Con dâu tranh giành nghĩa địa gia tộc với cháu họ?

Đất do ông bà để lại, bao gồm cả đất mồ mả và đất ở cho các con. Sau đó, người chú duy nhất còn sống làm tờ đơn giao cho bà Hồng sở hữu một phần đất ở và quản lý toàn bộ đất mồ mả. Chú chết, phía gia đình chú lấn chiếm, kê khai phần đất mồ mả làm của riêng, bà Hồng đi kiện thì bị phản tố. Dù chứng cứ đầy đủ, tòa án bị cho là vẫn lờ đi tình tiết đất do ông bà để lại tuyên bản án có nhiều vi phạm nghiêm trọng.
Khu đất mồ mả ông bà được giao cho bà Hồng quản lý, giữ gìn
Khu đất mồ mả ông bà được giao cho bà Hồng quản lý, giữ gìn

Đất mồ mả bị chiếm 

Gửi đơn phản ánh đến PLVN, bà Ngô Thị Hồng (SN 1955, ngụ khu phố 2, phường Trưng Mỹ Tây, quận 12, TP HCM) cho rằng bức xúc về bản án được cho là có nhiều vi phạm tố tụng của TAND quận 12 về việc giải quyết “tranh chấp quyền sử dụng đất”. 

Theo đó, phần đất mà bà đang sở hữu, tranh chấp là của ông bà, tổ tiên để lại từ năm 1924. Trích lục địa bộ của trung tâm thông tin sở Tài nguyên và môi trường TP HCM cho thấy phần đất đang tranh chấp có nguồn gốc của ông Ngô Văn Lới (chết năm 1945) và bà Nguyễn Thị Giữ (chết năm 1930) mua lại của ông Ngô Văn Hai từ năm 1924.

Theo địa bộ thửa đất, phần đất này có diện tích 1680 m2 tọa lạc tại xã Đông Hưng Tân (nay thuộc phường Trung Mỹ Tây, quận 12). Trong đó diện tích đất nghĩa địa gia tộc 776 m2.

Ông Lới -  bà Giữ có 7 người con và trước khi chết không để lại di chúc nên các con tiếp tục quản lý, sử dụng vì trên đất có mồ mả ông bà nhiều đời chôn cất. Năm 1946, một người con của ông Lới là Ngô Văn Bánh (mất năm 2007) đi công tác xa, phần đất nói trên để lại cho các anh em khác mà trực tiếp quản lý, sử dụng là ông Ngô Văn Cằng (cha bà Hồng, chết năm 1984).

Đến năm 1977, ông Cằng giao lại cho ông Bánh sử dụng. Trước đó, ông Bánh có sống chung với bà Phạm Thị Ngọc Yến như vợ chồng từ trước năm 1984 (trước thời điểm luật hôn nhân gia đình ra đời).

Bà Hồng cho rằng bản án của tòa án quận 12 có nhiều sai sót
Bà Hồng cho rằng bản án của tòa án quận 12 có nhiều sai sót

Trong suốt quá trình kê khai đất ông Bánh đều khẳng định phần đất 1680 m2 (bao gồm diện tích đất đang tranh chấp) là của gia tộc do cha mẹ để lại.

Cụ thể là tờ đăng ký nhà đất năm 1999; tờ đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2004; tờ tường trình năm 2004 đã được ban điều hành khu phố 2 và UBND phường Trung Mỹ Tây xác nhận “nguồn gốc đất là của cha mẹ ông Bánh để lại”.

Sau khi ông Bánh chết, tại đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2007, bà Yến cũng khẳng định đất do cha mẹ chồng để lại.

Trước đó, từ năm 1999, ông Bánh đã để lại cho bà Hồng một phần diện tích đất ở là 337 m2 để cất nhà. Đến năm 2004, ông Bánh tiếp tục viết giấy xác nhận cho đất có sự chứng thực của UBND phường Trưng Mỹ Tây về việc cho bà Hồng 337 m2 đất đã cho từ năm 1999 và toàn quyền quyết định phần đất khu mồ mả của gia đình có diện tích 693 m2. Sau đó, bà Hồng đi đăng ký sử dụng đất ở phần đất 377 m2 và được cấp sổ đỏ.

Sau khi cho bà Hồng diện tích đất trên và đất mồ mả, tại tờ tường trình nguồn gốc nhà đất ngày 02/8/2004 ông Bánh đã khẳng định “Phần diện tích đất còn lại tôi đã cho cháu tôi là Ngô Thị Hồng sử dụng”.

Năm 2007, sau khi ông Bánh chết, bà Yến đến UBND phường đăng ký quyền sử dụng đất với diện tích là 274 m. Phần đất mà bà Yến đăng ký nằm trọn trong diện tích đất mồ mả của ông bà.

Đến năm 2008, bà Yến được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích trên. Biết được sự việc, bà Hồng có đơn khởi kiện vì cho rằng đất mồ mả ông bà không được thể cấp chủ quyền cho ai và không được sử dụng với mục đích khác.

Trong lúc bà Hồng khởi kiện, bà Yến với tư cách là “đại diện thừa kế” của ông Bánh đã làm 4 di chúc tự định đoạt toàn bộ phần đất di sản thừa kế của gia tộc bà Hồng mà không có sự đồng ý của các đồng thừa kế khác.

