Công an, VKS Thanh Hóa thờ ơ trước nỗi đau người bị nạn?

(PLO) - Vụ tai nạn nghiêm trọng khiến một thanh niên phải cưa chân và thương tích đầy mình. Con đau một, cha mẹ đau mười, nhưng lạ là cơ quan Công an cũng như Viện kiểm sát (VKS) địa phương không những vô cảm trước nỗi đau đó mà còn có biểu hiện coi thường dư luận.
Cấp dưới có dấu hiệu vi phạm
Theo đơn trình bày của ông Phùng Văn Khâm (trú tại 78 Nguyễn Huệ, phường Ngọc Trạo, TX.Bỉm Sơn, Thanh Hóa), tai họa ập đến gia đình ông vào khoảng 17h45 ngày 13/5/2013 tại km 303 + 30 quốc lộ 1A thuộc địa bàn thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung giữa xe ô tô BKS 15C- 04622 (do Nguyễn Quyết Thắng, SN 1979, trú tại Cộng Hiền, Vĩnh Bảo, Hải Phòng điều khiển) và xe mô tô BKS 29T-07814 (do con trai ông là Phùng Ngọc Cường, SN 1988, điều khiển) khiến chân phải của Cường bị giập nát và cụt mất một chân, toàn thân bị trầy xước. 
Theo anh Cường: “Khi đâm phải tôi, lái xe không phanh ngay mà chạy tiếp, kéo lê tôi một đoạn dài mới phanh. Nếu phanh kịp thời thì tôi đã không bị nặng như thế này. Khi xe phanh lại, tôi thấy tài xế xuống nhưng đứng nhìn. Tôi kêu cứu thì lái xe bỏ đi, để mặc tôi nằm dưới gầm xe… Sau đó, tôi được mọi người bế lên xe máy đưa tới Bệnh viện Hà Trung…”. Kết quả giám định, nạn nhân Cường bị thương tật vĩnh viễn 74%, chân phải bị cắt phần lớn (từ trên đùi xuống).
Sau khi vụ việc xảy ra, ông Khâm cho rằng có rất nhiều biểu hiện bất thường của Công an huyện Hà Trung trong quá trình giải quyết: Không hiểu vì lý do gì mà ngay sau khi xảy ra tai nạn, Công an huyện Hà Trung lập tức cho chủ hàng giải phóng lô hàng trên chiếc xe gây tai nạn với con ông, trong khi chưa xác định nguồn gốc hàng hóa, chưa cân trọng tải xe để xác định chiếc xe này có vượt quá trọng tải cho phép khi lưu thông trên đường và đó chính là nguyên nhân gây ra tai nạn. 
Theo quy định, sau khi gây tai nạn, xe (dù đang vận chuyển hàng hóa) vẫn bị cơ quan Công an giữ lại cùng với hàng hóa để điều tra giải quyết, trong vòng 24 giờ, chủ lô hàng phải xuất trình hóa đơn hợp pháp chứng minh nguồn gốc hàng hóa trên xe. Tuy nhiên, mặc dù chủ lô hàng vẫn chưa xuất trình đủ giấy tờ theo quy định, Công an huyện Hà Trung vẫn bỏ qua “khâu” xác định nguồn gốc hàng hóa, cho chủ hàng giải phóng lô hàng trên một cách không minh bạch. 
Vụ tai nạn xảy ra từ ngày 13/5/2013, nhưng mãi đến ngày 4/7/2013 Công an huyện Hà Trung mới xác định đây là vụ án có dấu hiệu hình sự và khởi tố. Công an huyện Hà Trung cũng không báo Viện kiểm sát cùng cấp tham gia lập biên bản khám nghiệm hiện trường, giám sát xem hành vi phạm tội là do xe container lấn đường, chạy quá tốc độ hay vượt sai quy định... Ngày 20/6/2013, Phòng Kỹ thuật Hình sự (Công an tỉnh Thanh Hóa) công bố kết quả giám định va chạm xe. Theo đó, vận tốc của ô tô BKS 15C-04622 ở thời điểm xảy ra tai nạn nằm trong khoảng 93-100km/h, trong khi đây là đường đô thị, tốc độ cho phép là 35km/h. 
Coi thường dư luận
Về vụ tai nạn này, Luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng Văn phòng Luật sư An Phát Phạm cho biết: Theo Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì: Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự: Làm chết một người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên...
Trường hợp anh Cường kết luận bị thương tật là 74% thì hành vi của người gây tai nạn đã đủ cấu thành tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự, tội phạm này không thuộc nhóm chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại. Vì vậy, gia đình anh Cường không cần phải làm đơn yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố người gây tai nạn. Trách nhiệm khởi tố vụ án thuộc về cơ quan điều tra. Tuy nhiên, nếu thấy việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can bị kéo dài, người bị hại có quyền làm đơn gửi Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát yêu cầu sớm giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. 
Còn Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Cty Luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự nghi vấn: Việc nạn nhân bị cắt phần lớn chân phải, từ quan sát trực quan, người thụ lý vụ việc cũng có thể nhận định được rằng, chiếu theo quy định, tỷ lệ thương tật sẽ ít nhất 65%, đủ điều kiện để khởi tố vụ án. Thế nhưng, không hiểu sao ngay từ đầu, Công an huyện Hà Trung lại lập hồ sơ theo hướng xử lý dân sự mà không phải là hình sự? 
Liên quan đến vụ án này, cùng với nhiều cơ quan báo chí khác, sau khi xác minh, Báo PLVN bản giấy cũng như điện tử đã có bài phản ánh và đề nghị cơ quan pháp luật tỉnh Thanh Hóa kiểm tra làm rõ, nhưng một thời gian dài sự việc không được giải quyết và PLVN không hề nhận được ý kiến của các cơ quan liên quan. Vì vậy, ngày 20/03/2015 Báo PLVN đã có Công văn số 52/CV-PLVN gửi Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, VKSND tỉnh Thanh Hóa đề nghị chỉ đạo giám sát làm rõ vụ án nhưng đến nay PLVN vẫn chưa nhận được hồi âm của hai cơ quan trên.
Có thể thấy, sự chậm trễ trong giải quyết vụ án của Công an huyện Hà Trung, sự thờ ơ của Công an, VKSND tỉnh Thanh Hóa không chỉ “xát muối” vào nỗi đau của gia đình nạn nhân, làm tổn thương niềm tin của người dân vào công lý mà còn thể hiện sự coi thường dư luận. Bộ Công an, VKSNDTC cần chỉ đạo làm rõ vụ việc.
Với mong muốn vụ án sớm được làm sáng tỏ, bên hành lang Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, PLVN đã gặp và hỏi Thiếu tướng Trịnh Xuyên – Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa thì được vị Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: Sẽ cho kiểm tra việc giải quyết vụ việc.

Đọc thêm