Thay vì để các Phòng Tư pháp cấp huyện chứng thực chữ ký người dịch như hiện nay, Dự thảo sửa đổi Luật Công chứng giao trả lại phần việc này cho Công chứng viên. Theo Bộ Tư pháp, quy định như vậy để đảm bảo tính chính xác của bản dịch, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người yêu cầu dịch.
Chất lượng bản dịch không đảm bảo
Trước thời điểm có Luật Công chứng, việc chứng thực chữ ký người dịch do các Phòng Công chứng thực hiện. Tuy nhiên, sau khi có Luật Công chứng và Nghị định 79 về chứng thực thì thẩm quyền này được giao về cho Phòng Tư pháp. Sau 6 năm thi hành, một trong những bất cập lớn nhất đó chính là nhân lực của các Phòng Tư pháp quá mỏng, trong khi công việc quá nhiều.
Hiện nay, ngoài các quận huyện của các TP trực thuộc Trung Ương, biên chế có thể 8-10 người, còn lại nhiều Phòng Tư pháp chỉ có 3-4 cán bộ. Mặt khác, các cán bộ tư pháp phần lớn không phải là dân ngoại ngữ, chỉ chứng thực chữ ký mà không biết nội dung bản dịch đó là gì (đành rằng đó là việc chứng thực chữ ký, còn nội dung do người dịch chịu trách nhiệm) cũng gây không ít phiền toái nếu có tranh chấp.
Vấn đề này, Bộ Tư pháp cũng thừa nhận: Việc chứng nhận chữ ký người dịch giao cho Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện như hiện nay chỉ đơn thuần chứng thực chữ ký người dịch nên chất lượng bản dịch không đảm bảo do không có cơ chế quản lý, ràng buộc trách nhiệm của người dịch và người chứng thực chữ ký.
Hơn thế, theo phản ánh của nhiều tổ chức hành nghề công chứng, việc giấy tờ có chứng thực chữ ký của cơ quan hành chính đem ra nước ngoài không được chấp nhận vì không đúng thông lệ (ở nước ngoài, việc chứng thực chữ ký người dịch được thực hiện bằng các phiên dịch viên có tuyên thệ và do các Công chứng viên được bổ nhiệm chứng thực). Do đó, nếu để chứng thực chữ ký ở chính quyền dẫn đến việc người dân lại phải tìm đến các sứ quán. Với những bất cập như vậy nên Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi đã giao trả lại cho công chứng viên thực hiện việc chứng thực chữ ký người dịch.
Khắc phục tình trạng lộn xộn
Theo Bộ Tư pháp, quy định như trên Nhà nước sẽ có nhiều cái được. Thứ nhất, khâu dịch giấy tờ sẽ giải quyết được cơ bản vấn đề chất lượng các giấy tờ được dịch. Bởi, theo Dự thảo, người dịch phải hội tụ đủ tiêu chí mới được dịch như phải có bằng cấp, chứng chỉ theo quy định, phải được cấp phép hành nghề, người dịch phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của nội dung bản dịch… Qua đó, giúp Nhà nước quản lý chặt chẽ đội ngũ người dịch.
Thứ hai, đối với chứng nhận bản dịch quy định Công chứng viên phải kiểm tra các giấy tờ cần dịch, Công chứng viên công chứng bản dịch phải chịu trách nhiệm liên đới với người dịch về nội dung bản dịch.
Thứ ba, việc công chứng bản dịch do Công chứng viên đã thực hiện trong thời gian dài, đi vào nền nếp, có kinh ngiệm thực hiện. Việc trả lại nhiệm vụ này cho Công chứng viên sẽ khắc phục tình trạng dịch thuật khá lộn xộn, kém chất lượng, đồng thời giảm thiểu công việc cho cơ quan hành chính nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc dịch giấy tờ và công chứng bản dịch do tổ chức bổ trợ tư pháp thực hiện sẽ mang tính chuyên nghiệp hơn là việc để cơ quan hành chính nhà nước thực hiện. Do đó, trả lại nhiệm vụ công chứng bản dịch cho Công chứng viên cũng là bước tiếp theo xã hội hóa về hoạt động chuyên môn trong thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị việc chứng nhận chữ ký người dịch vẫn nên để ở Phòng Tư pháp để tạo điều kiện cho người dân. Về vấn đề này, Bộ Tư pháp cho rằng, hiện nay cả nước có 701 đơn vị cấp huyện, tương đương với 701 Phòng Tư pháp cấp huyện. Còn số lượng tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước tính đến nay là 704 và sẽ tiếp tục tăng lên. Không chỉ tăng về số lượng, các tổ chức hành nghề công chứng còn được phân bổ hợp lý theo địa bàn cấp huyện, do thực hiện chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động công chứng và phát triển theo quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt, đến năm 2020, cả nước sẽ phát triển khoảng 1700 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó đến năm 2015 là 1000 tổ chức và đến năm 2020 phát triển thêm 700 tổ chức. Với hệ thống tổ chức hành nghề công chứng như vậy, Bộ Tư pháp tin tưởng “sẽ đáp ứng đầy đủ và thuận tiện nhu cầu của người dân”.
Sẽ liên đới chịu trách nhiệm như thế nào? Theo Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi, người dịch chịu trách nhiệm về tính xác thực của nội dung bản dịch; Công chứng viên công chứng bản dịch và chịu trách nhiệm liên đới cùng với người dịch về bản dịch được công chứng. Tuy nhiên theo ông Đặng Mạnh Tiến, Trưởng phòng Công chứng số 4 Hà Nội: “Liên đới được hiểu là như thế nào, chả lẽ người dịch dịch sai, tôi công chứng vào, hậu quả người dịch phải đền, công chứng viên cũng đền theo? Nhất là những bản dịch có liên quan đến vấn đề chính trị hay đạo đức, rất phức tạp và nguy hiểm”. Ông Tiến cho biết thêm, về bản chất, Công chứng viên chỉ chịu trách nhiệm về chữ ký người dịch, còn nội dung bản dịch phải do người dịch chịu trách nhiệm. Vì thế, theo ông Tiến, quy định “chịu trách nhiệm liên đới của Công chứng viên” phải hết sức cân nhắc. |
Thu Hằng