Từ lâu trong dân gian người ta thường dùng hạt bí ngô để ăn trong các dịp lễ, Tết. Đây là loại hạt thơm ngon, dễ ăn và có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Bí ngô có thể gieo trồng và thu hoạch quanh năm, nhưng thu hoạch vào mùa thu và đông hạt sẽ có tác dụng cao nhất.
1- Chữa sưng tuyến tiền liệt: Bệnh sưng tuyến tiền liệt lành tính (BPH) là căn bệnh thường xuất hiện ở nhóm đàn ông trên 50 tuổi, đặc thù là tuyến tiền liệt bị sưng to. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện thấy có một yếu tố làm tăng bệnh, đó là sự kích thích quá mức của các tế bào tiền liệt tuyến do testorerone và sản phẩm phụ của nó là dihydrotestorerone (DHT) gây ra. Dưỡng chất có trong hạt bí ngô hay còn gọi là dầu bí ngô có khả năng làm giảm quá trình kích hoạt của hai hợp chất nói trên. Cơ chế trên hiện đang được khoa học nghiên cứu tiếp, người ta gọi những hợp chất hữu ích này là chất hỗ trợ, bao gồm ceratenoids, mỡ omega-3, kẽm, v.v...
2- Bảo vệ xương: Ngoài tác dụng bảo vệ tuyến tiền liệt, hạt bí ngô còn có chứa kẽm, có tác dụng làm tăng tỷ trọng khoáng chất cho xương, đặc biệt là đối với nhóm đàn ông trung tuổi. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí y học dinh dưỡng ACN của Mỹ cho biết, sau khi nghiên cứu ở 400 người đàn ông từ 45-92 tuổi, các nhà khoa học đã phát hiện thấy nhóm người có khẩu phần ăn kẽm thấp thì mức độ gãy xương háng và cột sống rất cao, vì vậy hạt bí ngô là ứng viên rất tốt cho việc ngăn ngừa căn bệnh nói trên ở đàn ông.
3- Lợi ích chống viêm nhiễm ở những người mắc bệnh thấp khớp: Qua nghiên cứu cho thấy, hạt bí ngô có chứa nhiều dưỡng chất có tác dụng tốt ở bệnh nhân thấp khớp, đặc biệt là có những chất giống như thuốc Indomethacine, phòng ngừa viêm nhiễm phi kháng nguyên steroidal, nhưng nó lại không tạo ra các phản ứng phụ như Indomethacine do không làm tăng mỡ xấu (lipid peroxide) trong lớp lót khuỷu gối, hiện tượng thường gặp ở những người thấp khớp dùng thuốc Indomethacine.
4- Làm giảm cholesterol: Hợp chất có tên là phytosterol có trong cây trồng và trong bí ngô có cấu trúc tương tự như cholesterol, và khi được cung cấp ở mức hợp lý thông qua ăn uống nó sẽ có tác dụng tích cực làm giảm hàm lượng cholesterol trong máu (dân gian gọi là mỡ máu), tăng cường miễn dịch trong cơ thể và làm giảm nguy cơ mắc một số loại bệnh về ung thư. Phytosterol không chỉ có ở trong hạt bí mà còn có trong đậu nành, ngũ cốc, dầu dứa và một số loại quả khác. Riêng phytosterol có nguồn gốc từ các loại hạt được ví như “bơ” tự nhiên tốt nhất. Trung bình, cứ 100g hạt bí ngô có tới 265mg phytosterol, còn ở lạc là 270-289mg/100g hạt.
5- Cách bảo quản và sử dụng hạt bí: Hạt bí ngô thường được thu hoạch từ sản phẩm quả già đủ tuổi, nhất là vào mùa thu và đông. Hạt phơi khô, chứa vào bình kín để tránh ẩm và tránh mối mọt. Sản phẩm hạt phải trắng, phồng và có màu thơm tự nhiên. Có thể bảo quản nơi kín gió hoặc trong tủ lạnh để dùng trong nhiều tháng. Nếu để rời bên ngoài có thể dùng 1-2 tháng sau khi thu hoạch. Trường hợp dùng hạt bí ngô tươi thì làm như sau: Dùng tay bóc hết các loại hạt bí trong vỏ, dùng khăn tay mềm bọc hạt xoa để loại bỏ hết thịt dính bên ngoài, trải đều ra giấy phơi qua đêm. Sau đó cho vào chảo rang với nhiệt độ không quá 75 độ C, thời gian từ 15-20 phút.
Chú ý giữ lửa, quấy đều để hạt chín mà không bị cháy. Nên nhớ rang ở nhiệt độ nhỏ và lâu sẽ giữ được hàm lượng dầu hữu ích có trong hạt. Có thể ăn trực tiếp, dùng hạt làm súp, nộm sa lát, bổ sung thêm gia vị hành tỏi, dầu ô liu, chanh, v.v... cho dậy mùi. Hạt bí ngô không phải là thực phẩm gây dị ứng và không có chứa các chất gây bệnh như goitrogen, uxalates hoặc purine.
Bích Trâm (st)