GS. Nguyễn Thiện Nhân
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
Triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012, Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của Phó Thủ tướng CP, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân.
Giáo dục đại học: Đồng hành và cung cấp nhân lực trình độ cao cho quá trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Từ khi thực hiện đường lối đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự nỗ lực của toàn dân tộc, đất nước ta đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực. So với năm 1987, quy mô nền kinh tế (GDP) năm 2009 đã tăng 4,6 lần, giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng 73 lần. Từ chỗ không đủ ăn, Việt Nam đã trở thành một nước mạnh về xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp: Xuất khẩu 5 triệu tấn gạo và 1,2 triệu tấn cà-phê một năm, đứng hàng thứ hai thế giới, xuất khẩu điều, tiêu đứng hàng thứ nhất, xuất khẩu trà đứng thứ năm, xuất khẩu thủy sản đứng thứ 12. Xuất khẩu hàng công nghiệp cũng gia tăng mạnh: linh kiện điện tử xuất khẩu năm 2009 trị giá 2,8 tỷ USD, giày dép 4,1 tỷ USD, hàng dệt may 9,1 tỷ USD. Sản lượng than đá khai thác tăng từ 12 triệu tấn năm 2000 lên 43 triệu tấn năm 2009, sản lượng xi-măng tăng cùng kỳ từ 13 triệu tấn lên 48 triệu tấn. Số điện thoại trong 100 người dân tăng từ bốn máy năm 2000 lên 140 máy năm 2009.
Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động cũng thay đổi mạnh mẽ: Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong nền kinh tế tăng từ 60% năm 1987 lên 80% năm 2009, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 40% xuống còn 20%. Lao động phi nông nghiệp tăng 3,1 lần từ 7,5 triệu người năm l987 lên 23,5 triệu người năm 2009. Chỉ sau chín năm, từ 2000 đến 2009, số doanh nghiệp tăng hơn 5 lần, từ 42.000 doanh nghiệp lên 220.000. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đã thực hiện đạt hơn 80 tỷ USD.
|
Giáo dục đại học Việt Nam 23 năm qua chính là nguồn đào tạo và cung cấp chủ yếu lao động có trình độ cao cho nền kinh tế và bộ máy quản lý nhà nước. |
Sự phát triển vượt bậc về quy mô nền kinh tế và nhiều ngành kinh tế mới, về xuất khẩu, việc ra đời hàng trăm nghìn doanh nghiệp mới, triển khai hơn 10.000 dự án đầu tư nước ngoài, sự gia tăng mạnh mẽ lao động công nghiệp và dịch vụ đã đòi hỏi nền kinh tế phải được bổ sung hàng trăm nghìn lao động có trình độ đại học và cao đẳng, hàng vạn thạc sĩ và hàng nghìn tiến sĩ. Đây là lực lượng nòng cốt để làm chủ kỹ thuật công nghệ, để quản lý các doanh nghiệp, để chăm sóc sức khỏe nhân dân để cung cấp các dịch vụ tài chính,... du lịch và quản lý nhà nước các cấp.
Giáo dục đại học Việt Nam 23 năm qua chính là nguồn đào tạo và cung cấp chủ yếu lao động có trình độ cao cho nền kinh tế và bộ máy quản lý nhà nước.
Từ năm 1987 đến 2009, số trường đại học, cao đẳng đã tăng 3,7 lần, từ 101 trường lên 376 trường. Quy mô sinh viên tăng 13 lần, từ 133.000 lên 1,7 triệu. Số giảng viên các trường ĐH, CĐ, số GS, PGS tăng gấp 3 lần. Số kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp năm 2009 là 220.000 người, gấp 11 lần năm 1987 là 20.000 người.
Vấn đề của giáo dục đại học Việt Nam: Chất lượng đào tạo chưa theo kịp đòi hỏi phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Mặc dù hơn 90% sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ có việc làm, nhưng sự phù hợp của năng lực các kỹ sư, cử nhân mới ra trường với đòi hỏi ngày càng tăng của công việc trong thực tế còn hạn chế. Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng này là chất lượng các yếu tố đầu vào của giáo dục đại học chậm được cải thiện và phương pháp quản lý chất lượng lạc hậu.
