 cháu đã tốt nghiệp đại học, có việc làm, và một cháu đang học tại TP. Hồ Chí Minh. Cô Diệp nói rằng, việc nhà cô đã khá ổn định, nên càng cần dành nhiều thời gian hơn cho những gia đình nghèo và trẻ em khuyết tật.
Gần 20 năm tự nguyện làm cô giáo của lớp học tình thương ở xóm biển nghèo, cô Diệp đã được khen tặng nhiều danh hiệu cao quý. Và điều ý nghĩa nhất với cô, là những con chữ nghĩa tình lặng lẽ đã đem đến sự đổi thay kỳ diệu cho không ít phận đời, vốn sinh ra chẳng mơ ước gì hơn ngoài cuộc sống bươn chải nhọc nhằn giữa miền đất cát đầy nắng và gió.
Phương Mai