4 tháng đầu năm 2010, trên địa bàn thành phố xảy ra hơn 50 vụ tai nạn giao thông, làm hơn 50 người chết và hàng chục người bị thương. Trước những diễn biến phức tạp đó, nếu không có các biện pháp cấp bách, tích cực, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2010 của thành phố khó bảo đảm mục tiêu giảm số vụ, số người chết, số người bị thương so với năm 2009.
Lực lượng cảnh sát giao thông xử lý vụ tai nạn trên đường đi Đình Vũ. |
1 tuần, 8 người thiệt mạng
Trung tuần tháng 4, trên địa bàn thành phố xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 8 người thiệt mạng. Trong ngày 17-4, liên tiếp xảy ra 3 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 3 người. Hồi 10 giờ, tại trước cửa số nhà 341 đường Nguyễn Văn Linh, quận Lê Chân xảy ra vụ TNGT giữa xe công-ten-nơ và xe mô tô làm anh Trần Ngọc Tú, ở tổ 28 phường Đông Khê, quận Ngô Quyền bị bánh sau xe công-ten-nơ chèn qua. Hơn 2 giờ sau, hồi 12 giờ tại đường 355 thuộc khu Tiền Tra, phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh, anh Bùi Văn Thạch, sinh 1982, ở Tân Phong, Kiến Thụy điều khiển xe mô tô BKS: 16L3-3291 đi theo hướng Kiến An - đường 353 bị xe công-ten-ne (chưa rõ BKS) đi cùng chiều đâm phải làm anh Thạch tử vong tại chỗ. Hồi 20 giờ cùng ngày, trên Quốc lộ 10 thuộc địa bàn xã Quang Trung, huyện An Lão, xe mô tô BKS: 16M1-4715 do anh Vũ Văn Chuyên ở thị trấn An Lão điều khiển va chạm liên hoàn với 1 xe tắc-xi và một xe công-ten-nơ làm anh Chuyên tử vong tại chỗ.
Vụ TNGT nghiêm trọng nhất xảy ra hồi 23 giờ ngày 16-4, tại ngã ba Đông Sơn, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên. Xe ô tô khách, loại 24 chỗ ngồi, BKS: 16L-4835 do Lưu Văn Đạt, sinh 1975, ở xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, điều khiển đi theo hướng Quảng Ninh - Hải Phòng (đi ngược chiều dải phân cách) đâm vào xe mô tô BKS: 61H1-7116 do Vũ Trọng Phước, sinh năm 1990, ở xã Thái Hòa, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương điều khiển, phía sau chở Vũ Quốc Huy, sinh năm 1992, ở Thanh Bình, Trảng Bom, Đồng Nai và Đàm Trí Khánh, sinh 1989, ở xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, làm 3 người thiệt mạng tại chỗ, ô tô và mô tô hư hỏng nặng.
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông Bộ- sắt (Bộ Công an), trong 3 tháng đầu năm, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Lực lượng kiểm tra mỏng
Tại cuộc họp bàn biện pháp bảo đảm trật tự ATGT nhằm kiềm chế, giảm RNGT trong thời gian tới, lãnh đạo Phòng CSGT (Công an thành phố) thừa nhận: Nếu không kịp thời có các biện pháp cấp bách giảm thiểu TNGT, nhất là các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng thì tình hình trật tự an toàn giao thông thành phố trong năm 2010 sẽ “vỡ trận” – không giảm được 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương so với năm 2009.
Tại hội nghị này, nhiều đại biểu Phòng CSGT bộ-sắt bức xúc: Tình hình tai nạn giao thông trong thời gian qua diễn biến phức tạp, thiệt hại đáng kể về người và tài sản. Công an một số quận, huyện bố trí ít cán bộ, chiến sĩ làm công tác bảo đảm an toàn giao thông. Một số địa phương như Tiên Lãng chỉ có 6 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông, nhiều quận, huyện có dưới 10 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Lực lượng mỏng, cảnh sát giao thông quận, huyện không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ tuần tra, chốt điểm giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường.
Phối hợp không đồng bộ
Bên cạnh những hạn chế trên, cơ sở hạ tầng, trang bị phục vụ công tác bảo đảm an toàn giao thông là một vấn đề đáng bàn. Hệ thống biển báo an toàn giao thông của Hải Phòng ít hơn nhiều so với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… Đi trên nhiều tuyến đường của thành phố, dễ dàng nhận ra tình trạng hoạt động “tậm tạch” của hệ thống đèn đường. Liên tiếp bị hỏng hóc, nhiều người dân đến các đoạn ngã ba, ngã tư có đèn xanh, đèn đỏ liền rồ ga phóng qua gây tai nạn. Vụ tai nạn tại ngã ba Đông Sơn, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên làm 3 người chết là 1 ví dụ điển hình. Xe ô tô thì vi phạm đi ngược chiều, còn xe máy thì chở quá số người quy định, phóng nhanh, vượt ẩu.
Thời gian qua, Công an thành phố được trang bị hệ thống ca-me-ra tự động đặt tại các tuyến đường trọng yếu. Hệ thống này ban đầu được nhiều người kỳ vọng là những “mắt thần” trên đường phố. Tuy nhiên, tới nay chỉ qua hơn 1 năm đưa vào sử dụng, những ca-mê-ra này đã hỏng một nửa. Phòng CSGT bộ-sắt (Công an thành phố) kiến nghị nhiều lần nhưng chưa sửa được do dự án của Bộ Công an quản lý. Sau khi hoàn thành lắp ráp, đơn vị thi công đã về Hà Nội từ lâu. Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố cần có sự vào cuộc của nhiều ngành như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông (Sở Giao thông Vận tải) thực tế nhưng công tác phối hợp giữa 2 lực lượng này mới dừng lại ở các kế hoạch chung, chưa cụ thể./.
Việt Hòa