Công bố môn thi tốt nghiệp: Khối A lo, khối C mừng

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố 6 môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010, các em học sinh sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã than trời khi trong số 6 môn tốt nghiệp có cả môn Địa và Sử...

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố 6 môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010, các em học sinh sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã than trời khi trong số 6 môn tốt nghiệp có cả môn Địa và Sử. Đây cũng là một trong những năm hiếm hoi khi các môn thi tốt nghiệp rơi trọn vẹn vào các môn thi của khối C.

[links()]

Ảnh minh họa

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2010 được tổ chức vào các ngày Thứ tư, thứ năm và thứ sáu 02, 03 và 04 tháng 6 năm 2010 với 6 môn thi Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ, Hóa, Địa, Sử.

Khối A lo lắng

Như vậy, các em học sinh chỉ còn hơn 2 tháng chuẩn bị gấp rút cho kỳ thi này. Điều đáng nói ở đây là các em học sinh của chúng ta vẫn khá lơ là với hai môn Địa và Sử để khi thi tốt nghiệp rơi vào hai môn này, các em đều rơi vào tâm trạng lo lắng sợ thi trượt.

Phản hồi trên báo điện tử VnMedia và trên mạng Facebook cũng như các diễn đàn, các em đang lo lắng với hai môn thi Địa và Sử. “Kiểu này trượt mất. Cả nhà ơi cố lên nào”; “Sao không cho thi Sinh nhỉ, kiểu này có đến 50% học sinh trượt mất thôi”; thậm chí nhiều bạn ngay lập tức hạ chỉ tiêu tốt nghiệp loại khá, giỏi của mình xuống mức thấp hơn.

Phản ứng của học sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT năm nay là không có gì xa lạ, bởi hai môn Địa và Sử được coi là khắc tinh của nhiều thế hệ học sinh Việt Nam. Nhiều lần, các nhà quản lý, các nhà giáo dục và các nhà nghiên cứu lịch sử phải than trời lên vì sự thờ ơ với sử Việt Nam của giới trẻ. Nhà sử học Dương Trung Quốc đã có lần lên tiếng, tại sao học sinh Việt Nam thuộc lịch sử Trung Quốc hơn nước mình? Thậm chí đã có nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức nhằm tìm cách kéo giới trẻ Việt Nam lại gần với sử nhưng dường như không có tác dụng. Bằng chứng cụ thể nhất là các năm thi tốt nghiệp có môn Sử, Địa, kỷ cương phòng thi phải được thắt chặt hơn tránh tình trạng mang phao vào phòng thi. Đến khâu chấm thi, nhiều bài thi cười ra nước mắt về kiến thức lịch sử của các em học sinh được các thầy cô tham gia chấm thi cũng như báo chí nêu lên nhưng dường như tình trạng sợ học Sử và Địa không hề thay đổi trong các trường học.

Với đa phần các em học sinh khối A, các môn thi tốt nghiệp năm nay là điều không nằm trong sự chờ đợi của các em. Như vậy, chặng đường sắp tới của các em đăng ký dự thi ĐH, CĐ ban A sẽ là gian nan bởi cùng lúc các em phải ôn tập tới 6 môn phục vụ hai kỳ thi quan trọng. Quan điểm của các em học sinh này là gấp rút học và ôn luyện trong vòng 2 tháng tới may ra mới đủ kiến thức để làm bài thi.

Khối C nhẹ nhàng

Trái với tâm trạng căng thẳng của các em học sinh khối A, các bạn khối C, D tỏ ra lạc quan với 6 môn thi tốt nghiệp này. Lý do các em có được sự bình tĩnh do học sinh thi một trong hai khối C, D cũng thường hay thi thêm khối khác có các môn thi tương tự.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh tham gia. Và đây là điểm các em bắt đầu chuẩn bị nước rút cho hai kì thi lớn trước ngưỡng cửa chọn nghề nghiệp cho tương lai.

Lời khuyên của các thầy cô giáo dành cho các em để có được kết quả thi tốt ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, tùy theo học lực của mình mà các em có kế hoạch học và ôn tập. Đối với học sinh yếu kém chỉ cần học bám sát chương trình chuẩn để nâng lên đến mức trung bình nhằm đỗ tốt nghiệp là đủ. Nhưng với học sinh khá, mục tiêu của các em cao hơn, vì ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em còn chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, vì vậy các em cần chuẩn bị ở mức cao hơn..

Lời khuyên từ ông Ngô Kim Khôi, Vụ phó Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT) là các em không nên học ôm đồm nhưng cũng phải tránh học tủ. Đề thi tốt nghiệp THPT cũng như thi tuyển sinh ĐH, CĐ mấy năm gần đây cho thấy học tủ, thí sinh sẽ không thể hoàn thành hết đề thi, đặc biệt là các đề thi trắc nghiệm với phổ bao quát kiến thức rộng. Trong khi đó, với các học ôm đồm sẽ khiến thí sinh mệt mỏi và mất sức không đảm bảo được cho những ngày thi căng thẳng. Do đó, các em cần học có trọng tâm, học những yêu cầu chính của chương trình, của chuẩn kiến thức và học sâu vào trọng tâm. Theo ông Khôi, bản thân trong quá trình dạy học, các giáo viên cũng trình bày phần nào là trọng tâm của chương trình, của từng bài học để giúp học sinh ôn tập tốt.

Theo VnMedia

Đọc thêm