Bà Yến đã làm 4 di chúc cho người khác thừa hưởng và tiếp tục thay bà tranh chấp phần diện tích 337 m2 đất ở của bà Hồng và 693 m2 đất mồ mả được ông Bánh giao cho bà Hồng có văn bản, có xác nhận của chính quyền địa phương. Bà Yến chết, người thừa hưởng trong di chúc tiếp tục vụ kiện.

Ngôi nhà xây trên đất tranh chấp mà tòa án quận 12 bỏ quên không phán quyết
Ngôi nhà xây trên đất tranh chấp mà tòa án quận 12 bỏ quên không phán quyết

Tình tiết đất tổ tiên để lại bị “lãng quên”

Vụ kiện bắt đầu từ năm 2011 nhưng mãi đến năm 2016 mới được đưa ra xét xử. Cả nguyên đơn là bà Hồng và chứng cứ cho thấy đất do ông bà, tổ tiên để lại, không phải đất trong quá trình hôn nhân giữa ông Bánh và bà Yến tạo lập.

Mặc dù ông Bánh – bà Yến không đăng ký kết hôn nhưng sống chung trước khi luật hôn nhân ra đời nên vẫn được thừa nhận. Còn phía bà Yến cho rằng đất do vợ chồng mình sử dụng, canh tác nên là của hai vợ chồng.

Dù phần trình bày trong hồ sơ của vụ án đều thể hiện rõ tình tiết đất của ông bà để lại, nhưng tình tiết này bị cho là bị cố tình lờ đi. Bà Hồng trình bày: “Trong bản án, họ không nhắc đến đất thừa kế của ông bà để lại nhằm đánh tráo nguồn gốc phần đất tranh chấp. Trên đất mồ mả, có rất nhiều ngôi mộ được xây dựng trước năm 1975”.

Theo đó, tòa án quận 12 không chấp nhận đơn khởi kiện của bà Hồng về việc tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 274 m2 mà bà Yến đăng ký. Ngoài ra, tòa án quận 12 còn lập luận:

“Phần đất 337 m2 và đất mồ mả 693 m2 là do trong quá trình hôn nhân của ông Bánh và bà Yến tạo lập. Vì vậy, giấy cho đất năm 2004 chỉ có mình ông Bánh ký xác nhận là không đúng.

Cần có xác nhận của bà Yến và các con có đủ tuổi thành niên thì giấy xác nhận cho đất trên mới đúng pháp luật. Đồng thời, phần đất bà Hồng khởi kiện là 274 m2 là của ông Bánh để lại, không phải đất mồ mả”.

Từ những lập luận trên, tòa án quận 12 tuyên bác đơn khởi kiện của bà Hồng với yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2008 của bà Yến đối với diện tích 274 m2.

Đồng thời, chấp nhận phản tố của người thừa hưởng từ bà Yến về việc tuyên hủy sổ đỏ đối với phần đất 377 m2 của bà Hồng được cấp từ năm 2004 và phần đất mồ mả gia đình.

Bà Hồng chỉ được “thương tình chừa lại” cho 93 m2 đã có xây dựng nhà ở từ lâu, còn lại buộc gia đình bà Hồng phải trả hết đất cho người thừa hưởng của bà Yến.

Bà Hồng cho rằng bản án của tòa án quận 12 có nhiều vi phạm rất lộ liễu. Thứ nhất, tại sao không nhắc nguồn gốc đất là do cha mẹ ông Bánh đồng thời là ông nội bà Hồng để lại. Thứ hai, phần đất mà bà Yến phản tố có nhiều tài sản đã được xây dựng trên đất. Đó là một căn nhà cấp 4 tường gạch, mái tôn do con bà Hồng xây dựng.

Việc xây dựng được chính quyền cấp phép. Căn nhà đó hiện đang cho một người khác thuê mở tiệm thuốc tây. Chưa thấy tòa án quận 12 đề cập đến căn nhà trên phải như thế nào. Người thuê căn nhà cũng chưa được mời tham dự tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trên phần đất mà bà Hồng bị tuyên hủy sổ đỏ có nhiều cây cối, nhiều công trình khác được xây dựng nhưng cũng không được tòa nhắc đến sẽ đi đâu về đâu.

Bà Hồng nói: “Đất ông bà để lại, mồ mả ông bà còn chôn sờ sờ ra đó. Vậy mà tòa cứ lờ đi như thể không nghe, không thấy gì cả. Đất của tổ tiên nhà tôi, bị tòa tuyên thành của riêng của bà Yến tạo lập. Nếu như tôi nói miệng, tòa không tin thì cũng không nói. Đằng này, chứng cứ rõ ràng, trích lục và thậm chí cả bên bà Yến cũng thừa nhận. Sao lại có một bản án kỳ lạ vậy”.

Trích lục địa bộ cho thấy phần đất tranh chấp là của ông Ngô Văn Lới đứng tên từ năm 1924

 Trích lục địa bộ cho thấy phần đất tranh chấp là của ông Ngô Văn Lới đứng tên từ năm 1924

Không đồng ý với bản án của tòa án quận 12, bà Hồng kháng cáo và sắp tới sẽ được xét xử phúc thẩm. Bà Hồng mong muốn đất mồ mả thì cần trả về làm của chung cho gia tộc, không ai được lấn chiếm, sở hữu riêng hoặc sử dụng khác mục đích nếu không có sự đồng ý của gia tộc. Còn phần đất 337m2 là của ông bà để lại, được người chú là ông Bánh xác nhận giao cho sử dụng là hợp pháp.  

Đọc thêm