Báo PLVN số ra các ngày 29/3 và 10/4/2011 có bài “Nhìn từ việc thi hành bản án đòi nhà tại quận 8, TP.Hồ Chí Minh: Công lý “hụt” phản ánh về trường hợp của bà Nguyễn Thị Tư ủy quyền cho người giúp việc là bà Trương Thị Loan quản lý hộ căn nhà số 105-107 Đào Cam Mộc, phường 4, quận 8, TP.Hồ Chí Minh rồi bị bà Loan dùng nhiều hành vi gian dối để chiếm đoạt căn nhà này…
Táo tợn hơn, khi bà Tư không có nhà, bà Loan đã đưa chồng bà Tư là ông Nguyễn Kim Paul về xã Giao Hòa, tỉnh Châu Thành, tỉnh Bến Tre làm giấy kết hôn. Sau đó, khi bà Tư đòi lại nhà thì bà Loan viện cớ rằng mình có hôn thú với ông Paul, có công chăm sóc ông Paul và khi ông Paul qua đời đã tổ chức ma chay... để ra “yêu sách” được chia phần căn nhà.
|
Bi hài chuyện công lý “hụt”
Sự việc được bà Tư kiện ra Tòa. Ngày 14/01/2010 TAND TP.Hồ Chí Minh có Bản án sơ thẩm số 62/2010/DS-ST, cho rằng yêu cầu đòi được hưởng một phần căn nhà của bà Loan là không có cở sở vì đăng ký kết hôn giữa ông Paul và bà Loan không đúng quy định của pháp luật, ngoài ra nếu có tranh chấp về quyền thừa kế thì phải được xử lý bằng một bản án khác... Từ đó, cấp tòa này buộc bà Loan và những người ở trong ngôi nhà 105-107 Đàm Cam Mộc phải di dời để trả nhà cho bà Tư.
Tại phiên tòa phúc thẩm của TAND tối cao diễn ra 5 tháng sau đó tại TP.Hồ Chí Minh, bà Loan đồng ý trả lại nhà cho bà Tư nhưng xin bà Tư 150 triệu đồng và bà Tư đồng ý. Từ kết quả thỏa thuận tự nguyện giữa hai bên, Tòa phúc thẩm tuyên: “Buộc bà Loan phải di dời trả nhà cho bà Tư và bà Tư hỗ trợ cho bà Loan 150 triệu đồng” (Bản án phúc thẩm số 118/2010/DS-PT ngày 23/6/2010).
Sau khi án phúc thẩm có hiệu lực, bà Tư đã nộp 150 triệu đồng và làm đơn đề nghị thi hành án. Tuy nhiên, khi Cơ quan Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh tiến hành cưỡng chế thì bà Loan lại viện ra lý do để trì hoãn như chưa tìm được chỗ ở mới: “Xin Cục thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh tạo điều kiện thuận lợi cho tôi có thêm thời gian để tìm nhà khác, tôi sẽ dọn giao ngay nhà này cho nguyên đơn”.
Điều này cũng chứng tỏ bà Loan cũng đã có đơn cam kết sẽ giao nhà cho bà Tư ngay khi tìm được chỗ ở mới. Nhưng vào ngày 23/5/2011, TAND tối cao có Công văn số 13/TANDTC-DS gửi Cục trưởng thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh: Yêu cầu hoãn thi hành án trong thời gian 3 tháng để xem xét đơn khiếu nại của bà Loan.
3 tháng sau, vẫn không thấy văn bản phản hồi từ TAND tối cao, Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh đã cho tiến hành cưỡng chế. Sáng 1/3/2012 khi lực lượng cưỡng chế bắt đầu tiến hành thi hành án (đây là lần cưỡng chế thứ 4), thì Cục Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh nhận được bản fax Thông báo số 58/TANDTC-DS của Phó Chánh Tòa dân sự TAND tối cao Phạm Thanh Bình với nội dung: Bản án DSPT số 118/2010 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.Hồ Chí Minh đã bị Chánh án Tòa tối cao kháng nghị tại Quyết định số 38/2012/KN-DS ngày 27/2/2012 và yêu cầu tạm thời đình chỉ thi hành án. Thế là công lý sắp được thực thi bỗng “bước hụt” vì buổi cưỡng chế lại bất thành.
