Còng Lưng cho điệu Xa Mạc bay lên

Một ngôi làng thuần nông nhỏ bé bao đời qua lưu truyền những làn điệu chèo độc đáo. Thời kinh tế thị trường ồ ạt tràn về, người dân đang lo lắng cho số phận làn điệu hát chèo sẽ trôi dạt hay biến tướng, làm mất đi cái chân chất thôn quê ẩn hiện trong những câu hát du dương kia thì bỗng dưng một người con của làng: ông Nguyễn Ngọc Lược “dở chứng hâm” khom lưng cõng những câu ca đó, gìn giữ bảo tồn, để chèo của làng vẫn tươi rói đến ngày nay.
Ông Lược hơn 30 năm giữ lửa chèo Xa Mạc

Một ngôi làng thuần nông nhỏ bé bao đời qua lưu truyền những làn điệu chèo độc đáo. Thời kinh tế thị trường ồ ạt tràn về, người dân đang lo lắng cho số phận làn điệu hát chèo sẽ trôi dạt hay biến tướng, làm mất đi cái chân chất thôn quê ẩn hiện trong những câu hát du dương kia thì bỗng dưng một người con của làng: ông Nguyễn Ngọc Lược “dở chứng hâm” khom lưng cõng những câu ca đó, gìn giữ bảo tồn, để chèo của làng vẫn tươi rói đến ngày nay.

Được biết, cụ Nguyễn Văn Lộc, thân phụ ông Lược cũng là người đã hát chèo và gìn giữ nhiều năm. Nhưng cụ không có cái ý nghĩ sẽ “truyền lửa” cho ai. Cụ không nghĩ rằng con trai mình sau này có thể “giữ lửa” chèo quê. Ông Nguyễn Ngọc Lược sinh năm 1951, sau khi trở về từ chiến trường năm 1979, thấy quê mình hờ hững với chèo quá, những làn điệu này nếu không được gìn giữ, bảo tồn thì nguy.

Cái máu nghệ thuật của người cựu chiến binh năm xưa thúc giục ông phải xắn tay áo vực dậy phong trào hát chèo đang ngày càng bị phôi pha. Ông nói: “Tôi không ngần ngại bỏ tiền túi để mua hệ thống loa, âm ly, đèn đóm, trang phục, đạo cụ cho đội chèo. Nếu các đội khác cần tôi cũng sẵn sàng cho mượn”.

Tôi biết rằng, vì ông quá mê nó, tự mua sắm trang thiết bị cho đội chèo không phải để được khen. Số tiền đó cách đây 10 năm ông có thể mua hẳn một miếng đất ngon ngoài quốc lộ, chỉ đợi có anh “cò” nào đến là nắm gọn tiền trăm triệu. Đứng trước hai dòng nước, ông trăn trở nhiều đêm và quyết định mang tiền mua đạo cụ. Giờ thì ông “giàu” rồi, giàu cái tình yêu với chèo, giàu về sự nể nang của người khác, và giàu niềm vui sướng khi gìn giữ được chèo.

Tôi vì sao làn điệu chèo cổ ở Xa Mạc được gọi là hát Xa Mạc. Ông Lược giải thích: “Ngày xưa, người  dân Xa Mạc thường hát chèo bên dòng sông, dưới cánh đồng rộng mênh mông. Bờ sông xa cách nên chỉ giao duyên được với nhau qua tiếng hát ngân xa nhờ những cơn gió gửi tâm tình tới bạn ca. Cũng vì khoảng cách xa xôi, cộng thêm tiếng hát mang đậm tính chân chất của xóm làng nên được gọi bằng cái tên Xa Mạc (xa làng)”

Giờ một số thanh niên ở làng Xa Mạc đã chú ý và biết yêu các điệu chèo quê hương. Nhất là con trai ông Lược là Nguyễn Văn Giang và các cháu, đã biết trân trọng bố và thuộc nhiều làn điệu. Hội làng Xa Mạc diễn ra vào mùa xuân hàng năm là dịp tốt để các thế hệ con cháu trong làng ôn lại truyền thống, và cùng nhau ngân lên những lời đằm thắm ca ngợi quê hương, đất nước, cuộc sống và tình cảm đôi lứa.

