Con đường gốm sứ bị... kinh doanh

Từ ngày đoạn đường gốm sứ hoàn thành, thu nhập của các bà hàng nước tăng 3 - 4 lần. Chỗ ngồi càng nhiều tranh đẹp, bán nước càng lãi.

Từ ngày đoạn đường gốm sứ hoàn thành, thu nhập của các bà hàng nước tăng 3 - 4 lần. Chỗ ngồi càng nhiều tranh đẹp, bán nước càng lãi. Với chiều dài 6.000 m, từ cửa khẩu An Dương về đường Yên Phụ, “Con đường gốm sứ sông Hồng” (Hà Nội) đang đi vào giai đoạn hoàn tất để chào mừng đại lễ 1.000 Thăng Long - Hà Nội. Thế nhưng, nhiều người đượm buồn khi ngắm nhìn một sản phẩm văn hóa đang phải gánh quá nhiều… rác. Dọc con đường này, những đoạn nào đã hoàn thành thì có người chiếm dụng làm nơi bán nước, hàng rong, ghi lô đề. Thậm chí, các đoạn có cầu vượt có người chiếm dụng làm nơi trú ngụ từ hơn một năm nay.Lấn chiếm vì đường… đẹp Bà Lan, chủ hàng nước, ghi lô đề trên con  đường gốm sứ, đoạn dưới chân cầu Chương Dương, cho biết: “Từ ngày đoạn này hoàn thành, thu nhập của chúng tôi tăng gấp 3 - 4 lần trước kia”. Nguyên nhân, là do hằng ngày có nhiều khách đến ngắm tranh, sẵn tiện họ ngồi uống nước nên bán được hàng. Chẳng thế mà theo bà Lan, chiếm được chỗ “ngon”, mát mẻ, tranh đẹp để bán hàng không phải dễ.
Cảnh nhếch nhác dưới chân con đường gốm sứ. (Ảnh: Lê Dương)
Cảnh nhếch nhác dưới chân con đường gốm sứ. (Ảnh: Lê Dương)
Nhiều cái lợi như thế nên nhiều lần chính quyền sở tại ra quân chấn chỉnh nhưng mọi chuyện vẫn y như cũ. Chị Trần Thị Hoa, chủ xe bánh mì ở đây, thản nhiên: “Tôi đã bán ở điểm này hàng chục năm rồi, chẳng có ai xua đuổi cả. Từ lúc tranh gốm được hoàn thành, chúng tôi bán được nhiều hàng hơn, không ai dại mà bỏ chỗ”. Đoạn sát cầu Long Biên, hàng chục người mạnh ai nấy vạch ranh giới để bán bánh mì, hằng ngày họ túa ra đường để đón khách. Còn một số đoạn trở thành trạm xe ôm, taxi, nhà vệ sinh công cộng, điểm tập kết rác thải… làm rất mất vệ sinh và mỹ quan.Cắt khúc để bán… quảng cáo Trước đây, khi mới thi công những đoạn đầu tiên, do sự chỉ trích của dư luận và giới nghệ sĩ về việc đề tên doanh nghiệp, logo nhà tài trợ lộ liễu, chủ đầu tư dự án, Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội và tác giả ý tưởng, nhà báo Nguyễn Thu Thủy, đã tìm giải pháp sửa chữa. Thế nhưng, dù các khẩu hiệu quảng cáo đã được thu nhỏ, thì “bức tranh” vẫn tràn ngập “rác”. Đi lướt qua cũng có thể điểm danh rất nhiều logo, slogan của ngân hàng, doanh nghiệp được khắc trên gốm. Thậm chí, có những đoạn các mảng gốm được ghép với nội dung lộn xộn. Như đoạn cửa khẩu Chương Dương Độ, lẫn trong những câu chuyện lịch sử oanh liệt chống quân Nguyên thời nhà Trần như hội nghị Diên Hồng, lá cờ thêu sáu chữ vàng của Trần Quốc Toản... là những mảng quảng cáo của các công ty, làm bức tranh bị phân cánh, chia rẽ một cách khó chịu. Anh H., một thợ gốm, cho biết: “Chúng tôi đã phải làm lại nhiều đoạn vì các logo chiếm vị trí quá lớn. Chúng tôi đôi khi cũng thấy bức xúc nhưng việc thì cứ phải làm”.  Chưa dừng lại ở đó, một số người vô ý thức còn cố tình ghi dấu ấn của mình bằng cánh ghi tên, tuổi của con cái, gia đình lên giữa những bức họa rất đẹp. Cụ Nguyễn Văn Tri, cán bộ về hưu ở quận Hoàn Kiếm, cho biết: “Tôi chẳng hiểu cơ quan quản lý làm gì, ở đâu mà để họ đề tên, tuổi vô tội vạ như thế?”. Qua tìm hiểu, tác giả của những cái tên này là người tham gia thi công công trình. Ban đầu chỉ là sự nghich gợm, rồi thành trào lưu. Một công nhân cho biết: “Để thiên hạ biết tên, ngày sinh thằng cu nhà tôi, coi như là kỷ niệm vui ấy mà!”. Phải chăng, sự buông lỏng quản lý đã làm hỏng một sản phẩm văn hóa được dư luận quan tâm? Một công trình với sự đầu tư không ít tiền bạc, công sức nhưng lại làm người dân thất vọng. Mong rằng, UBND thành phố Hà Nội, các ban, ngành liên quan nhanh chóng giải quyết những khuyết điểm trên để con đường gốm sứ đúng nghĩa là công trình văn hóa, lịch sử có giá trị lớn.
Theo Thành Văn
Đất Việt

Đọc thêm