Có dấu hiệu hình sự
Ông Nguyễn Văn Quỳnh Giao (chấp hành viên Cục THADS TP.Hồ Chí Minh, người được giao trọng trách giải quyết vụ việc) cho biết: “Sáng 1/3/2012, chúng tôi nhận được bản thông báo số 58 bằng đường fax nhưng không nhận được Quyết định kháng nghị số 38 như nội dung thông báo đã viện dẫn. Mãi đến ngày 12/4/2012 (hơn 1 tháng sau - PV), THADS TP.Hồ Chí Minh mới nhận được quyết định kháng nghị này”.
Theo nhận định tại Bản kháng nghị số 38/2012/KN-DS này thì bản án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa làm rõ mối quan hệ hôn nhân giữa ông Paul và bà Tư, quan hệ hôn nhân giữa ông Paul và bà Loan, công lao bà Loan sửa chữa căn nhà, công bà Loan chăm sóc và ma chay cho ông Paul chưa được tính tới... Ngoài ra, quyết định kháng nghị cũng đặt câu hỏi: Tại sao 5 người con chung giữa ông Paul và bà Tư, con nuôi của bà Loan, ông Paul... không tham gia tố tụng để hưởng quyền thừa kế?.
Về phía bà Tư, mặc dù cho rằng những yêu cầu cần làm rõ trong nội dung Bản kháng nghị số 38 không liên quan gì đến việc bà Tư đòi lại nhà, nhưng để làm rõ mối quan hệ hôn nhân giữa ông Paul - bà Loan và sự công nhận con nuôi của ông Paul - bà Loan đối với Huỳnh Thị Thanh Hiền do UBND xã Giao Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cấp, gia đình bà Tư đã có đơn khiếu nại đến Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre.
Ngày 21/5/2012, Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre đã có Công văn số 820/STP-HCTP khẳng định: “Việc đăng ký nhận con nuôi giữa ông Paul và bà Loan đối với Huỳnh Thị Thanh Hiền do UBND xã Giao Hòa cấp là không đúng trình tự, thủ tục, điều kiện theo quy định của pháp luật... Đề nghị UBND huyện Châu Thành hủy bỏ”.
Ngày 12/6/2012, UBND huyện Châu Thành có Quyết định số 2736/QĐ-UBND với nội dung: “Thu hồi, hủy quyết định công nhận nuôi con nuôi mà UBND xã Giao Hòa đã cấp cho ông Paul, bà Loan...”.
Còn về việc cấp giấy chứng nhận hôn nhân vợ chồng giữa ông Paul và bà Loan, thì tại Công văn 985/STP-HCTP của Sơ Tư pháp tỉnh Bến Tre ban hành ngày 11/6/2012, trong phần nội dung xác minh, chính bản thân ông Phạm Hữu Liệt, cán bộ Ban tư pháp xã Giao Hòa đã thừa nhận: Hồ sơ đăng ký hôn nhân giữa ông Paul và bà Loan là chưa đủ, chưa hợp lệ... nhưng vì có ý kiến của Chủ tịch xã là ông Phạm Văn Thiêm (đã chết) chỉ đạo cho đăng ký...
Nội dung công văn nói trên đã khẳng định: Việc UBND xã Giao Hòa cấp giấy đăng ký kết hôn cho ông Paul và bà Loan là trái với Điều 23, Nghị định 83/1998/NĐ-CP của Chính phủ, đề nghị TAND huyện Châu Thành ra quyết định hủy bỏ...
Không rõ những sai sót nêu trên là do trình độ chuyên môn thấp kém của các cán bộ có liên quan hay do động cơ vụ lợi nào khác, nhưng điều mà ai cũng nhìn thấy đó là những chứng cứ giả xâm hại đến quyền lợi của bà Tư. Bà Tư năm nay đã trên 80 tuổi và gần 6 năm qua luôn thấp thỏm chờ đợi để nhận lại tài sản do mồ hôi, nước mắt của bà tạo dựng nhưng công lý vẫn chưa đến.
Mang tiếng là chủ nhà nhưng bây giờ bà Tư phải đi ở nhà thuê, còn nhà của bà lại “phục vụ” người khác. Câu chuyện đòi nhà này đã đi quá xa và có dấu hiệu hình sự, rất mong được cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Hà Tấn