Từ năm 1987 đến 2009, quy mô sinh viên ĐH, CĐ tăng 13 lần, nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ sau 23 năm vẫn không đổi chỉ đạt 11%. Chi phí đào tạo một sinh viên một năm ở nước ta từ 6 triệu đến 10 triệu đồng, tương đương 300 đến 500 USD, trong khi ở các nước tiên tiến từ 10.000 đến 15.000 USD, gấp ta 30 lần. Tức là chi phí để họ đào tạo ra một kỹ sư, cử nhân thì ở ta phải đào tạo ra 30 kỹ sư, cử nhân.
Phương pháp quản lý chất lượng của chúng ta còn rất bất cập, lạc hậu. Từ năm 1975 đến nay, chúng ta không yêu cầu các trường ĐH, CĐ phải xây dựng và công bố chuẩn năng lực người tốt nghiệp - chuẩn đầu ra: sinh viên ra trường phải có tri thức gì, kỹ năng gì, có năng lực đạo đức và hành vi thế nào, có thể giải quyết được những việc gì và làm việc ở những vị trí nào, có triển vọng phát triển nghề nghiệp ra sao. Không có cơ chế giám sát chất lượng đào tạo và không có chế tài các cơ sở đào tạo chất lượng kém .
Trong năm năm gần đây ngành giáo dục và các trường ĐH, CĐ đã triển khai một số biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo. Năm 2004 Bộ GD-ĐT đã thành lập Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, hướng dẫn các trường tự đánh giá chất lượng đào tạo.
|
Trong 5 năm gần đây, Ngành Giáo dục và các trường ĐH, CĐ đã triển khai một số biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo. |
Bộ GD-ĐT đã khuyến khích, hỗ trợ các trường liên kết với các trường đại học nước ngoài đào tạo theo phương pháp tiên tiến, kể cả giảng dạy bằng tiếng Anh theo chương trình đào tạo của các trường đối tác nước ngoài, tăng quy mô đào tạo giảng viên các trường đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Triển khai chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội bằng các hội thảo quốc gia đào tạo nhân lực cho các ngành kinh tế chủ lực như công nghệ thông tin, đóng tàu, tài chính - ngân hàng, du lịch, chế biến nông sản, y tế, qua đó có hơn 600 hợp đồng, thỏa thuận đào tạo đã được ký kết giữa các trường ĐH, CĐ và các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước. Năm 2009, học phí ĐH đã tăng từ 180.000 đồng/tháng lên 240.000 đồng/tháng. Mặc dù các giải pháp nói trên là đúng đắn, song thực tế chưa tạo được chuyển biến đáng kể trên diện rộng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Giải pháp đột phá để phát triển giáo dục đại học Việt Nam: Đổi mới quản lý giáo dục đại học
Những hạn chế, yếu kém của hệ thống giáo dục đại học có thể nhận ra tương đối dễ dàng, song việc xác định nguyên nhân và giải pháp có hiệu quả không phải dễ, vì hệ thống giáo dục đại học nói riêng và hệ thống giáo dục quốc dân nói chung hoạt động không chỉ theo các quy luật, quy tắc của sư phạm mà chịu sự phối hợp của nhiều loại quy luật, quy tắc khác: Các nguyên tắc quản lý hệ thống xã hội, các quy luật kinh tế, nguyên tắc hài hòa lợi ích và khuyến khích sáng tạo, các nguyên tắc quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học.
Năm 2009, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cùng các trường ĐH, CĐ phân tích nghiêm túc tình hình của hệ thống giáo dục đại học và đã nhất trí đánh giá: Nguyên nhân căn bản, sâu xa của các yếu kém của hệ thống giáo dục đại học chính là sự yếu kém trong quản lý nhà nước về giáo dục đại học và yếu kém trong quản lý của bản thân các trường ĐH, CĐ. Đổi mới quản lý giáo dục đại học là khâu đột phá để phát triển toàn diện hệ thống giáo dục đại học trong mười năm tới.
