“Còn người, còn đảo, còn ánh sáng”

Chuyện về ngọn đèn biển Tiên Sa thắp sáng hơn 100 năm qua để hướng dẫn tàu thuyền về bến bờ Đà Nẵng khơi gợi tính hiếu kỳ của bao người. Nhưng câu chuyện về những con người canh giữ cho đèn không bao giờ tắt còn thú vị hơn...

Chuyện về ngọn đèn biển Tiên Sa thắp sáng hơn 100 năm qua để hướng dẫn tàu thuyền về bến bờ Đà Nẵng khơi gợi tính hiếu kỳ của bao người. Nhưng câu chuyện về những con người canh giữ cho đèn không bao giờ tắt còn thú vị hơn...

Hải đăng trên 100 tuổi

Ngọn hải đăng trên 100 năm tuổi.

Hiện hầu như không còn một tài liệu chính thống nào ghi nhận chuẩn xác năm xây dựng của Hải đăng Tiên Sa. Nhưng theo lời truyền miệng của những thế hệ đã từng canh giữ ngọn đèn, rất có thể trạm đèn được Pháp dựng nên vào khoảng cuối thế kỷ 19. Tấm bia mộ của con một người Pháp từng giữ hải đăng còn được lưu lại cho thấy năm mất của người này là 1909. Điều đó, theo Trạm trưởng Bùi Công Phương, chứng tỏ hải đăng đã hiện hữu trước cột mốc trên.

Nằm trên độ cao 160 mét so với mực nước biển ở phía bắc bán đảo Sơn Trà, ban đầu, hải đăng hướng dẫn tàu thuyền chở vũ khí, đạn dược, thiết bị... của Pháp vào Đà Nẵng. Bây giờ, với tầm chiếu sáng khoảng 23 hải lý (1 hải lý = 1,852km), hải đăng làm nhiệm vụ chỉ vị trí bán đảo Sơn Trà, định hướng cho các phương tiện hoạt động trong khu vực. Đã quen với tín hiệu chớp của đèn 10 giây/lần, các tàu bè dù đi trong bão gió, sương mù, hễ thấy hải đăng là đã yên tâm về đến đất Đà Nẵng.

Ngoài một số chi tiết của đèn được tu bổ như sơn sửa, lát đá hành lang, thêm đèn phụ..., đèn vẫn giữ được khoảng 80% hình thể ban đầu. Tính từ mặt đất, hải đăng có chiều cao 9 mét, tường bê-tông dày 45cm được thiết kế thành hai lớp chống nóng, chóp tháp hoàn toàn bằng đồng chứa đựng tháp đèn với thấu kính bao bọc bên ngoài.

Đèn vẫn sáng khi trái tim còn đập

Hai chàng trai trẻ của Trạm Hải đăng hướng dẫn khách tham quan ngọn đèn.

Bao thế hệ đã ở đó, ngày đêm giữ ngọn đèn biển. Trong số đó, người thì về với đất, người về hưu, chuyển công tác. Có người trụ gần 20 năm, có người mới được nhận vào làm khi chỉ mới hai mươi tư tuổi.

Nguyễn Đình Hưng và Nguyễn Văn Lượng cùng sinh năm 1986 là hai người trẻ tuổi nhất trong đội ngũ canh giữ Hải đăng Tiên Sa. Không điềm đạm, dạn dày như vị Trạm trưởng, hai chàng trai vẫn còn nguyên vẹn vẻ thơ ngây, hồn nhiên của những cậu học trò mới rời khỏi nhà trường chưa bao lâu. Từ thế giới đầy thông tin, bước đến bán đảo không có sóng di động, Internet, thiếu cả điện, nước, cả hai như bị hẫng. Hưng kể: “Ba tháng đầu tiên là khoảng thời gian khá khó khăn. Em cứ đi lòng vòng để tìm sóng gọi về cho gia đình. Ba mẹ, người yêu ở quê đều không biết em ra sao”. Nước sinh hoạt đều trông chờ vào nguồn nước mưa đã dự trữ sẵn trong các bể nước. Mùa nắng, “lạy trời mưa xuống” mãi không được, hai chàng bèn dồn nước dùng để tắm và rửa rau xong để tưới cây. Nhưng rồi cũng quen. Giữa núi rừng bình yên, quay mặt là thấy biển, họ cảm nhận được một đời sống khác thú vị, trong lành hơn trước...

Ban đêm thay phiên nhau trực đèn, ban ngày anh em phải thường xuyên làm vệ sinh, tra dầu mỡ, rà soát các thiết bị và khắc phục ngay các sự cố nếu có. Dù là bão gió, mưa sa nắng cháy, hay lễ Tết, cuối tuần, từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, ngọn đèn vẫn sáng. Trạm trưởng kể: “Đợt bão số 6 năm 2006, anh em trực hết ở đây, mọi thứ ở nhà trong thành phố đều do tay vợ con lo. Tan bão, tìm cách liên lạc về mới hay, mái nhà bị tốc cả”. Dẫu biết trong những cơn bão dữ, sẽ hiếm có tàu thuyền nào còn lạc loài giữa biển, nhưng trách nhiệm buộc họ phải canh giữ cho hải đăng và toàn bộ máy móc luôn hoạt động thông suốt. “Còn người, còn đảo, trái tim còn đập, còn ánh sáng” trở thành câu khẩu hiệu không bao giờ phai nhạt của những người miệt mài canh giữ hải đăng.

Đường đến ngọn hải đăng cổ không dễ, khúc khuỷu lên xuống muốn chóng mặt đối với người đi lần đầu tiên. Theo tuyến đường Hoàng Sa tiến về hướng bán đảo Sơn Trà, hải đăng cách trung tâm thành phố đến hơn hai chục cây số. Nằm không xa Khu du lịch Trường Mai, nhưng hầu như chỉ có khách du lịch “bụi” là ghé đến nhiều. Mỗi lần có khách đến, anh em ở trạm vui hẳn. Người rót nước, kẻ tíu tít tiếp chuyện, hướng dẫn cho khách tham quan ngọn đèn. Mỗi người từ miền xa đến góp thêm một câu chuyện, cũng đủ làm không gian bớt quạnh quẽ và ấm áp lòng những con người đang thầm lặng dâng hiến tuổi xuân.

Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cũng dự định hợp tác với trạm để đưa các đoàn khách du lịch vào tham quan. Biết đâu nhờ vậy, vẻ đẹp của ngọn đèn biển trên 100 năm tuổi và những câu chuyện thú vị của những người canh giữ đèn sẽ không còn quanh quẩn ở núi rừng, mà sẽ được chuyền tai nhau lan rộng...

Bài và ảnh: HẰNG VANG

Đọc thêm