Cũng là dịp để thế hệ thanh niên trong làng có chỗ vui chơi, giao lưu học hỏi, và yêu quê, yêu cảnh, yêu người. Ông Lược tâm sự: “Các anh có tưởng tượng được cảnh trẻ con sinh ra tại quê hương của chèo cổ mà cứ véo von mấy bài nhạc trẻ trên truyền hình, băng đĩa, rồi nhảy múa, nghe chối tai lắm. Tôi mong chúng trước hết hãy thuộc, hãy hiểu, hãy cảm các làn điệu cha sinh mẹ đẻ này đã. Và cũng mong thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu phục vụ quần chúng ở ngoài sân đình, để thanh niên được thấy”.

Từ ý nghĩ đó ông Lược lại cặm cụi viết lời hát, sáng tác các làn điệu mới. Ông là đạo diễn, viết kịch bản hơn 40 bài Xa Mạc cổ, được bà con đón nhận. Giờ đây ở nhà ông, tối nào cũng đông đúc người, vui như Tết. Đó là những người nông dân “hai sương một nắng” đến học. Họ chưa có nhà văn hoá, cho nên tụ tập về nhà ông Lược.

Ông sẵn sàng dạy cho bất cứ ai, miễn là người đó phải có lòng đam mê thực sự, lòng cầu thị cao. Ông Lược thổ lộ rằng ba năm trước ông được Ban văn nghệ phường 13, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh mời vào thỉnh giảng và diễn phục vụ quần chúng. Ông coi đó là một vinh dự cũng là trách nhiệm phải làm sao để quảng bá rộng rãi hơn nữa làn điệu chèo cổ đến với nhiều miền quê của đất nước hơn. Lúc rảnh rỗi hay ngày chủ nhật các cháu nghỉ học, ông lại quây quần bên chúng để truyền dạy những kỹ năng hát của cha ông.

Chúng được ông “truyền lửa” nên đứa nào cũng hát đến mê mẩn. Hiện nay đội chèo của làng có 20 người, trong đó có bà Nguyễn Thị Hiền vợ ông Lược, có ông Xuân Bình là một cây nhị từ ngành Quân đội về, nhờ nhiều người chơi nhạc giỏi mà đội rất mạnh. Nhưng nhiều người tuổi đời đã cao, những cây đa cây đề của đội dần dần ngã xuống, cho nên việc bổ sung nhân lực mới cho đội chèo là cực kỳ cần thiết.

Một điều nữa, đội chèo không có kinh phí, UBND xã không ủng hộ. Tiền kinh phí do đội  viên đóng góp, cộng thêm tiền thù lao mỗi chuyến đi biểu diễn ở các hội nghị cơ sở hay các lễ cưới, lễ mừng thọ thuê để duy trì đội Chèo. Cũng chẳng phải vì xã hội không quan tâm mà đội chèo sẽ đi xuống. Ngược lại, khi có những người tâm huyết như ông Nguyễn Ngọc Lược và một số bô lão thì làn điệu chèo Xa Mạc cổ có lịch sử lâu dài, gần với chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước sẽ còn tồn tại.

Ông Lược bỗng chốc cất lên đãi khách, làm cho không khí ngột ngạt giảm bớt: “Ôi Mê Linh đẹp quá có đồi cây được xây nên tượng Bác. Bậc xây nên bảy mươi chín mùa xuân. Xa xa là ánh điện lung linh. Là quê hương của hai bà Trưng. Đi lên nữa là Thạch Đà, Xa Mạc. Chính nơi đây có giọng hát thiết tha...”

Nguyễn Văn Học

Đọc thêm