Ngày 6-1-2010, Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Nghị quyết về Đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 - 2012. Ngày 11 - 1-2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình hành động đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 - 2012. Và ngày 27-2-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 - 2012. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu:
- Cần quán triệt nhận thức: Phát triển quy mô giáo dục đại học phải đi đôi với bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo. Kiên quyết chấm dứt tình trạng không kiểm soát được chất lượng đào tạo. Cần tạo ra cơ chế và động lực trong quản lý nhà nước và quản lý của các cơ sở đào tạo để thực hiện mục tiêu bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo.
- Coi việc đổi mới quản lý giáo dục đại học, bao gồm quản lý nhà nước về giáo dục đại học và quản lý của các cơ sở đào tạo là khâu đột phá để tạo ra sự đổi mới toàn diện của giáo dục đại học, từ đó bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học một cách bền vững.
|
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã xác định 15 giải pháp phải được triển khai trong ba năm tới, trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ như:
- Tổ chức thảo luận trong tất cả các trường ĐH, CĐ về: Vì sao phải nâng cao chất lượng đào tạo, làm gì để bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo trong giai đoạn hiện nay.
- Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới về thành lập trường, tuyển sinh tổ chức đào tạo, quản lý tài chính, quản lý chất lượng... tạo cơ sở để các trường ĐH, CĐ thực hiện quyền tự chủ và nghĩa vụ tự chịu trách nhiệm trước xã hội và nhà nước theo quy định của Luật Giáo dục.
- Triển khai Nghị quyết 35 của Quốc hội về đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo, trong đó việc tăng học phí phải đi đôi với các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện tốt các chính sách tín dụng cho sinh viên, chính sách miễn giảm học phí.
- Tham mưu cho chính phủ phân công, phân cấp quản lý các trường ĐH, CĐ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh.
- Kiểm tra, xử lý nghiêm khắc với các trường sau ba năm thành lập vẫn không đáp ứng đủ các tiêu chí, điều kiện thành lập trường ĐH, CĐ như đã cam kết.
Chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện đổi mới quản lý giáo dục đại học 2010 – 2012 còn xác định:
- Các trường ĐH, CĐ phải xây dựng và công bố chuẩn đầu ra cho tất cả các ngành đào tạo trước 12-2010, thực hiện ba công khai, gắn với chỉ tiêu tuyển sinh từ năm 2010.
- Tại cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai quy trình “một cửa, một dấu” mới đối với việc thành lập trường ĐH, CĐ, mở ngành đào tạo.
- Thực hiện việc các Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường ĐH, CĐ tham gia đánh giá sự lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và hoạt động của các Vụ, Cục ở Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2010.
Giáo dục đại học đã có sự đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước trong 23 năm đổi mới, bảo đảm cơ bản nhân lực trình độ cao cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, giáo dục đại học đang đứng trước đòi hỏi cấp bách của cuộc sống, không thể tiếp tục phát triển quy mô đào tạo mà lại buông lỏng quản lý chất lượng như thời gian qua. Bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo là vì lợi ích quốc gia, lợi ích của người học, lợi ích của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và vì lợi ích của các trường ĐH, CĐ. Mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm: Các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, lãnh đạo các trường, giảng viên và sinh viên, người sử dụng lao động và xã hội. Với Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học 2010 - 2012, bám sát thực tiễn, vận dụng đồng thời năm loại quy luật, quy tắc chi phối hoạt động của hệ thống giáo dục đại học, chúng tôi tin rằng, quản lý giáo dục đại học sẽ có đổi mới căn bản sau ba năm, tạo tiền đề quan trọng nhất để giáo dục đại học đổi mới cơ bản, toàn diện trong giai đoạn 2010 - 2020.
Theo