Công chứng “sa cơ”, khách có rơi vào cảnh "đem con bỏ chợ"?

Với mô hình công chứng do một công chứng viên thành lập khá phổ biến như hiện nay và việc quy định mua bảo hiểm chỉ bắt buộc với Văn phòng công chứng (VPCC), nhiều “thượng đế” tỏ ra lo ngại trong trường hợp xấu, họ sẽ bị giống như “đem con bỏ chợ”.

Với mô hình công chứng do một công chứng viên thành lập khá phổ biến như hiện nay và việc quy định mua bảo hiểm chỉ bắt buộc với Văn phòng công chứng (VPCC), nhiều “thượng đế” tỏ ra lo ngại trong trường hợp xấu, họ sẽ bị giống như “đem con bỏ chợ”.

Bảo hiểm nghề nghiệp sẽ khiến hoạt động công chứng an toàn hơn

Khuyến khích Văn phòng có nhiều công chứng viên

Trong số 704 tổ chức hành nghề công chứng thì chiếm đến 564 là các Văn phòng công chứng. Tuy nhiên, đa số các Văn phòng công chứng hiện nay là do một công chứng viên thành lập. Vì thế theo đánh giá của Bộ Tư pháp, “chỉ đáp ứng trước mắt yêu cầu công chứng phục vụ người dân, nhưng cùng với thời gian và phát triển công chứng thì mô hình này đã thể hiện thiếu tính ổn định, bền vững”.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, không chỉ là thiếu tính ổn  định mà với mô hình do một công chứng viên thành lập sẽ gây những bất an cho khách hàng khi thực hiện các hợp đồng, giao dịch tại các tổ chức hành nghề này. Điển hình như vụ Văn phòng Công chứng Việt Tín ở Hà Nội.

Sau khi Trưởng Văn phòng công chứng này không còn, thì hàng loạt các vấn đề liên quan của khách hàng trong một thời gian khá lâu đã bị nghẽn lại do không có  đơn vị nào “tiếp quản”. Phải mất đến cả năm sau, khi các cơ quan quản lý của thành phố vào cuộc mới chỉ định được một Văn phòng khác tiếp nhận “sản nghiệp” còn lại của Việt Tín. Như vậy, nghĩa là trong thời gian người đứng đầu chết, quyền lợi khách hàng đã không được bảo đảm.

Còn trong công việc hàng ngày, mô hình Văn phòng một công chứng viên cũng bộc lộ nhiều bất cập. Theo quy định của Luật công chứng, việc công chứng có thể được tiến hành ngoài trụ sở.

Trong điều kiện phát triển kinh tế như hiện nay, nhu cầu được phục vụ tại nhà của người dân là rất lớn. Vì thế nếu công chứng viên ra ngoài trụ sở  dẫn đến cảnh “vườn không nhà trống”, hoặc ngược lại nhiều trường hợp đi ra ngoài cần  đến sự có mặt của công chứng viên thì  họ lại để cho nhân viên đi, vì cả  văn phòng chỉ có một công chứng viên nên công việc nhiều khi ắch tắc.

Nhận biết tình hình này, các Văn phòng công chứng ở nhiều  địa phương đã “tuyển dụng” thêm công chứng viên. Điển hình như Hà Nội, thời kỳ đầu mới mở, hầu hết các Văn phòng đều chỉ có  một công chứng viên, nhưng đến nay với 93 Văn phòng công chứng, nhiều Văn phòng đã có đến 3-4 công chứng viên, đảm bảo cho bộ máy được vận hành thông suốt.

Hoạt động theo loại hình DN, nhưng Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, “với các Văn phòng công chứng thì không thể  nay thành lập, mai giải thể. Trong trường hợp xấu nhất là người đứng đầu Văn phòng không còn nữa thì  khách hàng cũng vẫn được đảm bảo quyền lợi.

Dự thảo Luật công chứng sửa đổi bổ  sung quy định VPCC có quyền tạm ngừng hoạt động, nếu có lý do chính đáng hoặc trong trường hợp bất khả kháng, nhàm hạn chế việc tạm ngừng hoạt động một cách tùy tiện, ảnh hưởng đến quyền lợi của người yêu cầu công chứng.

Dự luật cũng bổ sung quy định về việc chuyển nhượng VPCC trong trường hợp có nhu cầu hoặc Trưởng VPCC chết, bị tuyên bố mất tích hoặc không đủ sức khỏe  để hành nghề.

Theo Bộ Tư pháp quy định này nhằm giữ vững sự ổn định, kế thừa, duy trì hoạt động của VPCC cũng như đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người yêu cầu công chứng.

Nghị định 04/CP/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng đã cho phép chuyển đổi mô hình 1 thành viên sang hợp danh có từ hai thành viên trở lên. Dự  thảo Luật công chứng sửa đổi cũng khuyến khích các VPCC có nhiều công chứng viên, hạn chế Văn phòng có 1 công chứng viên”.

Bảo hiểm nghề nghiệp: Đôi bên cùng yên tâm

Theo báo cáo của 61 địa phương, tính đến nay, có  425/569 Văn phòng công chứng đã mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình, chiếm khoảng 74% số lượng các Văn phòng công chứng đã mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

Mức phí mua bảo hiểm khoảng từ 5 triệu đồng - 30 triệu đồng/1 năm, tương đương mức bồi thường khoảng từ 500 triệu đồng - 3 tỷ đồng/1 năm, tiêu biểu có một số địa phương, tất cả các Văn phòng công chứng đều mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình. Việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp khiến cả công chứng viên và  khách hàng đều yên tâm hơn, đặc biệt trong trường hợp xảy ra rủi ro thì khách hàng sẽ không bị  “đem con bỏ chợ”.

Tuy nhiên, hiên nay việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề  công chứng mới chỉ thực hiện đối với các Văn phòng công chứng mà chưa áp dụng với các Phòng công chứng (vì Luật công chứng quy định chỉ  có Văn phòng công chứng mới phải mua bảo hiểm, còn Phòng công chứng chưa có quy định).

Bên cạnh đó, một số Văn phòng công chứng chưa mua được bảo hiểm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình do các đơn vị kinh doanh bảo hiểm không cung cấp loại hình bảo hiểm này hoặc có cung cấp nhưng rất hạn chế. Lý do các đơn vị kinh doanh bảo hiểm đưa ra là Luật kinh doanh bảo hiểm không quy định dịch vụ bảo hiểm trong hoạt động công chứng, rủi ro trong hoạt động công chứng cao, khó đánh giá, xác định mức bồi thường, số người tham gia ít. Đây cũng là vấn đề đặt ra khi sửa đổi Luật công chứng.

Bên cạnh đó, được biết hiện nay ngoài những quy định cấm hết sức ngặt nghèo đối với công chứng viên trong hành nghề, dự thảo Luật công chứng sửa đổi còn quy định công chứng viên phải bồi thường nếu gây thiệt hại. Đây sẽ là những quy định bảo đảm sự an toàn hơn cho người dân khi yêu cầu công chứng…

Huy Hoàng

Đọc thêm